“Mặt trái của phố Wall” và MTM
Tiếp tục một bộ phim được khai thác từ đề tài tài chính – chứng khoán, tuy nhiên khác với “The Big Short”, bộ phim “Money Monster” với tên tạm dịch tiếng Việt là “Mặt trái của phố Wall” nói đến một khía cạnh khác – những mánh kiếm tiền, làm giá cổ phiếu và sự bất cân xứng thông tin. Một sự trùng hợp đến bất ngờ khi câu chuyện được nhắc đến trong bộ phim ít nhiều khiến người xem liên tưởng đến những gì đã diễn ra với cổ phiếu MTM trong thời gian gần đây.
Nếu như bộ phim “The Big Short” được công chiếu đầu năm 2016 – một trong những đề cử của giải Oscar, dựa trên câu chuyện có thật nói về cuộc đại khủng hoảng kinh tế nổ ra vào năm 2007 - 2008 bắt nguồn từ những hợp đồng cho vay thế chấp dưới chuẩn ở Mỹ, thì “Money Monster” là một phim tâm lý, hình sự của Mỹ do đạo diễn Jodie Foster thực hiện xoay quanh đề tài gần gũi hơn với những nhà đầu tư trên thị trường – rủi ro thông tin, làm giá cổ phiếu và sự thờ ơ của cũng nhà quản lý.
Câu chuyện của “Money Monster” với tên tạm dịch là “Mặt trái của phố Wall” bắt đầu trong bối cảnh giá cổ phiếu của quỹ đầu cơ IBIS lao dốc không phanh sau khi 800 triệu USD “bốc hơi”, không một lời giải thích, không một cảnh báo, không một ai chịu trách nhiệm, không giải trình, nguyên nhân duy nhất quỹ này giải thích là do lỗi của thuật toán máy tính. Khi giá cổ phiếu IBIS lao dốc không phanh từ mức gần 80 USD về còn hơn 8 USD/cp, những nhà đầu tư mua cổ phiếu IBIS ở mức đỉnh là người lãnh đủ, đây cũng là khởi đầu của bộ phim.
“Phù thủy phố Wall” – Lee Gates (do George Clooney thủ vai) đang ở trường quay để chuẩn bị phát sóng số mới nhất của chương trình truyền hình “Money Monster” – một chương trình đưa ra những lời khuyên đầu tư, cách kiếm tiền từ thị trường chứng khoán. Trong chương trình lần này, bên cạnh Lee Gates, một nhân vật khác sẽ xuất hiện là Giám đốc điều hành (CEO) của IBIS – Walt Camby (do Dominic West thủ vai) sẽ xuất hiện trong một cuộc phỏng vấn ngắn để nói về sụp đổ chóng vánh của IBIS chưa đầy 24 giờ trước. Tuy nhiên, Walt Camby đã bất ngờ không xuất hiện, khi vị CEO này đang trong một chuyến công tác ở Geneva.
Cao trào của phim mở ra khi có sự xuất hiện của Kyle Budwell (do Jack O’Connell thủ vai) trong vai một người giao hàng xuất hiện, Kyle Budwell bắt Lee Gates làm con tin giữa trường quay, yêu cầu tiếp tục phát sóng trực tiếp chương trình. Cũng cần nói thêm là Kyle Budwell trước đó là một người chưa từng có tiền án tiền sự, sự xuất hiện của nhân vật này tại trường quay đơn giản là sự phẫn uất của một nhà đầu tư đã mất trắng số tiền tiết kiệm cả đời, thừa hưởng từ người mẹ quá cố vào cổ phiếu IBIS, mà người tư vấn không ai khác chính là Lee Gates trong một chương trình “Money Monster” cách đó 3 tuần. Thứ mà Kyle Budwell cần, không phải sự bồi thường của Lee Gates cho số tiền anh ta đã mất trắng vì cổ phiếu IBIS, không phải sự bồi thường của chính IBIS mà là câu trả lời cho câu hỏi “Điều gì đã xảy ra với IBIS?”.
Thứ mà nhà đầu tư này cần, cũng là thắc mắc của rất nhiều nhà đầu tư đổ tiền vào cổ phiếu này là tại sao 800 triệu USD tại bốc hơi một cách chóng vánh khỏi IBIS để rồi cổ phiếu của quỹ đầu tư mất gần như toàn bộ giá trị chỉ sau 1 phiên giao dịch.
Đến lúc này Lee Gates – vị “Phù thủy phố Wall” cũng phải thừa nhận, chính bản thân ông cũng không biết tại sao điều này xảy ra. Để xoa dịu tình hình, Lee Gates cùng Patty Fenn (do Julia Roberts thủ vai) – Giám đốc sản xuất “Money Monster” đã tìm cách kéo dài thời gian, liên lạc với IBIS để tìm câu trả lời. Khi đó, Diane Lester (do Caitriona Balfe thủ vai) – Giám đốc truyền thông (CCO) của IBIS đã trả lời trực tiếp câu hỏi của Kyle Budwell, nhưng câu trả lời vẫn tiếp tục đổ lỗi cho hệ thống, sự sai sót của những thuật toán. Câu trả lời thậm chí đến bản thân Diane Lester cũng không tin vào sự thật, khiến Patty Fenn phải gắt lên rằng “Hãy nói sự thật đi” bởi chính vị giám đốc sản xuất chương trình mới là người ngồi cách quả boom do Kyle Budwell cầm thiết bị kích nổ chỉ 26m, cái mà cô quan tâm là câu trả lời cho câu hỏi của Kyle Budwell, một câu trả lời chính xác chứ không chỉ là nhưng lời xáo rỗng, che dấu sự thật.
Đến lúc này, Lee Gates cùng Patty Fenn đã quyết định về cùng một phía với Kyle Budwell, đi tìm sự thật cho câu hỏi “Tại sao IBIS sụp đổ?”
Thậm chí, Diane Lester, vượt qua sự cản trở của một nhân vật trong HĐQT IBIS cũng quyết định tìm hiểu lý do tại sao mà một trục trặc thuật toán có thể lấy đi 800 triệu USD. Và khi chính người xây dựng lên thuật toán này nói với Diane Lester rằng, bản thân thuật toán không sai, sai sót chỉ thuộc về những người sử dụng chúng, “không thuật toán nào có thể khiến 800 triệu USD bốc hơi trong một thời gian ngắn như vậy, việc này chỉ có thể do bàn tay của một ai đó can thiệp vào”. Nghi ngờ chính vị CEO của IBIS đã làm gì đó khi Diane Lester phát hiện ra Walt Camby đã nói dối về chuyến công tác đến Geneva.
Bằng sự giúp đỡ của Diane Lester, với sự trợ giúp của 2 hacker, Lee Gates và Patty Fenn đã phát hiện ra những bất thường trong hoạt động của IBIS, một quỹ đầu tư với cam kết tỷ suất sinh lời tới 18%/năm cho những nhà đầu tư đang đổ tiền vào đây. Một cuộc đối chất được giàn xếp giữa CEO của IBIS – Walt Camby với Kyle Budwell – một nhà đầu tư đã mất tất cả vì cổ phiếu IBIS và “phù thủy phố Wall” – Lee Gates, người đã đưa ra lời khuyên về việc đầu tư vào cổ phiếu IBIS còn an toàn hơn gửi ngân hàng.
Và tại đó, mánh khóe kiếm tiền, điều làm lên sự thần kỳ của IBIS đã bị vạch trần. Lý do mà quỹ đầu tư này có thể mang lại mức sinh lời 18%/năm cho những cổ đông, những người góp tiền bởi hoạt động làm giá cổ phiếu ở thị trường nước ngoài.
Walt Camby là người đứng sau các cuộc bạo loạn, đình công tại các mỏ bạch kim tại Nam Phi. Khi giá cổ phiếu của các công ty khai thác mỏ này giảm thảm hại, IBIS đã đổ 800 triệu USD để gom cổ phiếu giá rẻ, sau đó sẽ cho dừng các cuộc đình công, đợi cổ phiếu phục hồi và bán ra thu lợi nhuận. Tuy nhiên, sự việc bất ngờ đã xảy ra khi Walt Camby không thể kiểm soát được tình trạng bạo loạn và đình công, dẫn đến việc thao túng giá cổ phiếu thất bại, đồng nghĩa với 800 triệu USD “một đi không trở lại”.
Bộ phim kết thúc với sự ngã xuống của nhà đầu tư đã mất tất cả - Kyle Budwell, ánh mắt thẫn thờ của Lee Gates cùng Patty Fenn. Và khi mà mọi thứ đã đặt dấu chấm hết thì Ủy ban chứng khoán và hối đoái Mỹ (SEC) mới bắt đầu một cuộc điều tra vào IBIS với cáo buộc thao túng giá cổ phiếu ở thị trường nước ngoài, lừa dối nhà đầu tư.
“Phù thủy phố Wall” – Lee Gates (do George Clooney thủ vai).
|
Đây là một bộ phim truyền hình, những chi tiết có thể có sự phóng đại nhưng thực trạng về hành vi thao túng giá cổ phiếu, rủi ro về thông tin là những gì đang có và hiễn hữu trên thị trường chứng khoán. Nhưng không chỉ đổ lỗi cho các công ty, nhà đầu tư cũng không thể không tỉnh táo khi ra một quyết định. Chính Walt Camby khi đã bị vạch trần hành vi thao túng cũng đã nói, chính các nhà đầu tư, những cổ đông là người đòi hỏi một tỷ suất sinh lời cao, họ có thể đi khoe mình tài giỏi như thế nào với bạn bè khi đạt tỷ suất 18% nhờ khoản đầu tư này nhưng liệu có ai trong số họ đã thắc mắc công ty mình đổ vốn làm cách nào để mang về khoản lợi nhuận kếch xù như vậy.
Một chi tiết khá thú vị trong phim khi Lee Gates kêu gọi những nhà đầu tư, những người xem truyền hình mỗi người hãy bỏ ra chút tiền để mua vào IBIS, nếu nhu cầu tăng thì giá cổ phiếu sẽ phục hồi. Thông điệp mà vị “phù thủy phố Wall” truyền đi là mọi người hãy thương lấy ông ta, một người đang bị đe dọa. Nhưng thực tế lại khác, giá cổ phiếu IBIS tăng nhẹ từ 8.47 lên 8.49 USD/cp rồi nhanh chóng lao đốc xuống 8.37 USD/cp.
Câu chuyện tại MTM
Không ít nhà đầu tư khi xem bộ phim này chắc hẳn sẽ có sự liên tưởng đến câu chuyện của cổ phiếu MTM thời gian gần đây. Một cổ phiếu lên sàn vỏn vẹn 2 tháng, không một cảnh báo, không một nhắc nhở, đột ngột bị dừng giao dịch. Một cổ phiếu mà tần suất giao dịch tới hàng triệu cp trao tay mỗi phiên, trong khi thị giá chỉ tương đương mớ rau, cốc trà đá. Và cũng không ít nhà đầu tư phải tự hỏi, tại sao một cổ phiếu “lởm” như vậy lại có sức hấp dẫn quá lớn.
Khi MTM bắt đầu lao dốc về ngưỡng 4,000 – 5,000 đồng/cp thậm chí 3,000 đồng/cp, không khó để tìm một topic trên các diễn đàn kêu gọi hay mua vào cổ phiếu này, thậm chí mức sinh lời tính bằng “lần”. Những lời mời gọi dạng như “10 cây CE (tăng trần) đang chờ” hay “mua để ăn bằng lần” thực sự khiến không ít nhà đầu tư phải suy nghĩ. Trong khi, thanh khoản cao khiến nhà đầu tư thêm phần tự tin khi nhấn nút “buy”, bởi một tâm lý chung là sẽ nhanh chóng “xuống tàu” nếu cổ phiếu có giảm, biên độ tới +/-15% cũng thực sự quá hấp dẫn.
Và câu chuyện đã diễn ra như thế nào.
Không thể thoát hàng, bởi quyết định tạm dừng giao dịch đột ngột. Hàng loạt thông tin bất thường về hoạt động của Công ty này dần lộ ra. Ban lãnh đạo công ty dường như “biến mất”, không giải trình, không thông báo. Tình trạng khiến nhiều nhà đầu tư chắc hẳn sẽ liên tưởng đến cổ phiếu IBIS.
Đến lúc này, sự đổ lỗi bắt đầu xuất hiện. Những nhà đầu tư bắt đầu đổ lỗi cho những topic “ăn bằng lần” trước đó, đổ lỗi cho những cơ quan chức năng khi cho phép một doanh nghiệp nợ thuế, dừng hoạt động lên sàn, đổ lỗi cho những người đã hô hào mua cổ phiếu trước đó. Nhưng không ai tự đổ lỗi cho bản thân họ.
Như vị CEO của IBIS đã nói, nhà đầu tư họ chỉ quan tâm đến lợi nhuận, họ hãnh diện khi đi khoe với mọi người về những khoản lợi nhuận kếch xù nhờ đầu tư vào công ty nào đó, nhưng họ có hiểu công ty đó làm cách nào để mang về lợi nhuận. Và khi sự sụp đổ chóng vánh xảy đến, ai sẽ chịu trách nhiệm.
Cũng cần lưu tâm đến những lời tư vấn, khi những lời tư vấn không đi kèm với trách nhiệm, liệu ai sẽ đảm bảo rằng những lời tư vấn đó là công tâm, là khách quan.
Có thể nhà đầu tư biết nhưng vì với lợi nhuận quá lớn, có lẽ đáng để mạo hiểm. Nhưng sự mạo hiểm nên có căn cứ nhất định./.
|