Bị thâu tóm bởi STG, SWC có thành MHC phiên bản 2?
SWC và MHC – cả 2 doanh nghiệp logistics này đều đã về “một nhà” với STG và nhanh chóng thông qua quyết định bán khoản đầu tư giá trị. Liệu bước đi tiếp theo của SWC có giống như câu chuyện đã diễn tại MHC?
* Ai đang thâu tóm cổ phiếu logistics hậu SCIC thoái vốn?
Cùng chung hoàn cảnh
Nếu như câu chuyện từ CTCP MHC (HOSE: MHC) nổi lên từ cuối tháng 9/2015 sau khi 46% số cổ phiếu đang lưu hành được sang tay thông qua giao dịch trên sàn HOSE thì chuyện tại SWC chỉ mới bắt đầu từ đầu năm 2016 sau khi Tổng Công ty Kinh doanh vốn nhà nước – SCIC thoái toàn bộ gần 45 triệu cp, tương đương 66.6% vốn. Trong đó, điểm chung của cả 2 doanh nghiệp logistics này là sự xuất hiện của CTCP Kho vận Miền Nam (HOSE: STG).
* ĐHĐCĐ bất thường MHC: Về “một nhà” với STG, chốt lời khoản đầu tư tại HAH
* Sotrans và bước tiếp theo trong vụ thâu tóm Sowatco
Kết thúc phiên giao dịch ngày 21/09/2015, mặc dù chỉ vỏn vẹn 2,000 cp được chuyển nhượng thông qua giao dịch khớp lệnh, nhưng có tới hơn 12.5 triệu cp, tương đương gần 46% vốn của MHC được sang tay thông qua thỏa thuận, bắt đầu cho câu chuyện thay đổi quyền lực. Ngay sau đó, hàng loạt biến động về sở hữu với sự xuất hiện với những cái tên không mấy xa lạ như CTCK IB (HNX: VIX), CTCP SCI (HNX: S99), CTCP Xây dựng và Đầu tư Sông Đà 9 (UPCoM: SCI), cùng với đó là việc “thay máu” nhân sự HĐQT do những cổ đông lớn mới xuất hiện đề cử. Đến cuối tháng 11/2015, câu chuyện dần ngã ngũ khi STG được ĐHĐCĐ bất thường MHC lựa chọn là cổ đông chiến lược nắm 65% vốn mà không cần chào mua công khai.
Cùng với động thái này, ĐHĐCĐ bất thường cuối năm 2015 cũng thông qua việc miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT đối với ông Chu Nguyên Bình – là thành viên HĐQT vừa được bầu ra từ ĐHĐCĐ thường niên năm 2015, như vậy danh sách nhân sự từ đầu năm đã được thay mới hoàn toàn bởi các thành viên đến từ nhóm cổ đông lớn có liên quan đến STG.
Kịch bản tương tự cũng xảy ra đối với SWC sau khi SCIC thoái toàn bộ gần 67% vốn đang nắm giữ tại doanh nghiệp này. Cũng vẫn những cái tên quen thuộc như S99, Quản lý quỹ IB, hay STG đã trở thành người thế chân SCIC, đồng thời tiếp ngay sau đó là sự “thay máu” nhân sự HĐQT.
Theo báo cáo phân tích mới được CTCK MB (MBS) công bố, SWC là công ty nằm trong chuỗi M&A của doanh nghiệp Indo Trần với hệ thống các công ty logistics và vận tải nội địa. Hiện nhóm cổ đông lớn liên quan tới Sotrans (51% cổ phần) và Indo Trần (12%) đang nắm tới 95.5% vốn SWC.
|
Không chỉ giống nhau bởi “đường đi nước bước” để thâu tóm, những hoạt động sau đó, mà đơn cử như việc bán đi những khoản đầu tư giá trị từ 2 doanh nghiệp logistics này cũng cho thấy sự tương đồng về kế hoạch kinh doanh sau sự xuất hiện của STG.
Bán tài sản giá trị, dồn tiền… đầu tư cổ phiếu
Quay lại câu chuyện với MHC, cũng tại ĐHĐCĐ bất thường cuối năm 2015, bên cạnh các tờ trình liên quan đến vấn đề nhân sự và việc xuất hiện của STG, một điều bất ngờ khác cũng được HĐQT MHC đưa ra là thoái toàn bộ vốn góp của MHC tại CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HOSE: HAH). Việc thoái vốn tại HAH khi đó được kỳ vọng sẽ đem lại cho MHC một khoản lợi nhuận khá lớn. Theo tờ trình tại Đại hội, MHC sẽ thoái toàn bộ 6,478,210 cp, tương đương 27.93% vốn góp tại HAH với giá gốc của khoản đầu tư này là 71.6 tỷ đồng, trong khi giá trị thị trường tại thời điểm bấy giờ xấp xỉ 337 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần giá gốc.
Trước khi thoái vốn khỏi HAH, khoản lợi nhuận liên doanh, liên kết từ doanh nghiệp này mang lại cho MHC đều đặn trên dưới 10 tỷ đồng mỗi quý, chiếm phần lớn cơ cấu lợi nhuận của Công ty trong giai đoạn trước.
|
Đại diện MHC khi đó cho biết, việc thoái vốn của MHC khỏi HAH nhằm mục đích thay đổi định hướng kinh doanh của Công ty. Thay vì “sống nhờ” các công ty liên doanh, liên kết, MHC sẽ tập trung khôi phục hoạt động kinh doanh chính để tạo ra dòng tiền.
Tuy nhiên, những gì mà Công ty thực hiện sau đó lại không phải như vậy. MHC đã thoái 50% số cp HAH sở hữu vào cuối năm 2015 và thoái nốt phần còn lại vào quý 1/2016. Cùng với đó, các khoản mục trên BCTC của MHC cũng có sự thay đổi đáng kể, tuy nhiên khi khoản đầu tư tài chính dài hạn vào công ty liên doanh, liên kết giảm thì phần tăng lên tương ứng lại nằm chủ yếu ở 2 khoản mục là chứng khoán kinh doanh và phải thu ngắn hạn khác.
Theo BCTC hợp nhất năm 2015 của MHC, cùng với hoạt động thoái vốn khỏi HAH, khoản mục chứng khoán kinh doanh của Công ty tăng từ 351 triệu lên hơn 187 tỷ đồng, trong đó hơn 72 tỷ đồng cổ phiếu HAH được chuyển sang từ khoản mục đầu tư tài chính dài hạn và khoản đầu tư mới hơn 100 tỷ đồng vào cổ phiếu GEX (35.5 tỷ), DDV (59.2 tỷ) và MAC (15 tỷ đồng). Ngoài ra, MHC còn đặt cọc hơn 160 tỷ để tiếp tục mua thêm 4 triệu cp GEX và mua lại cổ phần một số công ty chưa niêm yết.
* Soi các khoản đầu tư tài chính trong năm 2015 của MHC
* MHC: Đổ hơn 100 tỷ vào chứng khoán trong quý 1/2016
Đặc biệt, sau 2 lần điều chỉnh phương án sử dụng vốn từ đợt phát hành năm 2014, HĐQT MHC đã quyết định sử dụng gần 120 tỷ trên tổng số 140 tỷ thu về từ đợt phát hành để đầu tư tài chính vào các công ty niêm yết. Trong khi đó, kế hoạch sử dụng vốn ban đầu được đưa ra tập trung chính vào hoạt động kinh doanh chính bao gồm: Nâng cấp hệ thống kho bãi làm dịch vụ logistics phía sau cảng khu vực Hải An 50 tỷ đồng, mua sắm xe tải 20 tỷ đồng và bổ sung vốn lưu động 65.5 tỷ đồng.
Kịch bản tương tự dành cho SWC?
Cũng giống như MHC, sau khi ĐHĐCĐ bất thường đầu tháng 3/2016 đã chấp thuận cho STG nâng sở hữu tại SWC lên 75% mà không cần chào mua công khai cùng sự thay đổi phần lớn về nhân sự HĐQT, ĐHĐCĐ thường niên năm 2016 của doanh nghiệp logistics này cũng đã thông qua quyết định thoái vốn tại một trong những khoản đầu tư có giá trị nhất.
Theo đó, HĐQT SWC đã trình và được thông qua việc thoái vốn tại Công ty liên doanh Keppel Land – Watco, đơn vị sở hữu dự án Sài Gòn Centre tại 65 Lê Lợi, Quận 1, Tp.HCM. Dự án này là một liên doanh giữa SWC, Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn – RESCO và Keppel Land. Theo giới thiệu trên website của Keppel Land, hiện dự án đang triển khai giai đoạn 2, khi hoàn thành dự án sẽ cao 43 tầng với 7 tầng thương mại trên diện tích 50,000 m2, bao gồm một siêu thị 5 tầng rộng 15,000 m2 (trung tâm thương mại dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2016).
Liên quan đến dự án này, tại ĐHĐCĐ thường niên 2016, HĐQT cho biết đây là dự án tốt nhưng bị lỗ liên tục, tỷ suất sinh lời thấp nên HĐQT quyết định thoái vốn để tập trung vào hoạt động kinh doanh chính là cảng và sà lan. Giá bán dự kiến sẽ không thấp hơn giá trị định giá là 33 triệu USD (tương đương khoảng gần 700 tỷ đồng), lợi nhuận dự kiến không thấp hơn 400 tỷ đồng. Trên BCTC hợp nhất quý 1/2016, giá trị khoản vốn góp được SWC ghi nhận hơn 320 tỷ đồng (20.5 triệu USD).
Nếu thương vụ này thành công, số tiền mà SWC nhận về sẽ tương đương 62% tổng tài sản hiện tại của Công ty (tại thời điểm 31/03/2016 là 1,136 tỷ đồng), chưa kể khoản tiền và tương đương tiền đang có hơn 169 tỷ đồng.
Không khó để nhận thấy những điểm tương đồng giữa MHC và SWC, đặc biệt là sau khi có sự xuất hiện của STG. Nên mặc dù lý do được HĐQT đưa ra nhằm phục vụ hoạt động kinh doanh chính nhưng việc chuyển hướng sang đầu tư tài chính cho dù là lướt sóng kiếm lời, hay trở thành đầu mối để thâu tóm các doanh nghiệp khác trong ngành cũng không phải không có khả năng. Khi đó, với kế hoạch bán tài sản của SWC hoàn thành, với nguồn lực tài chính khá dồi dào này, liệu SWC có trở thành bàn đạp để thâu tóm doanh nghiệp nào khác nữa không vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Cũng cần lưu ý, Nghị quyết HĐQT SWC ngày 16/03/0216 cũng thông việc ủy quyền cho Tổng Giám đốc thực hiện ủy thác đầu tư không chỉ định thông qua Công ty TNHH MTV Quản lý quỹ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank Capital) – một trong những đơn vị trong “group” thâu tóm các doanh nghiệp logistics thời gian qua./.
|