ĐHĐCĐ Nhựa Việt Nam: Sau 3 năm tái cơ cấu toàn diện, Công ty mẹ sẽ có lãi vào 2016?
Sáng ngày 27/06, CTCP Nhựa Việt Nam (UPCoM: VNP) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2016 để thông qua mục tiêu kinh doanh của công ty mẹ gồm doanh thu 300 tỷ đồng, lãi trước thuế 2 tỷ đồng.
ĐHĐCĐ thường niên 2016 diễn ra sáng ngày 27/06
|
Chia sẻ tại Đại hội, ông Lê Hoàng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh chung của Công ty đang trong tình trạng thua lỗ với khoản lỗ luỹ kế tính đến cuối năm của Công ty mẹ là 173.6 tỷ đồng. Nguyên nhân là do các khoản đầu tư thua lỗ trước đây. Cụ thể, VNP đầu tư thiết bị ODA 50 triệu tệ vay Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) và đến hiện tại còn nợ gần 40 triệu tệ trong khi các đơn vị thuê thiết bị ODA đều hoạt động kém hiệu quả, không thể trả nợ cho Công ty. Ngoài ra, VNP còn dùng vốn ngắn hạn đầu tư dài hạn vào các công ty liên doanh, liên kết không hiệu quả làm mất cân đối tài chính. HĐQT đã bắt đầu tái cơ cấu toàn diện từ năm 2013, đến nay vẫn đang thực hiện và kỳ vọng năm 2016 sẽ có lãi.
Mục tiêu trước mắt vẫn là giải quyết mất cân đối tài chính bằng cách trả các khoản nợ ngắn hạn, giảm áp lực lãi vay. Dự kiến trong năm 2016 – 2017, VNP sẽ giải quyết hết nợ ngắn hạn. Về khoản vay ODA, Công ty đang làm việc với Bộ Tài chính để xử lý rủi ro, Ngân hàng Phát triển đã có công văn gửi Bộ Tài chính xem xét, giải quyết tháo gỡ cho doanh nghiệp.
Khi giải quyết xong mất công đối tài chính, Công ty sẽ đầu tư cho sản xuất kinh doanh, tuy nhiên khó đầu tư lớn mà VNP chỉ đầu tư ở mức nhỏ, ông Hoàng cho hay. Năm 2015, VNP có đầu tư dự án sản xuất két nhựa cung cấp két bia cho Công ty Bia Sài Gòn đã đi vào hoạt động ổn định.
Về mặt chỉ tiêu kinh doanh, Công ty chỉ đặt kế hoạch doanh thu công ty mẹ là 300 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 2 tỷ đồng; cải thiện nhẹ so với năm trước. Ông Hoàng khẳng định năm nay sẽ có lãi. Năm 2015, Công ty vẫn bị lỗ 778 triệu đồng và doanh thu sụt giảm mạnh so biến động về giá nguyên liệu nhập khẩu, sức cạnh tranh yếu và mất nguồn thu từ làm đại lý độc quyền kinh doanh màng BOPP với Nhựa Youlchon Vina.
Doanh thu mục tiêu 2016 của VNP dựa trên kết quả kinh doanh nguyên liệu nhựa, một phần doanh thu đến từ khai thác bất động sản, kinh doanh chuỗi cách điện, tiêu thụ két nhựa. Do nguồn vốn hạn hẹp nên sản lượng dự kiến không cao.
“Tháng 4 vừa qua VNP đã bán được tòa nhà 39A Ngô Quyền – Hà Nội với giá 120 tỷ đồng, đem về khoản lợi nhuận 80 tỷ và được hoạch toán theo tiến độ thu tiền. Tức là trong năm 2016, Công ty được hoạch toán lợi nhuận khoảng 44%, dùng giải quyết khoản vay ngắn hạn tại ngân hàng, phần còn lại sẽ hoạch toán trong năm 2017. Ngoài ra, tòa nhà 630 Giải Phóng – Hà Nội cũng đã bán được với giá 21 tỷ, nhưng đây là do Nhựa Thăng Long gán nợ”, ông Hoàng cho hay.
Trong năm qua, VNP đã thoái vốn thành công tại 3 đơn vị là Nhựa Tân Phú, Nhựa Bắc Giang và Nhựa Thăng Long. Với các đơn vị khác như Nhựa Vân Đồn, Nhựa Việt Phước, Nhựa và Hóa chất TPC Vina vẫn chưa thoái được do một phần tỷ lệ sở hữu thấp khiến việc thoái vốn hạn chế, nguyên nhân còn lại là do không đạt được thỏa thuận. Như TPC Vina chỉ đồng ý mua vốn của Nhựa và Hóa chất TPC Vina từ Vinachem và VNP giá 6.3 triệu USD mỗi bên, trong khi Vinachem chỉ đồng ý với giá hơn 4.1 triệu USD nên các bên chưa thống nhất.
Năm 2016 Công ty tiếp tục đẩy mạnh thoái vốn tại một số công ty liên doanh, liên kết và giải quyết tồn đọng các năm trước.
Tại Đại hội, lãnh đạo Công ty cho biết thêm Bộ Công thương có kế hoạch thoái vốn nhưng có 1 vấn đề là VNP thuộc diện chuyển về SCIC nhưng SCIC chỉ nhận khi đã tái cấu túc thành công. Hiện Bộ Công thương đã kiến nghị lên Chính phủ cho thoái toàn bộ và chờ được chấp thuận.
ĐHĐCĐ năm nay của VNP còn thông qua quyết định miễn nhiệm bà Nguyễn Thị Thanh Hương và bầu bà Trần Thị Oánh làm Thành viên HĐQT độc lập thay thế. Được biết, bà Oánh trước là Phó Tổng của liên doanh Việt Thái Plastchem nay đã nghỉ hưu./.
|