ĐHĐCĐ CTX: Mất cân đối tài chính, không thể phát hành 350 tỷ trái phiếu do bị chuyển nhóm nợ
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2016 của Tổng CTCP Đầu tư và TM Việt Nam (HNX: CTX) được tổ chức sáng ngày 28/06, Chủ tịch Phan Minh Tuấn cho biết, kế hoạch phát hành 350 tỷ đồng trái phiếu đã được thông qua tại ĐHĐCĐ bất thường đầu năm 2016 không thể triển khai như kế hoạch mặc dù có 2 ngân hàng đồng ý mua. Nguyên nhân là do các khoản nợ ngân hàng với tổng giá trị 300 tỷ đồng của CTX bị chuyển sang nhóm nợ xấu.
* ĐHĐCĐ bất thường CTX: Bất ngờ xin rút phương án phát hành tăng vốn
ĐHĐCĐ thường niên năm 2016 của CTX được tổ chức tại Hà Nội sáng ngày 28/06/2016.
|
Khó khăn do mắc kẹt với chương trình thoái vốn của SCIC
Theo báo cáo của HĐQT đánh giá tình hình hoạt động của Tổng Công ty trong năm 2015, doanh thu năm 2015 của CTX đạt hơn 329 tỷ đồng, giảm gần 13% so với thực hiện năm 2014 và tương đương 81% kế hoạch. Lãi ròng đạt hơn 18 tỷ đồng, giảm 37% so với năm 2014 nhưng vẫn vượt kế hoạch năm đã đề ra (17.7 tỷ đồng).
Mặc dù kết quả không phải quá thấp nhưng HĐQT CTX thống nhất đánh giá năm 2015 là năm không thành công đối với Công ty. Trong khi, BKS đánh giá kết quả kinh doanh năm 2015 là “không hiệu quả” do không tạo ra dòng tiền.
Theo HĐQT, nguyên nhân khó khăn của Công ty trong năm 2015 do mắc kẹt với chương trình thoái vốn của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC). Công ty đã không thể phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ do sự phản đối của SCIC nhiều năm liên tục dẫn đến nguồn vốn phục vụ hoạt động kinh doanh bị thiếu hụt.
Trước tình hình mất cân đối tài chính nghiêm trọng, ban điều hành CTX đã nỗ lực hoàn tất phương án phát hành 350 tỷ trái phiếu. Mặc dù đã có 2 ngân hàng là Seabank và Vietcombank thông báo chấp thuận mua toàn bộ lượng trái phiếu phát hành nhưng việc thoái vốn của SCIC một lần nữa là nguyên nhân khiến việc phát hành trái phiếu không thành công.
Chủ tịch Phan Minh Tuấn cho biết, việc phát hành trái phiếu cho 2 ngân hàng đã được đàm phán thành công, tuy nhiên sau khi SCIC thoái vốn vào tháng 12/2015 thì 2 ngân hàng Seabank và Vietcombank yêu cầu phải có Nghị quyết của HĐQT mới để thông qua vấn đề phát hành trái phiếu. Nhưng đến khi đã có Nghị quyết của HĐQT mới thì khoản nợ của CTX tại một số ngân hàng với giá trị 300 tỷ đồng đã chuyển nhóm nợ sang nợ quá hạn (nợ xấu), do vậy việc phát hành trái phiếu cho 2 ngân hàng nói trên đã không thể thực hiện.
Theo BCTC hợp nhất quý 1/2016 của CTX, Công ty đang có tổng cộng gần 335 tỷ đồng nợ ngân hàng, trong đó gần 294 tỷ nợ ngắn hạn và gần 41 tỷ đồng nợ dài hạn. Trong số các chủ nợ của CTX, Eximbank chi nhánh Long Biên đứng đầu với số tiền gần 229 tỷ đồng, SHB chi nhánh Thăng Long 50 tỷ đồng và BIDV Tây Hà Nội 15 tỷ đồng.
Không thể thu xếp vốn từ phát hành trái phiếu và phát hành cổ phiếu tăng vốn, việc chuyển nhượng các dự án không nằm trong chiến lược phát triển của CTX cũng gặp khó khăn. Một phần nguyên nhân do trong năm 2015 có quá nhiều chủ đầu tư chào bán dự án bất động sản trên thị trường với giá thấp, cùng với đó là các ngân hàng phát mãi các dự án cầm cố thế chấp.
Ngoài những nguyên nhân trên, theo đánh giá của BKS một phần nguyên nhân còn xuất phát từ hoạt động kinh doanh chính của Công ty. Đối với hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản, do CTX thực hiện chuyển nhượng dự án theo hình thức “chìa khóa trao tay” nên không hạch toán doanh thu, lợi nhuận theo tiến độ của dự án mà chỉ được hạch toán khi hoàn thành dự án và bàn giao sản phẩm. Đối với hoạt động xây lắp, Công ty chỉ thực hiện các hợp đồng đã ký từ các năm trước, không ký thêm hợp đồng mới trong năm 2015, trong khi hoạt động thương mại mang lại doanh thu thấp do thực hiện thận trọng nhằm bảo toàn vốn.
Trước tình trạng mất cân đối tài chính và dòng tiền cho HĐKD gặp khó khăn, HĐQT CTX cũng trình và được cổ đông thông qua phương án không chia cổ tức và trích lập các quỹ năm 2015. Khoản lợi nhuận lũy kế chưa phân phối của CTX tính đến thời điểm kết thúc năm 2015 đạt gần 111 tỷ đồng.
Kế hoạch lãi ròng gần 25 tỷ đồng năm 2016
Trong năm 2016, HĐQT CTX đề xuất kế hoạch kinh doanh với doanh thu dự kiến đạt 400 tỷ đồng, tăng 21.5% so với thực hiện năm 2015. Lãi ròng dự kiến đạt gần 25 tỷ đồng, tăng 38.5%.
Định hướng trong năm 2016 của CTX sẽ tiếp tục tái cơ cấu tài chính để đảm bảo cân bằng nguồn vốn và khả năng thanh toán ngắn hạn. Chuyển nhượng hết các dự án không nằm trong chiến lược phát triển trong năm 2016, đồng thời triển khai phần còn lại các hợp đồng xây lắp đã ký trong những năm trước.
Đối với việc triển khai các dự án bất động sản (BĐS), CTX dự kiến sẽ tập trung hoàn thành dự án khách sạn 5 sao tại Sapa, đưa vào vận hành khai thác vào năm 2016; mở bán dự án MK Tây hồ; khởi công dự án D28 trong tháng 8/2016 (đây là dự án Tòa nhà thương mại, văn phòng được CTX hợp tác cùng CTCP FPT); khởi công dự án E2 theo phương thức “chìa khóa trao tay” trong năm 2016; hoàn thành đền bù giải phóng mặt bằng dự án A1 và chuẩn bị thủ tục đầu tư cho các dự án khởi công trong năm 2017.
Liên quan đến câu hỏi của cổ đông về vấn đề triển khai quá nhiều dự án trong năm 2016, Chủ tịch Phan Minh Tuấn cho biết, các dự án của CTX thuộc các phân kỳ khác nhau, được tính toán dựa trên cơ sở độc lập. Có những dự án hiện mới đang hoàn tất các thủ tục, có dự án đang giải phóng mặt bằng, nhưng cũng có dự án đã triển khai xong và đang tiến hành mở bán.
Đối với kế hoạch năm 2016, một phần tính toán dựa trên việc mở bán các dự án, tuy nhiên phần lớn dựa vào việc thoái vốn toàn bộ các dự án không thuộc trọng tâm phát triển của CTX./.
|