Thứ Ba, 21/06/2016 09:40

MTM: Thay HĐQT như thay áo và những bất thường về tài sản

HĐQT bị thay mới đến 2 lần trong vòng chưa tới 1 năm, cơ cấu HĐQT hầu hết là thành viên không điều hành, thành viên duy nhất tham gia điều hành (giữ chức Tổng Giám đốc) đến từ một công ty chuyên về đầu tư tài chính là một trong những điểm “nổi bật” trong cơ cấu quản lý của một doanh nghiệp khoáng sản như MTM.

* Sốc với thực tế tại MTM

* MTM đã ngừng hoạt động?

* Cổ phiếu MTM đi đứt 80% giá trị sau 1 tháng lên sàn chứng khoán

Câu chuyện của cổ phiếu MTM - CTCP Mỏ và XNK Khoáng sản Miền Trung giao dịch trên hệ thống UPCoM thuộc Sở GDCK Hà Nội (HNX) đang trở nên nóng hơn bao giờ hết với hàng loạt thông tin bất ngờ được hé mở.

Một cổ phiếu chỉ với mức giá chưa bằng cốc trà đá, thanh khoản cao bất thường như MTM sẽ là món khoái khẩu những nhà đầu tư mang tính đầu cơ, mang theo dòng tiền không ổn định nhập cuộc. Khi mà mua cổ phiếu chỉ mang tính chất T+, kiếm lợi nhuận thông mua lướt sóng, không mấy người sẽ chú ý đến hoạt động của Công ty là gì, tài sản ra sao, cơ cấu HĐQT hay ban lãnh đạo của Công ty đang được đầu tư là ai. Bởi, không ai trong số những nhà đầu tư nghĩ rằng sẽ gắn bó lâu dài với cổ phiếu này.

Nhưng cũng không nhà đầu tư nào ngờ rằng, một quyết định dừng giao dịch đối cổ phiếu MTM lại đột ngột đến vậy. Nhà đầu tư thực sự “ngã ngửa”, không kịp trở tay bởi thông báo được đưa ra sau giờ giao dịch và áp dụng ngay vào phiên kế tiếp. Đặc biệt, cổ phiếu này chỉ vừa mới “chân ướt chân ráo” lên sàn gần 2 tháng.

Từ một cổ phiếu chào sàn với mức tăng trần 40% và thanh khoản đến vài triệu cp mỗi phiên, nhưng qua hơn 1 tháng, thị giá cổ phiếu MTM “bốc hơi” hơn 80% từ 14,700 đồng về mức 2,600 đồng/cp. Thanh khoản cổ phiếu vẫn thuộc hạng Top, không có thông tin công bố bất lợi, HĐQT lần lượt đăng ký gom hàng. Nhưng! Thật bất ngờ... Sau hai tháng lên sàn... Chiều ngày thứ Sáu (17/06), HNX bất ngờ ra thông báo tạm dừng giao dịch đối với toàn bộ 31 triệu cp MTM ngay từ phiên giao dịch tiếp theo, tức ngày thứ Hai (20/06/2016), với lý do được đưa ra là HNX xét thấy cần thiết để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư sau khi được UBCK NN chấp thuận.

Cũng từ đây, hàng loạt những thông tin khác về cổ phiếu này lần lượt được phanh phui khiến giới đầu tư phải giật mình. Công ty đã dừng hoạt động nhưng chưa hoàn tất việc đóng mã số thuế là tình trạng của MTM khi tra cứu từ Tổng cục Thuế, trụ sở chính thực tế lại là địa điểm của… quán ăn, số điện thoại của người công bố thông tin trên bản cáo bạch đăng ký giao dịch không tồn tại, địa chỉ trụ sở văn phòng Hà Nội không giống như đã công bố…

Xem xét lại bản công bố thông tin và BCTC kiểm toán năm 2014 được MTM công bố, không ít điểm bất thường về tài sản và cơ cấu quản trị của Công ty này tiếp tục lộ diện.

Thay HĐQT như thay áo

Bắt đầu tư vấn đề quản trị doanh nghiệp, nếu không chú ý kỹ, có lẽ nhà đầu tư sẽ không biết được HĐQT của MTM đã được thay đổi đến 3 lần chỉ trong chưa tới 1 năm, sát thời điểm được đăng ký giao dịch trên UPCoM.

Theo BCTC kiểm toán năm 2014, toàn bộ nhân sự HĐQT, BKS và Giám đốc của MTM chỉ mới được bổ nhiệm vào ngày 28/11/2014, thay cho ban lãnh đạo cũ.

Đến ĐHĐCĐ bất thường tổ chức tháng 8/2015, chưa tới 1 năm kể từ ngày thay đổi trước đó, toàn bộ các nhân sự này đã tiếp tục được thay mới hoàn toàn.

Một điểm khá đặc biệt đối với HĐQT của MTM, theo bản công bố thông tin đăng ký giao dịch, toàn bộ thành viên HĐQT trước thời điểm MTM lên sàn đều không nắm giữ bất kỳ cổ phiếu nào của Công ty. Trong khi, số thành viên HĐQT không điều hành chiếm tới 4/5 thành viên. Thành viên HĐQT tham gia điều hành duy nhất, kiêm Tổng Giám đốc của MTM, là ông Nguyễn Lê Trường sinh năm 1980.

Trong danh sách nhân sự mới, ông Trần Hữu Tiếp – Chủ tịch HĐQT MTM trước đó từ 2014 đến tháng 6/2015 là Phó Tổng Giám đốc của CTCP FRF, còn ông Phùng Thành Công – Trưởng BKS từ năm 2012 đến nay là chuyên viên của CTCP Đầu tư FRF.

Tuy nhiên, tra cứu trên Cổng thông tin Đăng ký doanh nghiệp Quốc gia, chỉ có duy nhất một công ty hoạt động dưới loại hình CTCP có tên đăng ký là CTCP Đầu tư FRF, không có công ty có tên CTCP FRF tuy nhiên công ty này cũng chỉ mới được thành lập từ 17/04/2015.

Thông tin của CTCP Đầu tư FRF trên Cổng thông tin Đăng ký doanh nghiệp Quốc gia

Tẩu tán tài sản?

Không chỉ cơ cấu HĐQT, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chuyên về khoáng sản này cũng lộ ra nhiều yếu tố bất thường.

Theo BCTC kiểm toán năm 2014, tổng tài sản của MTM đạt hơn 343 tỷ đồng, được phân bổ chính vào 2 khoản mục là các khoản phải thu ngắn hạn hơn 154 tỷ đồng và các khoản đầu tư tài chính dài hạn 150 tỷ đồng, trong khi tài sản cố định hữu hình chỉ gần 10 tỷ đồng. Việc một doanh nghiệp chuyên về khoáng sản có giá trị tài sản cố định thấp trong khi các khoản đầu tư cao đột biến có thể lý giải ở việc góp vốn cùng thực hiện các dự án. Theo BCTC này, tính đến thời điểm cuối năm 2014, MTM đang góp 57.2 tỷ vào dự án Xây dựng và vận hành Nhà máy chế biến đá vôi do Công ty TNHH Thuận Phát làm chủ đầu tư và góp 22.8 tỷ vào dự án Xây dựng và vận hành Nhà máy tuyển Quặng Sát tại Cảng Việt Trì của CTCP Vương Anh.

Đối với khoản mục phải thu, hai khoản có giá trị cao nhất là phải thu CTCP Khoáng sản luyện kim màu với giá trị gần 72 tỷ đồng và CTCP Thương mại và Đầu tư VCI Việt Nam hơn 45 tỷ đồng. Theo BCTC đã kiểm toán tại thời điểm 10/04/2015, 2 dự án được MTM góp vốn vào Công ty TNHH Thuận Phát và CTCP Vương Anh đã được chuyển nhượng cho Công ty TNHH An Bình với tổng tiền thu về 120 tỷ đồng. Sau đó khoản tiền 120 tỷ đồng nhanh chóng được MTM góp vốn cùng Tổng CTCP Khoáng sản và Luyện kim Bắc Kạn để thực hiện dự án khai thác mỏ chì kẽm đa kim Sáo Sào. Tuy nhiên, theo bản cáo bạch đăng ký giao dịch, MTM sẽ thực hiện thoái toàn bộ phần vốn góp này trong quý 2/2016.

Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Việt Nam PROSPERITY hiện đang kêu gọi nhà đầu tư cùng góp vốn thực hiện dự án Prosperity Land với tổng vốn đầu tư 800 tỷ đồng. Hình thức góp vốn có thể là góp vốn chia phần trăm lợi tức của dự án hoặc chia cổ phần (sáp nhập thành công ty mẹ và công ty con).

Chưa rõ toàn bộ số tiền thoái vốn sẽ được MTM sử dụng vào mục đích gì, tuy nhiên định hướng của MTM trong thời gian tới sẽ quay 180 độ, tập trung vào lĩnh vực bất động sản. HĐQT cho biết, MTM đã trở thành nhà phân phối độc quyền cho các căn hộ thuộc dự án do Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Việt Nam PROSPERITY là chủ đầu tư – một công ty chỉ mới được thành lập vào 17/06/2015 với ngành nghề kinh doanh chính theo thông tin từ Cổng thông tin Đăng ký doanh nghiệp Quốc gia là buôn bán vật liệu, thiết bị lắp đặt khác trong xây dựng, chi tiết là bán buôn gỗ cây, tre, nứa; bán buôn sản phẩm gỗ sơ chế; viên nén mùn cưa.

Thông tin về Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Việt Nam PROSPERITY trên Cổng thông tin Đăng ký doanh nghiệp Quốc gia
Các tin tức khác

>   FSC: Tiếp tục kế hoạch tăng vốn lên 900 tỷ, lãi ròng 30 tỷ cho năm 2016 (24/06/2016)

>   VAF: Đính chính nội dung Nghị quyết và Biên bản họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2016 (20/06/2016)

>   SJS: Nghị quyết HĐQT về việc lựa chọn công ty kiểm toán BCTC năm 2016 (20/06/2016)

>   LCM: Nghị quyết HĐQT về việc lựa chọn công ty kiểm toán BCTC năm 2016 (20/06/2016)

>   TAC: Thay đổi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần 5 (20/06/2016)

>   POM: Gia hạn công bố thông tin Báo cáo tài chính 2016 (20/06/2016)

>   EMC: Thông báo mời họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2016 (20/06/2016)

>   ONE: Ký hợp đồng với đơn vị kiểm toán năm 2016 (20/06/2016)

>   ORS: Công bố thông tin về việc ký hợp đồng kiểm toán năm 2016 (20/06/2016)

>   BHS: Nghị quyết HĐQT về việc tổ chức ĐHĐCĐ bất thường niên độ 2015-2016 (20/06/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật