Thứ Hai, 27/06/2016 10:13

Chỉ vốn không chưa đủ

Ưu tiên vốn tài trợ nước ngoài, ODA để ủy thác qua NHTM cho vay tam nông.

Ngành NH luôn bám sát đẩy mạnh đầu tư tín dụng vào các lĩnh vực nông nghiệp, thương mại và du lịch của ĐBSCL

Vốn tại chỗ chỉ đáp ứng được 80% nhu cầu

Hàng năm, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đóng góp hơn 50% sản lượng lúa, 90% lượng gạo xuất khẩu, 70% sản lượng trái cây, và 60% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước.  Bên cạnh đó, vùng đất này còn nổi tiếng với những điểm du lịch như rừng dừa Bến Tre, Tràm chim Tam Nông, làng nghề hoa kiểng Sa Đéc (Đồng Tháp); Chợ nổi Ngã Bảy (Hậu Giang), biển Hà Tiên và đảo Phú Quốc (Kiên Giang)...

Với tiềm năng hấp dẫn đó, cùng với trách nhiệm trong việc đảm bảo lương thực và phục vụ xuất khẩu, trong thời gian qua, ngành NH luôn bám sát chủ trương của Chính phủ để đẩy mạnh đầu tư tín dụng vào các lĩnh vực nông nghiệp, thương mại và du lịch của ĐBSCL.

Ngành NH luôn bám sát đẩy mạnh đầu tư tín dụng vào các lĩnh vực nông nghiệp, thương mại và du lịch của ĐBSCL

Theo NHNN, đến nay dư nợ cho vay khu vực ĐBSCL đạt khoảng 400.000 tỷ đồng, chiếm 8,2% tổng dư nợ cho vay toàn nền kinh tế. Đặc biệt, triển khai chương trình kết nối NH – DN, UBND các tỉnh, thành phố và NHNN các chi nhánh đã tổ chức được 50 hội nghị kết nối trên địa bàn ĐBSCL với tổng số tiền cam kết cho vay mới theo chương trình đạt gần 58.000 tỷ đồng với hơn 4.300 khách hàng DN và nhiều đối tượng khác (hợp tác xã, tiểu thương, hộ gia đình...).

Các NHTM đã giảm lãi suất cho vay khoảng 1% so với năm trước. NHNN cũng đã phê duyệt cho 10 DN thuộc khu vực ĐBSCL thực hiện 10 dự án liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp tại 6 tỉnh (An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Tiền Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng), trong đó có các DN liên kết cánh đồng lớn sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, DN có chuỗi liên kết sản xuất và xuất khẩu thủy sản.

Tuy nhiên, theo phản ánh của các NHTM, hoạt động của ngành NH trong việc triển khai các chính sách tín dụng tại vùng ĐBSCL còn nhiều khó khăn, thách thức. Đó là nhu cầu vốn trung dài hạn lớn và thường xuyên cũng là một áp lực đặt ra cho tín dụng NH. Thực tế cho thấy, huy động vốn của các TCTD trên địa bàn chỉ đáp ứng khoảng 80% nhu cầu vốn. Do vậy đòi hỏi các TCTD phải chủ động điều động vốn từ các địa phương khác để phục vụ nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL.

Đặc biệt, khu vực ĐBSCL đang bị đe dọa bởi ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng cao, các vùng đất bị nhiễm mặn ảnh hưởng hiệu quả sản xuất kinh doanh của những thế mạnh trong vùng như nông nghiệp, thủy sản, cây ăn trái bị ảnh hưởng nặng nề, dẫn tới việc cấp tín dụng của các TCTD gặp nhiều rủi ro.

Việc xây dựng và thẩm định các dự án xanh theo các tiêu chí bảo vệ môi trường của các NH sẽ gặp nhiều khó khăn do lĩnh vực này còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Hiện nay khu vực ĐBSCL vẫn còn một số DN chưa đáp ứng được điều kiện vay vốn của NH do không đủ vốn tự có, năng lực tài chính thấp, thiếu tài sản bảo đảm...

Phát triển hạ tầng, tăng cường liên kết vùng

Cùng với việc hỗ trợ từ nguồn vốn NH, theo ông Lê Đức Thọ - Tổng giám đốc VietinBank, Chính phủ nên tiếp tục cân đối các nguồn lực để tập trung phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế và hạ tầng xã hội làm động lực để phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

Các bộ, ngành liên quan cũng cần thống nhất trong quy hoạch, hỗ trợ  đầu tư đồng bộ vào các khâu trong quá trình sản xuất thuộc các lĩnh vực là thế mạnh của vùng, như: sản xuất giống, thức ăn chăn nuôi, chuyên nghiệp trong nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản, công nghiệp chế biến, dịch vụ hậu cần cho sản xuất, chế biến và tiêu thụ hàng hóa... góp phần hình thành chuỗi sản xuất nông nghiệp có giá trị gia tăng cao, phát triển ổn định, bền vững; thu hút đầu tư nước ngoài đổi mới công nghệ vào lĩnh vực sau thu hoạch và chế biến nông, thủy sản.

Để vốn đầu tư hiệu quả cần xây dựng và cụ thể hóa chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn dài hạn, quy hoạch, lập vùng chuyên canh cho nông nghiệp, phát triển vật nuôi, cây trồng theo quy trình khép kín từ khâu sản xuất kinh doanh, thu mua, chế biến, bảo quản, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.

“Chính phủ cần ưu tiên nguồn vốn phát triển nông nghiệp nông thôn, dành nguồn vốn tài trợ ủy thác nước ngoài, ODA để ủy thác qua NHTM cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn với thời hạn tương đối dài, lãi suất phù hợp với đặc thù hoạt động sản xuất kinh doanh” – ông Lê Đức Thọ đề nghị.

Đẩy mạnh quan hệ hợp tác đầu tư với các địa phương trong nước và quốc tế, mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu hàng hóa cho vùng ĐBSCL, tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật để áp dụng vào thực tiễn sản xuất và đời sống của nhân dân. Tăng cường liên kết vùng, hợp tác nội vùng giữa các tỉnh, thành ĐBSCL, tiến tới liên kết các vùng kinh tế trọng điểm, liên kết trong khu vực và thế giới.

Lãnh đạo NHNN cho biết, thời gian tới cơ quan này tiếp tục thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động NH nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, trong đó hỗ trợ cho ngành thương mại và dịch vụ phát triển, nhằm tăng tỷ trọng của ngành thương mại và dịch vụ trong GDP của vùng ĐBSCL.

NHNN đề nghị, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan kịp thời xử lý các kiến nghị, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc xử lý tài sản bảo đảm. Có cơ chế khuyến khích kinh doanh trong việc ưu tiên định hướng ngành nghề đối với các đối tượng doanh nghiệp trên địa bàn vùng ĐBSCL cũng như tạo môi trường pháp lý hoàn chỉnh về luật pháp, tài sản bảo đảm…

Về phía các địa phương, cần xây dựng các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội trong vùng có hiệu quả, trong đó có lĩnh vực thương mại và dịch vụ, du lịch để các DN trên địa bàn tham gia. Hỗ trợ các DN, đặc biệt là các DNNVV xử lý các khó khăn vướng mắc liên quan đến việc khắc phục thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn, giúp người dân, tổ chức kinh tế ổn định sản xuất và đời sống.

Đức Nghiêm

Thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   Giá vàng và giá USD tăng mạnh (27/06/2016)

>   NamABank mở điểm giao dịch thứ 3 tại Bình Dương (27/06/2016)

>   Sacombank thuộc Top 100 thương hiệu nổi tiếng ASEAN 2016 (27/06/2016)

>   Trong ngắn hạn, tỷ giá USD/VND sẽ phản ánh Brexit thế nào? (26/06/2016)

>   “Thủ tướng cũng đang giục lắm” (25/06/2016)

>   Sacombank cho vay đa dạng ngoại tệ thanh toán xuất nhập khẩu (24/06/2016)

>   “Ngân hàng Nhà nước đang bám sát diễn biến Brexit” (24/06/2016)

>   Thưởng ngoạn vẻ đẹp châu Á cùng NCB (24/06/2016)

>   MaritimeBank tăng lãi suất huy động kỳ hạn 1-2 tháng (26/06/2016)

>   Còn nhiều dư địa chính sách để ổn định mặt bằng lãi suất (24/06/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật