Thứ Sáu, 03/06/2016 13:00

KTS và SLS: Giống nhau đến bất ngờ!

Thị giá nhảy vọt, kết quả kinh doanh đột biến, chia cổ tức khủng, chung Chủ tịch HĐQT… là những điểm trùng khớp thú vị của hai đơn vị ngành mía đường niêm yết đang có thị giá cao nhất ngành hiện nay là SLSKTS.

 

Trong năm vừa qua, ngành mía đường có nhiều biến động với các thương vụ sáp nhập và kết quả kinh doanh tăng trưởng. Thị giá của đa phần các cổ phiếu ngành mía đường đều tăng mạnh, trong đó tăng mạnh nhất là SLS và KTS, đây cũng là hai doanh nghiệp có giá cổ phiếu cao nhất hiện nay trong ngành mía đường niêm yết.

Tuy nhiên, tại Mía đường Sơn La (HNX: SLS) và Đường Kon Tum (HNX: KTS) có những điểm đặc biệt đáng chú ý, hai doanh nghiệp rất tương đồng nhau, từ cổ đông, lãnh đạo đến kết quả kinh doanh, phương án phân phối lợi nhuận và diễn biến thị giá.

Cổ tức khủng và giá cổ phiếu vút bay

Điểm đáng chú ý là từ thời điểm Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) thoái xong vốn đến nay, giá cổ phiếu SLS và KTS đều đã tăng hơn gấp 4 lần lên mốc 110,000 đồng/cp và 50,000 đồng/cp. Đà bứt phá của cả hai cổ phiếu càng mạnh vào tháng 4/2016 khi SLS từ mức 50,000 đồng nhảy vọt lên 110,000 đồng/cp và KTS từ 20,000 đồng/cp lên hơn gấp đôi là 50,000 đồng/cp.

Diễn biến giá cp SLS và KTS một năm qua

Đà tăng giá mạnh và bứt phá hơn hẳn so với các doanh nghiệp cùng ngành, đặc biệt là trong khoảng thời gian 2 tháng gần đây của SLS và KTS có lẽ xuất phát một phần từ kết quả kinh doanh đột biến trong quý 1/2016 vừa qua. SLS và KTS đều tăng trưởng doanh thu ở mức 29% và 103%, qua đó lãi ròng lần lượt ghi nhận gấp 4 lần và 27 lần cùng kỳ năm trước, tăng trưởng vượt trội trong ngành. Nguyên nhân được cả hai giải trình là do sản lượng và giá bán tăng cao, trong khi giá thành giảm nhẹ.

Kết quả kinh doanh 8 quý qua của SLS và KTS

Mặt khác, cả hai cũng cùng công bố những khoản cổ tức khủng. Như với SLS thì HĐQT vừa công bố quyết định trong tháng 6 sẽ thanh toán cổ tức tiền mặt đợt 3/2015 tỷ lệ 10%, cổ tức đợt 1/2016 tỷ lệ 30% gồm 20% cổ phiếu và 10% tiền mặt. Trong năm 2015, Công ty đưa ra mức cổ tức lên đến 60% tiền mặt (đã chia 50% và 10% chia trong tháng 6). Mục tiêu năm 2016, mức cổ tức tương đương tỷ lệ 60% với 33% tiền mặt và 27% cổ phiếu.

Còn KTS thì công bố ngày 09/05/2016 là ngày giao dịch không hưởng quyền thanh toán cổ tức 2015 bằng tiền mặt tỷ lệ 40% và thanh toán sau đó nửa tháng. Mức cổ tức này là do cổ đông lớn Công ty TNHH Kim Hà Việt đề xuất và được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên 2016 trong khi mức cổ tức HĐQT trình lên chỉ 20% tiền mặt. Còn mục tiêu cổ tức năm 2016 thì quay lại mức thấp 10%.

Ai đang cầm cương SLS - KTS?

Vốn là các đơn vị nhà nước trực thuộc tỉnh Sơn La và Kon Tum nhưng cả SLS và KTS đều hoạt động không hiệu quả trong nhiều năm (khoảng thời gian từ 1997 đến 2006) và buộc DATC phải tham gia mua nợ tồn đọng, tái cơ cấu lại toàn bộ hoạt động cũng như tình hình tài chính doanh nghiệp và chuyển đổi thành hình thức công ty cổ phần. Sau khi DATC tham gia tái cơ cấu, kể từ năm 2008 đến nay, SLS và KTS đều hoạt động kinh doanh có lãi đều đặn trừ năm 2014 sụt giảm mạnh.

Bắt đầu tư 2011, DATC xúc tiến việc thoái vốn tại SLS, KTS từ mức sở hữu trên 60%. Và phải qua hơn 4 năm, tức đến giữa năm 2015 thì DATC mới hoàn thành việc thoái vốn tại đây. Cụ thể, vào tháng 8/2015, DATC đã bán hết 1.8 triệu cp còn lại của SLS, tương ứng tỷ lệ 26% và tháng 5/2015, bán hết gần 1.3 triệu cp còn lại, ứng với 25.31% vốn KTS.

Sau khi DATC hoàn tất thoái vốn thì ở cả SLS và KTS đều có những sự thay đổi nhất định trong Ban lãnh đạo. Điểm rõ nét nhất là việc đổi Chủ tịch HĐQT, cả SLS và KTS đều thống nhất bầu ông Đặng Việt Anh làm Chủ tịch HĐQT thay hai vị cũ từ DATC là ông Phạm Ngọc Thao (SLS) và ông Dương Thanh Hiền (KTS). Đi cùng với đó là hàng loạt những thay đổi tại hai công ty như đã đề cập ở phần trên. 

Tuy nhiên, ông Việt Anh không phải nhân vật mới. Ông sinh năm 1978, tham gia HĐQT của cả hai công ty này từ năm 2013. Ngoài ra, ông Việt Anh còn là con trai bà Trần Thị Thái (năm nay đã ngoài 70 tuổi), nhân vật có liên quan mật thiết với cả SLS lẫn KTS lâu năm.


Nói bà Thái có mối liên hệ mật thiết với SLS và KTS là bởi bà cùng nhóm liên quan đã tham gia vào hai đơn vị này trước khi niêm yết, từ thời kỳ đầu sau cổ phần hóa doanh nghiệp; đồng thời bà cũng tham gia HĐQT cả hai công ty nhưng sau đó rút lui. Thay vào đó là sự tham gia của con trai - ông Việt Anh ở vị trí Chủ tịch HĐQT cả hai công ty. Bên cạnh đó, ông Trần Ngọc Hiếu, em trai bà Thái, đang giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của SLS và Thành viên HĐQT KTS từ năm 2015.

Tính đến hiện tại, đối với SLS, xét theo tỷ lệ công khai thì bà Thái cùng gia đình đang sở hữu khoảng 34% vốn; riêng bà nắm giữ 1,865,320 cp, chiếm tỷ lệ 27.43% vốn. Tổ chức có liên quan, Công ty TNHH Thái Liên do bà Trần Thị Liên, em gái bà Thái, làm đại diện theo pháp luật cũng có sở hữu 15% vốn SLS. Tổng sở hữu công khai của bà Thái và nhóm liên quan tại đây lên đến 49%.

Đối với KTS, bà Thái chỉ sở hữu một phần nhỏ 3% vốn nhưng Công ty TNHH Kim Hà Việt do chính bà làm đại diện đang sở hữu 15% vốn.

Kể từ sau khi DATC thoái vốn xong thì giao dịch tại hai doanh nghiệp này chủ yếu là giao dịch bán của “bộ sậu” cũ nhưng không hề xuất hiện một cổ đông lớn thay thế nào. Như vậy, theo số liệu công khai thì tính đến thời điểm hiện tại bà Thái cùng các bên liên quan chính là nhóm cổ đông lớn nhất.

Bà Trần Thị Thái là một nhân vật có tiếng trong ngành mía đường, không kém cạnh so với sự nổi tiếng của “bà hoàng mía đường” Huỳnh Bích Ngọc của Tập đoàn Thành Thành Công (ThanhThanhCong). Ngoài đầu tư vào KTS, SLS, bà Thái cùng công ty riêng Công ty TNHH Kim Việt Hà là cổ đông của nhiều đơn vị mía đường khác như Mía đường Bình Dương, Mía đường 333 (S33), Mía đường Cần Thơ (DuongCanTho), Mía đường Sóc Trăng (DuongSocTrang), Tổng công ty Mía đường I (Vinasugar1), Mía đường Tây Nam (TANASUCO)… Chủ yếu tập trung vào các đơn vị mía đường chưa niêm yết./.

Các tin tức khác

>   Tiếp diễn câu chuyện đầu tư của các quỹ tại HPG và DLG (03/06/2016)

>   Nhịp đập Thị trường 03/06: Không thể giữ được đà tăng (03/06/2016)

>   Cổ phiếu Ngành Chứng khoán: Nhóm ngành nóng trong tháng 6? (03/06/2016)

>   03/06: Bản tin 20 giờ qua (03/06/2016)

>   Top cổ phiếu đáng chú ý đầu phiên 03/06 (03/06/2016)

>   ST8: Điều chỉnh giá tham chiếu trong đợt phát hành cổ phiếu thưởng (03/06/2016)

>   VNR: Giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài theo quy định (02/06/2016)

>   Bắt đầu thanh tra hai Sở GDCK Hà Nội và TPHCM (02/06/2016)

>   Nhịp đập Thị trường 02/06: VN-Index tăng phiên thứ 5 liên tiếp (02/06/2016)

>   Những kinh nghiệm khi sử dụng khối lượng (02/06/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật