Thứ Năm, 02/06/2016 14:42

Kỳ án Thaco - Kia Đà Nẵng làm xói mòn niềm tin của doanh nghiệp

Việc TAND Thành phố Đà Nẵng buộc Công ty Trường Hải phải chuyển nhượng cho ông Hồ Đắc Tuấn 50% vốn góp tại Công ty TNHH Ô tô Thaco – Kia Đà Nẵng trong khi Công ty Trường Hải không có nhu cầu chuyển nhượng đã đặt ra cho doanh nghiệp nhiều nghi ngại về môi trường kinh doanh tại Đà Nẵng.

Ngày 27/5/2016, Tòa án nhân dân Thành phố Đà Nẵng mở phiên tòa sơ thẩm xét xử lại vụ án “tranh chấp về chuyển nhượng vốn góp giữa các thành viên công ty” giữa ông Hồ Đắc Tuấn (“ông Tuấn”) và Công ty Trường Hải.

Công trình liên doanh giữa Cty Trường Hải và ông Tuấn.

Từ một vụ hợp tác

Theo hồ sơ vụ việc, ngày 06/08/2009, Công ty TNHH Ô tô Thaco – Kia Đà Nẵng được thành lập tại tổ 14, đường Phạm Văn Đồng, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng ( được đổi tên từ Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Ô tô Vạn Kim) với  02 thành viên góp vốn là Công ty Trường Hải và ông Tuấn,  mỗi thành viên góp 50% vốn điều lệ. Hội đồng thành viên đã phân công ông Tuấn giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng thành viên và thuê ông Mai Phước Nghê làm giám đốc Công ty.

Vượt qua những khó khăn của thời gian đầu thành lập, Công ty TNHH Ô tô Thaco – Kia Đà Nẵng đã từng bước tạo dựng uy tín, thương hiệu và đạt được nhiều kết quả khả quan. Theo Báo cáo kiểm toán hoạt động kinh doanh từ ngày 01/01/2010 đến 31/3/2011: doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Công ty đạt 178.842.171.511 đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 3.153.731.454 đồng.

Giữa lúc hoạt động của Công ty TNHH Ô tô Thaco – Kia Đà Nẵng đang đi vào ổn định và tăng trưởng cao, ngày 27/12/2010, ông Tuấn nộp đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án Đà Nẵng buộc Công ty TNHH Ô tô Thaco – Kia Đà Nẵng chia lãi và tuyên bố các hợp đồng mà Công ty TNHH Ô tô Thaco – Kia Đà Nẵng ký với Công ty Trường Hải là vô hiệu với lý do ông Tuấn không được báo cáo về tình hình hoạt động kinh doanh của Thaco-Kia Đà Nẵng, không được  theo dõi, điều hành hoạt động, chia lãi… của Thaco-Kia Đà Nẵng, khiến ông bị thiệt hại kinh tế lớn.

Tòa án Đà Nẵng đã thụ lý vụ án số 10/2011/TLST-KDTM về việc “khởi kiện đối với Thaco –Kia Đà Nẵng”, mở ra vụ án tranh chấp giữa thành viên công ty với công ty.

Đặc biệt, trong quá trình Tòa án Đà Nẵng giải quyết vụ án tranh chấp giữa thành viên công ty với công ty, các thành viên công ty đã nhiều lần nhóm họp để bàn bạc nhiều vấn đề liên quan đến hoạt động của Công ty TNHH Ô tô Thaco – Kia Đà Nẵng.

Đến ngày 28/4/2011, tại cuộc họp Hội đồng Thành viên Công ty TNHH Ô tô Thaco – Kia Đà Nẵng, các thành viên nhận thấy một trong những phương án được xem xét để giải quyết vấn đề của Công ty là chuyển nhượng phần vốn góp cho thành viên còn lại; nên đã ghi nhận chủ trương về việc Công ty Trường Hải sẽ chuyển nhượng 50% vốn góp của mình cho ông Tuấn.

Trong khi các thành viên đang tiếp tục đàm phán các vấn đề liên quan nhằm cụ thể hóa và đi đến thống nhất chính thức để ký Hợp đồng chuyển nhượng vốn góp thì ngày 01/12/2011, ông Tuấn sử dụng Biên bản họp Hội đồng Thành viên ngày 28/4/2011 để thay đổi nội dung khởi kiện, đề nghị Tòa án Đà Nẵng giải quyết việc chuyển nhượng vốn góp với Công ty Trường Hải.

Tòa bảo vệ cái sai

Như đã phân tích ở trên, tòa án Đà Nẵng đã thụ lý vụ án “tranh chấp giữa thành viên công ty với công ty”, trong đó xác định nguyên đơn là ông Tuấn kiện bị đơn là Công ty TNHH Ô tô Thaco – Kia Đà Nẵng, người liên quan là Công ty Trường Hải với nội dung yêu cầu chia lãi của Công ty TNHH Ô tô Thaco – Kia Đà Nẵng.

Nhưng không hiểu vì lý do gì, sau khi ông Tuấn cung cấp Biên bản họp Hội đồng thành viên ngày 28/4/2011 và thay đổi nội dung kiện, Tòa án Đà Nẵng lập tức ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử, và hoán đổi ngay:  Công ty Trường Hải từ người liên quan thành bị đơn, từ “tranh chấp giữa các thành viên công ty với công ty” thành “tranh chấp giữa các thành viên công ty với nhau” về việc chuyển nhượng vốn góp.

Điều đáng nói ở đây là nội dung Biên bản họp Hội đồng thành viên mới chỉ là ghi nhận chủ trương chuyển nhượng vốn góp; nhiều vấn đề liên quan đến việc chuyển nhượng vẫn đang trong quá trình đàm phán, chưa đi đến thống nhất về giá chuyển nhượng, phương thức chuyển nhượng, các quyền, nghĩa vụ liên quan…, nhưng Tòa án Đà Nẵng vẫn lấy Biên bản làm căn cứ để buộc Công ty Trường Hải phải chuyển nhượng 50% phần vốn góp tại Công ty Kia Đà Nẵng cho ông Tuấn tại Bản án sơ thẩm số 07/2012/KDTM-ST ngày 09/05/2012.

Phớt lờ quyết định Giám đốc thẩm

Trước những bất công nêu trên, Công ty Trường Hải đã gửi đơn lên cấp cao hơn.

Ngày 24/09/2013, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Quyết định giám đốc thẩm số 31/2013/KDTM-GĐT để tuyên hủy Bản án sơ thẩm nêu trên và giao hồ sơ vụ án cho Tòa án Đà Nẵng giải quyết lại theo quy định của pháp luật với lý do: “Ngày 26/12/2011, hai bên tiếp tục họp để thống nhất việc mua bán nhưng không lập biên bản vì nội dung thỏa thuận không được trọn vẹn, nên ngày 29/12/2011, Công ty Trường Hải tiếp tục có Văn bản số 182 gửi ông Tuấn xác nhận rằng hai bên vẫn chưa thống nhất được các vấn đề liên quan đến chuyển nhượng phần vốn và nhắc lại giá chào bán 50% vốn góp tại Công ty TNHH Ô tô Thaco – Kia Đà Nẵng là 6,2 tỷ đồng chỉ có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2011.…

Việc thỏa thuận của hai bên theo nội dung tại Biên bản họp ngày 28/4/2011 chỉ là chủ trương của Hội đồng thành viên và việc thỏa thuận này vẫn chưa hoàn thành. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm căn cứ vào Biên bản họp của Hội đồng thành viên Công ty TNHH Ô tô Thaco – Kia Đà Nẵng số 01/2011/HĐTV ngày 28/4/2011 để buộc các bên thực hiện theo thỏa thuận này là không đúng”.

Tiếp đó, ngày 04/04/2014, Tòa án Đà Nẵng đã thụ lý lại vụ án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 06/2014/TLST –KDTM về việc “Tranh chấp giữa các thành viên của công ty với nhau”. Ngay khi nhận được Thông báo thụ lý vụ án, Công ty Trường Hải đã gửi đến Tòa Đà Nẵng  Công văn số 50/2014/CV – THACO ngày 23/4/2014 để kiến nghị về việc thụ lý vụ án, vì cho rằng chưa có căn cứ để hình thành quan hệ “Tranh chấp giữa các thành viên của công ty với nhau” đồng thời liên tục gửi các kiến nghị, khiếu nại về việc thụ lý, giải quyết vụ án sai thẩm quyền, nhưng không được Tòa án Đà Nẵng xem xét hay trả lời.

Đặc biệt, tại các phiên hòa giải ngày 23/5/2014, ngày 19/6/2014, ngày 20/8/2014, ông Tuấn đề nghị được nhận chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của Công ty Trường Hải tại Công ty TNHH Ô tô Thaco – Kia Đà Nẵng, nhưng Công ty Trường Hải đều khẳng định không có nhu cầu chuyển nhượng và đề nghị Tòa án Đà Nẵng đình chỉ vụ án để các thành viên tiếp tục duy trì, phát triển Công ty TNHH Ô tô Thaco – Kia Đà Nẵng.

Mặc dù vậy, bỏ qua tất cả những đề nghị này, tại phiên tòa ngày 27/5/2016, Tòa án Đà Nẵng tiếp tục căn cứ vào Biên bản Hội đồng Thành viên ngày  28/4/2011 về chủ trương chuyển nhượng vốn góp để tuyên buộc Công ty Trường Hải phải chuyển nhượng 50% phần vốn góp tại Công ty Kia Đà Nẵng cho ông Tuấn.

Không những thế, Tòa án Đà Nẵng còn căn cứ vào Văn bản hết hiệu lực để “ép” Công ty Trường Hải phải chuyển nhượng 50% phần vốn góp tại Công ty Kia Đà Nẵng cho ông Tuấn. Đó là văn bản số 182 ngày 29/12/2011 Công ty Trường Hải gửi ông Tuấn để ấn định giá chuyển nhượng 50% phần vốn góp của Công ty Trường Hải là 6,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong văn bản 182, Công ty Trường Hải có ghi rõ giá 6,2 tỷ đồng được xác định chỉ có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2011.

Với phán quyết tại Bản án sơ thẩm lần 02, các doanh nghiệp lại đặt ra mối nghi ngại về hiệu năng của Tòa án Đà Nẵng khi tham gia giải quyết các tranh chấp trong kinh doanh thương mại. Với cách hành xử “một mình một kiểu” như trong vụ án của Công ty TNHH Ô tô Thaco – Kia Đà Nẵng liệu rằng các doanh nghiệp còn tin tưởng vào sự công tâm của Tòa án Đà Nẵng trong việc tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch tại Đà Nẵng?

Với mục tiêu đến năm 2020 là xây dựng doanh nghiệp Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, tại Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016, Chính phủ đã đề ra nguyên tắc: Để xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển và trở thành động lực của nền kinh tế, cần phải bảo đảm các nguyên tắc sau: a)Nhà nước bảo vệ quyền sở hữu tài sản hợp pháp và quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Doanh nghiệp có quyền tự dao kinh doanh trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm; b)Thực hiện chủ trương Nhà nước kiến tạo, lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh và phát triển….; d) Nhà nước bảo đảm quyền bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp…;

 

Luật sư Trương Thị Hòa – Văn phòng Luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh

Trao đổi với PV về thẩm quyền của Tòa án đối với tranh chấp về việc chuyển nhượng vốn góp, Luật sư Trương Thị Hòa – Văn phòng Luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Theo quy định tại Khoản 3, Điều 29 Bộ luật Tố tụng dân sự và Điểm b, Khoản 5, Điều 6 Nghị quyết số 03/2012/NQ- HĐTP  ngày 03/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì: “tranh chấp giữa các thành viên của công ty với nhau” sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khi đó “là các tranh chấp…về việc chuyển nhượng phần vốn góp vào công ty giữa các thành viên của công ty…”.

Như vậy, để thụ lý vụ án tranh chấp chuyển nhượng vốn góp, Tòa án cần căn cứ vào hợp đồng/thỏa thuận chuyển nhượng vốn góp giữa các bên; “Tôi cho rằng, trong vụ án này, như nhận định tại Bản án Giám đốc thẩm thì Biên bản họp Hội đồng thành viên ngày 28/4/2011 chỉ là chủ trương, ý định chuyển nhượng và không thể xem là thỏa thuận chuyển nhượng vốn góp giữa ông Tuấn và Công ty Trường Hải được; việc thụ lý vụ án tranh chấp chuyển nhượng vốn góp của Tòa án là không có cơ sở theo quy định.

Theo Điểm a Khoản 1 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự, thẩm quyền theo lãnh thổ của Tòa án được xác định là Tòa nơi có trụ sở của Bị đơn. Trong vụ án này, Công ty Trường Hải là Bị đơn có trụ sở tại tỉnh Đồng Nai nên theo tôi, Tòa án có thẩm quyền là Tòa án tỉnh Đồng Nai.

Mặc dù Quyết định Giám đốc thẩm yêu cầu trả hồ sơ về cho Tòa án Đà Nẵng xét xử lại sơ thẩm, nhưng  cần căn cứ Khoản 1 Điều 37 Bộ luật Tố tụng Dân sự và Điều 10 Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao  để chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa Đồng Nai thụ lý giải quyết để đảm bảo đúng quy định tố tụng”- Luật sư Hòa nhấn mạnh.

 
Luật sư Nguyễn Minh Đường – Công ty Luật Bản Việt, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh

Cùng chung quan điểm này, Luật sư Nguyễn Minh Đường – Công ty Luật Bản Việt, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Chế định về chuyển nhượng vốn góp giữa các thành viên trong Công ty trách nhiệm hữu hạn được pháp luật Doanh nghiệp quy định khá cụ thể. Theo đó, mỗi thành viên Công ty có quyền tự định đoạt phần vốn góp của mình và doanh nghiệp được tự chủ quyết định các công việc kinh doanh và quan hệ nội bộ.

Khi có nhu cầu chuyển nhượng phần vốn góp, thành viên phải thực hiện chào bán phần vốn góp đó cho thành viên còn lại, đồng thời phải xác lập, ký kết Hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp và thực hiện thủ tục đăng ký chuyển đổi loại hình doanh nghiệp tại Cơ quan đăng ký kinh doanh theo quy định Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Theo tôi, trong vụ án này, các thành viên công ty chưa thực hiện đúng quyền chuyển nhượng vốn góp của mình và chưa xác lập, ký kết hợp đồng chuyển nhượng theo quy định. Phán quyết của Tòa án Đà Nẵng, theo tôi là rất khó thuyết phục khi tại tất cả các phiên hòa giải Công ty Trường Hải một mực từ chối chuyển nhượng vốn góp và muốn tiếp tục duy trì hoạt động.

Tôi cho rằng, Tòa không nên can dự vào việc định đoạt phần vốn góp của doanh nghiệp khi doanh nghiệp không muốn chuyển nhượng. Tôi đặc biệt ngạc nhiên về giá chuyển nhượng Tòa xác định là 6,2 tỷ khi căn cứ vào chính Văn bản 182 ngày 29/12/2011 của Công ty Trường Hải, bởi đây là văn bản đang trao đổi giữa hai bên kèm theo điều kiện là giá chỉ có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2011 và không phải là thỏa thuận về giá. Nếu bản án này được thi hành sẽ tạo ra một “án lệ” xấu và rất không có lợi cho môi trường kinh doanh tại Đà Nẵng.

Nhóm PV

Diễn đàn doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   VHL: Nghị quyết Hội đồng quản trị (02/06/2016)

>   PCE: Báo cáo tài chính quý 1,2016 văn phòng công ty (02/06/2016)

>   Vinawaco bất ngờ thoát “danh sách đen” của Bộ GTVT (02/06/2016)

>   ĐHĐCĐ CTCK Quốc Gia: Kế hoạch lãi trước thuế năm 2016 tăng gần 10% (02/06/2016)

>   SPM: Thông báo ngày đăng ký cuối cùng tham dự Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016 (02/06/2016)

>   DHC: Nghị quyết HĐQT về việc thống nhất thời gian tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2016 (02/06/2016)

>   SGH: CBTT v/v ký hợp đồng đơn vị kiểm toán BCTC năm 2016 (02/06/2016)

>   “Trùm thu phí” Tasco: Miệng kêu nghiệt ngã, đầu tư nào lãi bằng BOT? (02/06/2016)

>   BCP: Ngày đăng ký cuối cùng trả cổ tức bằng tiền mặt năm 2015 (02/06/2016)

>   FDC: Nghị quyết và Biên bản họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2016 ngày 31/5/2016 (02/06/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật