SCIC thể hiện quyền lực của mình như thế nào trong mùa đại hội 2016?
Là đơn vị sở hữu nhiều cổ phiếu các doanh nghiệp niêm yết trên sàn và đa phần đều với khối lượng lớn, Tổng Công ty Đầu tư & Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC) có tiếng nói khá nặng đối với hoạt động của những đơn vị này. Trong mùa ĐHĐCĐ năm 2016, SCIC tiếp tục sử dụng sức mạnh này để hiện thực hóa các đòi hỏi của mình.
SCIC đang cố "tận thu" những con gà đẻ trứng vàng sắp buông?
|
“Tận thu” với những con gà đẻ trứng vàng sắp phải buông
Mới đây, Chính phủ vừa yêu cầu SCIC tìm thời điểm thích hợp để thoái vốn khỏi những con gà đẻ trứng vàng như VNM, NTP, FPT, BMP… Do vậy, trong mùa đại hội 2016, nhiều doanh nghiệp đã nâng tỷ lệ cổ tức lên mức “khủng” chưa từng có trong tiền lệ để “chiều lòng” đơn vị này.
Ví như trường hợp của Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong (HNX: NTP), đại diện SCIC đã đề nghị tăng mức cổ tức chi trả năm 2015 từ 25% lên mức 45% ngay tại ĐHĐCĐ thường niên 2016 - con số này cao hơn nhiều so với mức cổ tức truyền thống từ 15% - 30% của NTP.
Hay CTCP Sữa Việt Nam (HOSE: VNM) đã bất ngờ trình phương án chi trả cổ tức tiền mặt năm 2015 lên tới 60% - mức cao nhất từ trước tới nay. Động thái này được đưa ra trong bối cảnh VNM đang muốn “tái khởi động” phương án phát hành cổ phiếu ESOP, dẫu cho nhiều năm vấp phải sự phản đối từ SCIC.
Ở một doanh nghiệp khác là Dược Lâm Đồng (LADOPHAR) (HNX: LDP), trong khi cổ đông lớn Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim (nắm giữ 24% vốn) quan tâm nhiều đến việc tăng tỷ lệ sở hữu hay có một vị trí trong HĐQT thì SCIC hướng sự chú ý đến mức cổ tức 2016 với đề nghị tỷ lệ chi trả không thấp hơn năm 2015 (30.3%).
Giữ trọng số trong HĐQT
Một mối quan tâm thường trực luôn được SCIC chú trọng qua các năm, đó là gia tăng sức ảnh hưởng và duy trì vị thế tại những doanh nghiệp đang nắm giữ cổ phần. Ý định này chủ yếu được SCIC thực hiện bằng cách cử thêm người đại diện phần vốn vào HĐQT hoặc phản đối sửa đổi các điều lệ liên quan đến thay đổi tỷ lệ biểu quyết thông qua các vấn đề. Và để làm điều đó, SCIC luôn sử dụng lợi thế cổ đông lớn với tỷ lệ sở hữu “khủng” để tạo áp lực lên Ban lãnh đạo của doanh nghiệp.
Đơn cử có thể kể đến trường hợp của Traphaco (HOSE: TRA) - doanh nghiệp SCIC đang nắm giữ 35.6% vốn. Tại ĐHĐCĐ thường niên 2016 của TRA, tranh cãi đã nổ ra giữa đại diện Vietnam Azalea Fund (thuộc Mekong Capital, sở hữu 24.99% vốn), SCIC và HĐQT. Nguyên nhân là do SCIC nhất quyết muốn giữ lại 3 vấn đề liên quan đến mức tỷ lệ tán thành cần thiết để thông qua một số vấn đề của Công ty theo quy định cũ. SCIC đã lo ngại rằng “tiếng nói” của mình sẽ trở nên yếu đi, bởi nếu điều chỉnh theo điều lệ mới, một số nội dung có thể sẽ được thông qua mà không cần sự đồng ý của SCIC. Cuối cùng, với lợi thế tỷ lệ sở hữu, SCIC đã đạt được ý định của mình.
Đồng thời, SCIC cũng thành công, góp mặt trong thành phần ban lãnh đạo nhiệm kỳ mới của TRA, khi 3/4 cán bộ do SCIC đề cử đã có 3/7 chiếc ghế trong HĐQT. Trước thềm đại hội, thậm chí đã có những nghi vấn rằng tham vọng của SCIC không chỉ dừng ở ý định tham gia vào HĐQT, mà còn “nhắm” tới chức vụ Chủ tịch của bà Vũ Thị Thuận, nhưng đã không thành công.
Trong mùa Đại hội 2016, SCIC cũng cử đại diện tham gia vào HĐQT của Ngân hàng TMCP Quân đội - hiện SCIC đang nắm giữ 10% vốn. Cùng với đó, SCIC cũng đang có kế hoạch nâng tỷ lệ sở hữu, khi vừa được thêm tên vào danh sách đối tác chiến lược của MBB.
Nhìn lại hai năm trước, tại CTCP Dược Hậu Giang (doanh nghiệp SCIC sở hữu 43.31% vốn), SCIC đã dành được vị trí Chủ tịch HĐQT từ bà Phạm Thị Việt Nga - “bà đầm thép” đứng sau sự thành công của công ty dược lớn nhất cả nước này nhờ sử dụng lợi thế tỷ lệ sở hữu cổ phần.
Một “ông lớn” khác cũng từng vướng vào rắc rối về nhân sự do SCIC tạo ra là VNM. Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2015, SCIC đã đề xuất một loạt các ý kiến liên quan đến nhân sự ban lãnh đạo như “bầu thêm thành viên HĐQT độc lập”, sửa đổi điều lệ với nội dung “đương nhiên mất tư cách thành viên HĐQT khi không còn là người đại diện của tổ chức”. Tuy nhiên những đề nghị trên đã bị Đại hội bác bỏ. Khi đó, câu hỏi được đặt ra là, liệu có phải SCIC muốn đưa cán bộ vào thay thế “chiếc ghế” của bà Mai Kiều Liên - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ đương nhiệm, ngay khi bà không còn là người đại diện vốn của Nhà nước hay không?
Là doanh nghiệp đại chúng với nguyên tắc đối vốn thì cổ đông lớn có tiếng nói lớn là đương nhiên. Tuy nhiên, “tiếng nói lớn” ấy cần hướng đến hiệu quả tổng thể, nâng cao giá trị doanh nghiệp thay vì chỉ phục vụ thiên lệch lợi ích riêng của cổ đông lớn. Thị trường đang ngày một hoài nghi về cách mà SCIC “chăm sóc” những nồi cơm của mình./.
|