Thứ Năm, 19/05/2016 13:15

Vét cạn nguồn tiền, Vinachem sẽ sớm buông Pinaco?

CTCP Pin Ắc quy Miền Nam - Pinaco (HOSE: PAC) đã quyết định vừa chia cổ tức và thưởng cho cổ đông với tỷ lệ khủng nhất từ trước đến nay 70%. Việc vét cạn tiền để chia này dễ khiến nhà đầu tư liên tưởng đến trường hợp SCIC thu về cổ tức khủng từ Vinamilk trước khi thoái vốn.

Cụ thể, ĐHĐCĐ thường niên 2016 mới tuần qua (07/05) của Pinaco đã thông qua phương án phát hành 15,490,646 cp, tỷ lệ 2:1 để thưởng cho cổ đông. HĐQT cho biết, tính đến cuối năm 2015, Công ty còn thặng dư vốn cổ phần 62.3 tỷ đồng thu được từ hai đợt phát hành năm 2007 và 2008 với giá 20,000 đồng/cp và 25,000 đồng/cp - huy động vốn để đầu tư nhà máy Ắc quy tại Nhơn Trạch (Đồng Nai); cùng với quỹ đầu tư phát triển được trích lập hàng năm 93.7 tỷ đồng. Hai nguồn tiền này cộng lại sẽ dùng để thưởng cổ phiếu tỷ lệ 50%, ứng với số tiền 154.9 tỷ đồng chuyển vào vốn đầu tư chủ sở hữu.

Đồng thời, Pinaco còn tăng mức trả cổ tức năm 2015 từ 15% lên 25% bằng tiền mặt. Tổng mức thanh toán cổ tức tiền mặt cho cổ đông là 79.9 tỷ đồng từ lợi nhuận chưa phân phối từ năm trước gần 15 tỷ và lợi nhuận năm 2015 sau khi trích lập các quỹ 71.9 tỷ đồng.

Như vậy, tổng mức chia thưởng và cổ tức tiền mặt cho cổ đông là 70%, ứng với 234.8 tỷ đồng. Sau khi chia thì trong cơ cấu vốn của Pinaco còn 9.4 tỷ lợi nhuận chưa phân phối và vốn điều lệ tăng lên 464.7 tỷ đồng. Có thể nói sau khi chia cổ tức và thưởng thì vốn thặng dư và các quỹ coi như không còn gì.

Câu chuyện chia phần lớn nguồn thu kiếm được cho cổ đông thay vì giữ lại để tái đầu tư, phát triển tại Pinaco cũng không phải mới. Được biết, trong khoảng thời gian từ 2008 đến 2013, PAC luôn chia cổ tức vừa tiền mặt vừa cổ phiếu trong khoảng từ 20% đến 35%. Đến năm 2014 thì đột biến lên 45% và năm 2015 chia kèm thưởng khủng 70%. Điều đáng nói ở đây là trong các lần chia cổ phiếu khác PAC đều chỉ sử dụng lợi nhuận giữ lại chưa phân phối, riêng năm 2015 thì sử dụng hết luôn quỹ đầu tư phát triển được trích lập hằng năm (10% lợi nhuận sau thuế mỗi năm).

Việc tận thu nguồn lợi nhuận kiếm được trong hai năm gần đây dường như gắn liền với kế hoạch thoái vốn của cổ đông lớn nhà nước tại Pinaco. Hiện Pinaco đang chịu sự chi phối hoàn toàn từ cổ đông nhà nước là Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) với tỷ lệ sở hữu quá bán (51.43%). Tuy nhiên, theo đề án tái cơ cấu Tập đoàn Hóa chất Việt Nam giai đoạn 2012-2015 thì PAC thuộc diện phải thoái.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2016 vừa qua, ông Nguyễn Duy Hưng, Kế toán trưởng Pinaco, cho biết, việc liên tục chia cổ tức và đặc biệt là vét hét để chia thưởng cho cổ đông làm cho vốn chủ sở hữu của Công ty trong nhiều năm liền không tăng trưởng được, đã 5 năm liên tiếp vốn chủ trồi trụt quanh mốc 500 tỷ đồng, tổng tài sản có tăng nhưng chỉ rất nhẹ. Theo ông Hưng, Công ty có thể vay để mở rộng quy mô hơn nữa song như cốc nước với muối, nước cứ đổ thêm vào nhưng muối giữ nguyên thì rất loãng không còn đậm chất nữa.

Việc vét cạn để chia và thưởng cho cổ đông của Pinaco khiến người viết liên tưởng đến trường hợp của Vinamilk (HOSE: VNM). Vinamilk cũng chia cổ tức tiền mặt khủng tỷ lệ 60% (40% đã chia và 20% sẽ trình tại ĐHĐCĐ thường niên 2016 sắp tới) và 20% bằng cổ phiếu cho cổ đông. Đây cũng là giai đoạn tiền thoái vốn khỏi VNM của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) – đơn vị này đang sở hữu 45.06% vốn.

Câu chuyện tại Pinaco còn tương đồng với Vinamilk cả ở vấn đề phát hành cổ phiếu thưởng cho cán bộ công nhân viên (ESOP). Với chiến lược giữ người tài và tìm sự gắn kết cán bộ công nhân viên với Công ty, HĐQT Pinaco nhiều lần đưa ra phương án phát hành ESOP nhưng thất bại. Tại kỳ Đại hội 2016 này, ông Hưng cho hay, nhiều lần Ban lãnh đạo trình phương án phát hành ESOP nhưng đều bị cổ đông nhà nước bác bỏ bởi nếu phát hành thì tỷ lệ 51.43% của Vinachem không thể giữ nguyên. Ngay cả phương án sử dụng 362,812 cp quỹ, Ban lãnh đạo mong muốn để ESOP nhưng cổ đông lớn vẫn chỉ muốn bán ra thị trường. Ngày 09/04 vừa qua, PAC đã công bố Nghị quyết HĐQT việc bán toàn bộ 362,812 cp quỹ để cơ cấu lại vốn theo phương thức khớp lệnh trên thị trường với giá không thấp hơn 33,000 đồng/cp. Tại Vinamilk, tuy kết quả kinh doanh nhiều năm nay đều tăng trưởng rất tốt, liên tục chia cổ tức tiền mặt, cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu nhưng ESOP thì đã không thể thực hiện kể từ năm 2011. Nguyên nhân là do vấp phải sự phản đối của cổ đông lớn nhất SCIC, sở hữu 45.06% vốn.

Việc tận thu thông qua chia cổ tức và cổ phiếu thưởng liệu có phải là một tín hiệu cho thấy thời điểm rút vốn của Vinachem tại Pinaco đã cận kề?

Trả lời hoài nghi thoái vốn của Vinachem, tại ĐHĐCĐ thường niên 2016 ông Trần Thanh Văn - Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc cho biết theo lộ trình thì nhà nước nhất định sẽ thoái vốn tại Công ty, vấn đề chỉ là sớm hay muộn. Song, tính đến hiện tại HĐQT có hỏi và đại diện Vinachem khẳng định chưa có kế hoạch thoái vốn và sẽ tiếp tục nắm giữ ít nhất 2 đến 3 năm tới.

Tuy nhiên, sự đời khó lường chỉ cách đây 6 tháng thôi mấy ai ngờ được rằng Nhà nước lại yêu cầu SCIC tìm thời điểm thích hợp để thoái vốn tại những con gà đẻ trứng vàng như Vinamilk, FPT, Nhựa Bình Minh hay Nhựa Thiếu niên Tiền Phong… dù trước đó cũng chưa có thông tin về kế hoạch thoái./.

Các tin tức khác

>   HT1: Người có liên quan chậm báo cáo kết quả (hoàn tất) giao dịch (16/05/2016)

>   VNN: Bà Trần Thị Niềm đã gom vào gần 18% vốn (16/05/2016)

>   VTJ: CK Nhất Việt thoái bất thành 3.05% vốn (16/05/2016)

>   DNL: Cảng Đà Nẵng đã bán 258,120 cp, giảm nắm giữ xuống 45% (16/05/2016)

>   ITS: Nguyễn Văn Sỹ - Phó Tổng Giám đốc - đã bán 0 CP (16/05/2016)

>   ITS: Đỗ Khắc Lập - Phó Tổng Giám đốc - đã bán 0 CP (16/05/2016)

>   KTL: Sắt thép Đông Á đăng ký bán 500,000 cp (16/05/2016)

>   CDO: Báo cáo về sở hữu của cổ đông lớn Mầu Tiến Doanh (16/05/2016)

>   CII: Muốn mua nhà Thủ Thiêm, Chủ tịch Lê Vũ Hoàng đăng ký bán 700,000 cp (16/05/2016)

>   GMD: Phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu (16/05/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật