Thứ Tư, 22/06/2016 13:21

NHA: Tại sao nhiều CĐNB và NĐT nước ngoài lại tranh mua?

Sự xuất hiện của một nhà đầu tư cá nhân nước ngoài trong cơ cấu cổ đông lớn của Tổng Công ty ĐT PT Nhà & Đô thị Nam Hà Nội (HNX: NHA) càng khiến cho cổ phiếu NHA thêm nóng. Bên cạnh đó là động thái tích cực mua vào của hàng loạt cổ đông nội bộ (CĐNB).

Từ một cổ phiếu gần như không có thanh khoản từ lúc niêm yết vào tháng 7/2010, NHA bất ngờ giao dịch rất sôi động và giữ đà trong khoảng 1 năm trở lại đây. Đây là quãng thời gian gắn liền với động thái mua vào cổ phiếu của các cổ đông nội bộ và có thêm sự xuất hiện một cổ đông lớn nước ngoài.

Đầu tiên phải kể đến là ông Nguyễn Minh Hoàn – Chủ tịch HĐQT NHA vừa mua xong 650,000 cp NHA trong tháng 4/2016 vừa qua để nâng tỷ lệ sở hữu lên hơn 2.1 triệu đơn vị, tương ứng 18.36% vốn. Hiện gia đình ông Hoàn đang nắm giữ 2.78 triệu cổ phiếu, chiếm gần 24% vốn NHA.

Không chỉ vậy, nhiều cổ đông nội bộ khác gồm Thành viên HĐQT Nguyễn Văn Hùng và Nguyễn Hồng Thái cũng vừa mua xong lần lượt 300,000 và 500,000 cp NHA. Kế toán trưởng Nguyễn Hoàng Đạo cũng đã mua 500,000 cp NHA và Phó TGĐ Nguyễn Ngọc Duyến thì đang đăng ký mua 500,000 cp NHA thời gian từ 16/05-14/06.

Đáng chú ý, động thái mua cổ phiếu của các cổ đông nội bộ NHA được thực hiện ngay khi xuất hiện một cá nhân nước ngoài trở thành cổ đông lớn của NHA hồi đầu tháng 3/2016. Khi đó, ông Peter Eric Dennis đã mua 622,000 cp của NHA và trở thành cổ đông lớn nắm giữ 5.36% vốn. Sau khi trở thành cổ đông lớn, nhà đầu tư này đã đến thăm doanh nghiệp trước khi thực hiện 2 lần mua thêm cổ phiếu NHA để nâng sở hữu hiện tại lên 7.16% vốn.

Danh sách cổ đông nội bộ và cổ đông lớn của NHA

Như vậy, nhóm cổ đông nội bộ và cổ đông lớn nước ngoài đã sở hữu gần 45% vốn tại NHA. Đó là một phần lý do tại sao cổ phiếu NHA cũng bắt đầu chuyển biến tích cực cả về xu hướng lẫn thanh khoản. Theo đó, chỉ trong 1 năm qua, giá cổ phiếu NHA đã tăng gần 70%, từ mức quanh 9,000 đồng đế lên mốc 15,600 đồng/cp, thanh khoản bình quân đạt gần 250,000 đơn vị/phiên, tăng đột biến nếu so với 1 năm trước đó (chỉ hơn 4,000 cp/phiên).

Biến động cổ phiếu NHA kể từ khi niêm yết

NHA đang có gì hấp dẫn trước làn sóng “gom hàng”?

NHA tiền thân là Công ty TNHH Thành Mỹ được thành lập năm 2004 với ngành nghề chính là xây dựng, khai thác và chế biến đá, mua bán vật liệu xây dựng... Công ty có vốn điều lệ ban đầu là 2.5 tỷ đồng. Đến đầu năm 2010, Công ty đổi tên thành Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị Nam Hà Nội và chính thức niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vào tháng 7/2010.

Trải qua 6 lần tăng vốn điều lệ thì đến nay NHA có vốn 116 tỷ đồng. Lĩnh vực kinh doanh chính của NHA hiện nay là xây dựng dân dụng, công nghiệp, đầu tư hạ tầng khu công nghiệp và kinh doanh bất động sản…

Về hoạt động kinh doanh, NHA có sự thụt lùi đáng kể sau niêm yết. Nếu như giai đoạn trước niêm yết (2008-2010), NHA có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận khá tốt, từ con số hơn 2 tỷ đồng để lên đến 22 tỷ đồng. Nguồn thu chủ yếu NHA trong giai đoạn này chính là từ hoạt động xây lắp, giải phóng mặt bằng (chiếm hơn 93% năm 2010). Thì sau niêm yết, hoạt động kinh doanh của NHA bước vào giai đoạn sụt giảm nghiêm trọng. Mặc dù doanh thu vẫn tăng nhưng lợi nhuận từ năm 2011 đến 2013 thụt lùi dần, từ 1.3 tỷ đồng xuống còn 400 triệu đồng. Nguyên nhân mà NHA đưa ra giải thích cho sự sụt giảm lợi nhuận là do giá nguyên vật liệu tăng cao dẫn đến giá vốn công trình tăng.

Tuy nhiên, đến năm 2015, sự xuất hiện của mảng kinh doanh bất động sản đã trở thành cứu cánh thực sự cho NHA. Cụ thể, doanh thu NHA đạt hơn 148 tỷ đồng, tăng mạnh 258% so với năm trước và vượt 24% chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Trong cơ cấu doanh thu, mảng xây lắp và giải phóng mặt bằng chỉ chiếm 28% trong khi bất động sản chiếm 72%, đạt hơn 106 tỷ đồng. Doanh thu bất động sản đột biến của NHA đến từ hai dự án: Dự án Khu đô thị mới dọc Quốc lộ 38 từ thị trấn Hòa Mạc đến cầu Yên Lệnh (giai đoạn 1) và dự án sân vận động Đồng Văn.

Kết quả là lợi nhuận năm 2015 của NHA cũng tăng vọt lên con số 13.2 tỷ đồng, gấp 2.4 lần so với năm 2014.

Kết quả kinh doanh NHA từ năm 2008 đến nay (Đvt: Triệu đồng)

Chu kỳ kinh doanh sụt giảm sẽ không lặp lại?

Có thể thấy, kết quả kinh doanh 2015 của NHA là một lý do nữa để lý giải cho câu chuyện giá cổ phiếu NHA bật tăng mạnh bên cạnh nguyên nhân là được các cổ đông nội bộ, nhà đầu tư nước ngoài mua vào.

Xét về tương quan thì năm 2015 của NHA diễn biến giống như năm 2010 khi mà cả doanh thu và lợi nhuận đều tăng vọt. Câu hỏi đặt ra là liệu trong năm 2016, tình hình kinh doanh NHA sẽ tiếp tục tăng trưởng hay lại trở lại với chu kỳ sụt giảm như đã từng vào năm 2011.

Năm 2016, NHA đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 160 tỷ đồng và lãi ròng 15 tỷ đồng, lần lượt tăng 8% và gần 14% so với kết quả năm 2015. Điểm khác biệt của NHA trong kế hoạch kinh doanh 2016 so với năm 2011 là bên cạnh nguồn thu từ lĩnh vực xây lắp, Công ty sẽ tiếp tục có thêm nguồn thu bất động sản từ Khu đô thị mới Hòa Mạc, dự án sân vận động Đồng Văn và hạ tầng đất xung quanh nếu việc mở bán diễn ra suôn sẻ.

Quy hoạch chi tiết chia lô Khu đô thị Hoà Mạc - Duy Tiên - Hà Nam

Được biết, hai dự án Khu đô thị mới Hòa Mạc và dự án sân vận động Đồng Văn đã được Công ty triển khai khá lâu trước đó. Theo bản cáo bạch niêm yết năm 2010, dự án Khu đô thị mới Hòa Mạc (diện tích hơn 23 ha) của NHA được chia thành 2 giai đoạn từ tháng 9/2008 đến tháng 12/2010, xây dựng các hạng mục hạ tầng kỹ thuật: San nền, giao thông, cấp nước, thoát nước, điện chiếu sáng và giai đoạn 2 từ năm 2010 đến 2012: Xây dựng nhà liền kề, biệt thự; công trình công cộng;... Còn dự án sân vận động Đồng Văn và hạ tầng đất xung quanh thực hiện đầu tư từ năm 2011.

Và cho đến năm 2015 thì cả hai dự án này mới bắt đầu ghi nhận doanh thu và mang lợi kết quả khả quan cho NHA. Tại ĐHĐCĐ thường niên 2016 vừa qua, HĐQT NHA cho biết, Khu đô thị Hòa Mạc tổng diện tích 23.1 ha, gồm 10.1 ha đất thương phẩm chiếm 43.7% với 442 lô liền kề và 437 lô biệt thự. Năm 2015, dự án đã đưa vào ghi nhận doanh thu 30% còn lại 70% đang mở bán. Khu đô thị Đồng Văn gồm 10.1 ha với 4 ha đất thương phẩm chia làm 400 lô, ghi nhận doanh thu 45%, còn lại 55% đang bán.

Như vậy, năm 2016 bên cạnh nguồn thu chủ lực từ xây lắp, NHA sẽ còn có thêm nguồn thu từ hai dự án bất động sản trên. Thực tế thì trong quý 1/2016, NHA đã ghi nhận thêm hơn 24 tỷ đồng từ kinh doanh bất động sản, từ đó đưa lãi ròng đạt hơn 4 tỷ đồng, đạt 27% kế hoạch cả năm.

Và nếu trong thời gian tới NHA tiếp tục bán và ghi nhận nguồn thu từ bất động sản thì năm 2016 có thể thực hiện được kế hoạch đề ra.

Ngoài ra, NHA cũng đưa ra định hướng 5 năm tới là phát triển công ty theo hướng bền vững, chắc chắn, không phát triển nóng. Định hướng nguồn thu trong 5 năm tới sẽ dựa vào thế mạnh của Công ty là xây dựng, hạ tầng đô thị và khu công nghiệp. Bên cạnh đó, NHA cũng sẽ tăng cường tiếp cận các nhà đầu tư tại Hà Nam và trong 5 năm tới sẽ quyết định đầu tư góp 20% vào Công ty Cảng Yên Lệnh./.

Các tin tức khác

>   Tuần 20-24/06/2016: 10 cổ phiếu “nóng” dưới góc nhìn PTKT của Vietstock (19/06/2016)

>   Phân tích kỹ thuật chứng khoán Việt Nam: Tuần 20-24/06/2016 (19/06/2016)

>   HNX công bố danh sách 86 cổ phiếu trong bảng UPCoM Premium (17/06/2016)

>   Fed trì hoãn tăng lãi suất chưa chắc có lợi cho cổ phiếu (17/06/2016)

>   Top cổ phiếu đáng chú ý đầu phiên 20/06 (20/06/2016)

>   ATA: Vào diện cảnh báo từ ngày 24/06 (17/06/2016)

>   Chứng khoán Đông Nam Á hút tiền từ nhà đầu tư (17/06/2016)

>   Nhịp đập Thị trường 17/06: Nội ngoại cùng bán (17/06/2016)

>   17/06: Bản tin 20 giờ qua (17/06/2016)

>   Top cổ phiếu đáng chú ý đầu phiên 17/06 (17/06/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật