ĐHĐCĐ VFR: Năm 2016 kế hoạch lỗ 14.4 tỷ đồng, “đau đầu” chuyện bán tàu
ĐHĐCĐ thường niên 2016 của CTCP Vận tải và Thuê tàu (HNX:VFR) tổ chức sáng ngày 29/06 đã thông qua kế hoạch 2016 với mức lỗ 14.4 tỷ đồng. Hiện Công ty đang “đau đầu” với việc bán tàu và quyết định chọn giải pháp vừa duy trì kinh doanh đội tàu trong khi vẫn làm các thủ tục chào bán tàu (trước mắt sẽ bán tàu Blue Lotus và VF Glory).
ĐHĐCĐ thường niên năm 2016 của VFR được tổ chức tại Hà Nội sáng ngày 29/06/2016.
|
SCIC sẽ thoái hết vốn
Về kết quả kinh doanh năm 2015, VFR báo bị lỗ 14.8 tỷ đồng và là năm thứ 2 bị lỗ liên tiếp kể từ khi thành lập suốt 52 năm qua. Còn tổng doanh thu trong năm của VFR đạt hơn 360 tỷ đồng, giảm 11% so với năm trước. Trong đó, hoạt động kinh doanh vận tải biển đạt 109 tỷ đồng doanh thu, chiếm 37% tổng doanh thu. Tuy nhiên, đây cũng là hoạt động khiến cho kết quả kinh doanh chung của Công ty bị lỗ do hoạt động này bị lỗ thuần 39 tỷ đồng dưới tác động của thị trường vận tải biển thế giới vẫn đang trong tình trạng suy thoái kéo dài, chỉ số giá cước BDI vẫn đang ở mức thấp. Hoạt động mua bán tàu trầm lắng, rất ít người quan tâm.
Tại Đại hội, cổ đông yêu cầu ban lãnh đạo Công ty giải thích rõ tình hình lãi lỗ cũng như tỷ lệ sở hữu của các khoản đầu tư vào Công ty con, Công ty liên doanh liên kết và góp vốn vào đơn vị khác trong báo cáo tài chính hợp nhất 2015. Mặt khác cổ đông cũng muốn tìm hiểu về vai trò của SCIC đối với Công ty trong những năm gần đây và kế hoạch thoái vốn trong thời gian tới.
Đại diện cho Ban lãnh đạo công ty, ông Trần Bình Phú – Tổng giám đốc cho biết tính đến ngày 31/12/2015 VFR có các khoản đầu tư vào 2 Công ty con đó là VF Hưng Yên và VF Đà Nẵng nhưng kết quả kinh doanh không như mong đợi. Ngoài ra, Công ty còn đầu tư vào 5 Công ty liên kết và khoản đầu tư dài hạn khác, trong tổng số các doanh nghiệp trên thì có 4 Công ty liên doanh với nước ngoài với giá trị đầu tư khoảng 50.4 tỷ đồng, hoạt động về mảng dịch vụ. Trong năm 2015, Công ty cũng đã nhận được 21.4 tỷ đồng từ cổ tức từ các doanh nghiệp nói trên.
Còn về hoạt động của SCIC trong những năm qua tại Công ty, ông Phú cho rằng, trước đây SCIC luôn chiếm tỷ lệ chi phối với số lượng thành viên HĐQT là 3 người, ban kiểm soát ít nhất là 1 thành viên. Từ khi SCIC thoái vốn thì toàn bộ thành viên HĐQT và BKS của SCIC đã xin từ chức và hiện nay SCIC chỉ nắm hơn 1.1 triệu cổ phiếu của Công ty, tương đương 7.9% vốn. Đồng thời ông Phú cũng là người được SCIC cử làm đại diện phần vốn của SCIC tại VFR. SCIC sẽ dần dần thoái hết vốn nắm giữ tại VFR. Tuy nhiên tại thời điểm đấu giá cổ phần của công ty, có một nhà đầu tư đã trúng thầu nhưng không lại hoàn tất giao dịch khiến cho SCIC bị kẹt lại 7.9% vốn. Hiện nay, SCIC đang xem xét, tìm phương án thoái vốn để đảm bảo lợi ích cho các bên.
“Đau đầu” chuyện bán tàu
Hiện tại dư nợ mua đội tàu tính đến 31/12/2015 của VFR ở mức 11.6 triệu USD trong khi giá bán tàu đã qua sử dụng ngày càng giảm do yếu tố thị trường vận tải và lượng cung nhiều hơn lượng cầu.
Trao đổi về vấn đề này, một cổ đông đề nghị trong báo cáo kết quả kinh doanh 2015 của Công ty cần làm rõ hiệu quả, khả năng thanh toán đến đâu và phải có một số chỉ tiêu kèm công thức. Thêm vào đó, cổ đông muốn rõ hơn về 3 tàu mà Công ty đang sở hữu đã mua từ năm nào, vay của ngân hàng nào và tại sao công ty vừa muốn bán lại muốn khai thác. Liệu Công ty có thực sự muốn bán hay không và với mức giá như thế nào?
Trả lời vấn đề này, ông Phú cho biết việc tái cơ cấu đội tàu đã được triển khai từ rất lâu vào năm 2010. Trong nhiệm kỳ 2011-2015, Công ty đã bán được 2 tàu đó là VF 01 và VF 02 còn 3 tàu chưa bán được là VF Glory mua tại Trung Quốc 2008, tàu Thăng long mua vào năm 2010 (sau khi bán tàu VF 01) và tàu Blue Lotus năm 2011 (sau khi bán tàu VF 02). Việc mua 3 tàu này đều thuộc dự án tái cơ cấu đội tàu của Công ty. Nhưng đến năm 2012, tình hình kinh doanh vận tải biển không phục hồi như mong đợi, do vậy HĐQT đã quyết định bán bớt tàu để cắt lỗ.
Hiện tại Công ty đang có dư nợ tín dụng tại Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex – PGBank (để mua tàu Blue Lotus và Thăng Long) và Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam – Maritimebank (MSB) chi nhánh Hồ Chí Minh (để mua tàu VF Glory).
Theo ông Phú, nếu hiện giờ cùng một lúc chào bán cả 3 tàu ra thị trường chắc chắn khả năng giao dịch thành công sẽ thấp, đồng thời uy tín của VFR sẽ giảm mạnh. Tuy nhiên, nếu chưa bán được tàu ngay, việc tiếp tục khai thác và quản lý cũng sẽ gặp nhiều khó khăn.
Với tình hình dư nợ như hiện nay, việc đàm phán với ngân hàng để giải chấp toàn bộ số tiền vay là hết sức khó khăn. Hơn nữa, do chi phí tài chính cao đặc biệt lãi vay và chi phí bảo hiểm sẽ khiến cho việc dừng tàu để chào bán phát sinh số lỗ cao hơn nhiều so với việc vừa kinh doanh khai thác, vừa chào bán tàu. Mặt khác, ngân hàng cũng sẽ gây khó khăn cho chủ tàu trong việc giải chấp vì họ không còn nguồn thu từ cước vận tải đưa về để đảm bảo việc trả nợ gốc và lãi vay.
Với các lý do trên, ban điều hành của VFR đã đề nghị duy trì kinh doanh đội tàu trong khi làm các thủ tục bán tàu, chào bán trên thị trường và tái cơ cấu dần dần. Đồng thời, Công ty ưu tiên chào bán tàu nào khó khăn, hiệu quả thấp và phù hợp với nhu cầu của người mua. Do vậy, trước mắt VFR sẽ song song chào bán trước 2 tàu là Blue Lotus và VF Glory.
Về mức giá bán tàu, ông Phú cho hay, Công ty sẽ căn cứ vào mức giá trên thị trường của những tàu có cùng đặc điểm đồng thời thuê tổ chức định giá để xác định giá chào bán.
Kế hoạch 2016 tiếp tục lỗ 14.4 tỷ và có thể điều chỉnh nếu bán được tàu
Do tình hình kinh tế thế giới vẫn chưa hồi phục rõ rệt và ảm đạm, thị trường vận tải biển còn nhiều khó khăn trong khi năng lực tài chính của VFR bị giảm sút, áp lực về dòng tiền luôn thường trực và thiếu vốn đầu tư vào một số hạng mục cần thiết. Do vậy, VFR đặt ra kế hoạch doanh thu năm 2016 khoảng 298 tỷ đồng, tăng 15% so với 2015 và Công ty dự kiến lỗ 14.4 tỷ đồng.
Ngoài ra, Công ty sẽ tiếp tục triển khai thủ tục bán tàu Blue Lotus và VF Glory với giá khởi điểm căn cứ vào chứng thư thẩm định giá. Theo đó, các chỉ tiêu doanh thu, chi phí và lợi nhuận trước thuế sẽ được điều chỉnh tương ứng với kết quả sau khi bán tàu.
Bên cạnh đó, ĐHĐCĐ của Công ty cũng đã thông qua quyết toán thù lao của HĐQT và BKS 2015. Theo đó, mức thù lao 2015 được thông qua là 371 triệu đồng. Kế hoạch thù lao của HĐQT và BKS 2016 tương tự năm 2015.
Cuối cùng, ĐHĐCĐ thông qua tờ trình về việc bầu HĐQT và BKS 2016-2021. Theo đó danh sách trúng cử thành viên HĐQT bao gồm bà Trần Thị Tuyết Nhung, ông Trần Bình Phú, bà Nguyễn Thị Thu Hằng, ông Phạm Minh Đức và ông Nguyễn Anh Minh. Thành viên BKS trúng cử gồm ông Lê Văn Chiến, bà Nguyễn Hồng Diệu và ông Nguyễn Cáp Tiến Đạt./.
|