Nhà nước chậm thoái vốn, doanh nghiệp mất cơ hội
Ngày 8-6, trao đổi với báo chí về việc cổ phần hóa doanh nghiệp, ông Đặng Quyết Tiến - phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính - khẳng định Nhà nước sẽ tiếp tục bán vốn đang nắm giữ tại các doanh nghiệp để lấy nguồn chi đầu tư phát triển.
Chính phủ sẽ đẩy mạnh cổ phần hóa nhiều doanh nghiệp lớn, trong đó có MobiFone - Ảnh: Q.Định
|
Ông Tiến cho biết: Ngay năm 2016 này, Chính phủ dự kiến đẩy nhanh cổ phần hóa (CPH) nhiều tên tuổi lớn như Tổng công ty Phát điện 3 - Tập đoàn Điện lực VN, Tổng công ty viễn thông MobiFone..., chỉ nắm vốn tại những lĩnh vực trọng yếu, những ngành mà tư nhân chưa làm được.
* Dư luận đang rất quan tâm về thời điểm Nhà nước bán vốn tại một số doanh nghiệp (DN) lớn như Sabeco và Vinamilk (VNM)...?
- Đối với Sabeco, quan điểm cá nhân của tôi cho rằng tỉ lệ vốn nhà nước tại DN chỉ cần 36%, chứ không nhất thiết là mức 80-90% như hiện nay. Với tỉ lệ 36%, Nhà nước vẫn có quyền phủ quyết những vấn đề quan trọng của DN. Nếu chúng ta không giảm nhanh vốn nhà nước, DN sẽ mất cơ hội phát triển.
Còn đối với Vinamilk, đây là DN tốt, hàng chất lượng cao trên thị trường. Tôi cho rằng đây là của để dành. Chắc chắn tung cổ phiếu của các DN tốt ra, nhà đầu tư đổ xô mua ngay. Do đó cần phải tính toán thời điểm thích hợp để bán nhằm đảm bảo thị trường không quá nóng.
Còn vốn bán ra để chi đầu tư phát triển, an sinh xã hội... chứ không phải bán xong là để đấy.
* Còn với các ngân hàng như VietinBank (CTG), Vietcombank (VCB) và BIDV (BID), bao giờ Nhà nước sẽ giảm tỉ lệ nắm giữ xuống dưới 51%, thưa ông?
- Trước mắt, Nhà nước vẫn có thể giữ tỉ lệ vốn như hiện nay (trên 51%) tại VietinBank, Vietcombank và BIDV do nền kinh tế VN vẫn còn yếu, thị trường vốn chưa phát triển mạnh.
Trong tương lai, khi xây dựng và điều chỉnh các đề án tái cơ cấu ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cần tính toán vì đây là những lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn.
Theo đó đến năm 2020, tỉ lệ sở hữu vốn nhà nước tại các ngân hàng trên không thể giữ cao như hiện nay được vì giữ tỉ lệ cao như thế thì không thể tăng được vốn điều lệ, quy mô không thể phát triển và cạnh tranh được.
Trường hợp không có quy mô vốn tốt, có thứ hạng cao trong khu vực, ngân hàng không có lợi thế để huy động được vốn trên thị trường vốn quốc tế.
Ông Đặng Quyết Tiến - Ảnh: L.Thanh
|
* Việc xử lý những dự án nghìn tỉ đắp chiếu nhiều năm nay như dự án 2 Công ty Gang thép Thái Nguyên, Nhà máy xơ sợi Đình Vũ... sẽ theo hướng nào, bán để cắt lỗ hay Nhà nước đổ tiền để cứu?
- Đối với dự án 2 Gang thép Thái Nguyên, Thủ tướng Chính phủ đã kết luận sẽ bán chứ không đổ tiền để cứu. Lỗ đến vài nghìn tỉ đồng mà lại xin tiếp cả nghìn tỉ nữa trong khi không nhìn thấy hiệu quả thì rất vô lý.
Mấu chốt chính là dây chuyền đầu tư mới có vấn đề nên phải xử lý, không đầu tư nữa, cần phải có bộ máy mới để tiếp quản cả DN này. Nhưng bán nguyên dự án này chắc chắn khó vì lỗ như vậy thì ai dám mua.
Do đó có thể bán cả DN đó vì dự án giai đoạn 1 Gang thép Thái Nguyên hoạt động hiệu quả. Bán cả Công ty Gang thép Thái Nguyên mới hi vọng thu hút được nhà đầu tư.
Còn với Nhà máy xơ sợi Đình Vũ, phương án xử lý là phải tái cơ cấu và trách nhiệm thuộc công ty mẹ là Tập đoàn Dầu khí VN. Trường hợp xấu nhất thì phải cho DN này giải thể, phá sản.
* Nợ công tăng cao, liệu có bán vốn DN nhà nước để trả nợ?
- Nguồn trả nợ công thì ngân sách phải cân đối. Việc bán tài sản nhà nước để trả nợ là giải pháp cuối cùng. Cũng như một gia đình có vay nợ, đến lúc phải bán gia tài đi để trả nợ cũng là lúc rất khó khăn rồi.
Tuy nhiên, mục tiêu của chúng ta bán vốn nhà nước là tái đầu tư phát triển đất nước, chứ không phải để trả nợ.
* Việc hai ngân hàng BIDV và Vietinbank không trả cổ tức năm 2015 nhằm tăng vốn điều lệ, theo ông, có hợp lý?
- Trong chiến lược phát triển, các ngân hàng này muốn tăng vốn điều lệ thì phải được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Tài chính và chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.
Theo quy định của Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại DN, cổ tức của BIDV và Vietinbank phải chia cho cổ đông nhà nước và thu về ngân sách nhà nước, nếu ngân hàng giữ lại thì phải có lý do.
Bộ Tài chính đã có công văn gửi thống đốc ngân hàng để chỉ đạo người đại diện tại các ngân hàng có giải trình theo đúng quy định của luật về quyền của chủ sở hữu vốn nhà nước và trách nhiệm của người đại diện vốn.
Tôi cũng nói thêm tiềm lực tài chính hệ thống ngân hàng của ta còn yếu so với nhiều nước trong khu vực. Tuy nhiên, nhu cầu tăng vốn nhỏ giọt hằng năm bằng việc giữ lại cổ tức không phải là giải pháp lâu dài vì cổ tức này không đáng bao nhiêu.
Các ngân hàng có nhu cầu tăng vốn, đảm bảo tỉ lệ an toàn theo quy định thì phải có biện pháp mạnh hơn như phát hành thêm cổ phiếu, kêu gọi thêm đầu tư, giảm tỉ lệ vốn nhà nước… Đây mới là những giải pháp căn cơ.
Quá nhiều công ty cổ phần Nhà nước nắm vốn chi phối
Theo ông Đặng Quyết Tiến, 5 tháng đầu năm đã có 36 DN được phê duyệt phương án CPH, trong đó có nhiều DN lớn như các tổng công ty máy và thiết bị công nghiệp; máy động lực và máy nông nghiệp; tư vấn xây dựng VN...
Tuy nhiên, tiến độ CPH vẫn còn chậm. Đặc biệt, số lượng DN CPH tuy không thuộc diện Nhà nước cần chi phối nhưng tỉ lệ nắm giữ cổ phần của Nhà nước tại DN trên 51% vốn điều lệ vẫn còn rất cao.
Có tới 55 DN (chiếm 17% số DN đã bán cổ phần) có số vốn Nhà nước nắm giữ trên 90% vốn điều lệ. Do đó CPH trong giai đoạn tới phải có lộ trình, kế hoạch cụ thể, chú trọng vấn đề cốt yếu là “chất”.
|
Lê Khanh thực hiện
Tuổi trẻ
|