Sản phẩm hữu cơ: Sản xuất đã khó, bán còn khó hơn
Việc sản xuất ra một sản phẩm đúng nghĩa "hữu cơ" là một quá trình khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh thời tiết nhiệt đới, sâu bệnh thường xuyên xuất hiện như ở Việt Nam. Tuy nhiên, theo các trang trại, cái khó hơn là làm sao để bán được sản phẩm này trên thị trường.
Một đại biểu dự hội thảo đang tham khảo sản phẩm hữu cơ được giới thiệu sáng nay. Ảnh: NH
|
Ngày 12-5, tại TPHCM đã diễn ra Hội thảo nhận diện sản phẩm nông nghiệp Organic Việt Nam, xu hướng phát triển và xúc tiến liên kết sản xuất tiêu thụ do Cục chế biến Nông lâm thủy sản và nghề muối, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức.
Theo ông Nguyễn Bá Hùng, Công ty TNHH liên doanh Organik Đà Lạt, Lâm Đồng, có khá nhiều thách thức trên con đường sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Đầu tiên là nhu cầu sử dụng thực phẩm hữu cơ của khách hàng và đây là một phân khúc thị trường khá đặc biệt khi đòi hỏi chất lượng, mẫu mã giá trị cao. Bên cạnh đó, nhu cầu của khách hàng đối với thực phẩm hữu cơ khá đa dạng.
Ông Nguyễn Đại Thắng đến từ Công ty cổ phần trang trại Bảo Châu cho biết, làm ra sản phẩm hữu cơ đã khó, bán được cho người tiêu dùng càng khó hơn. Ông Thắng cũng chia sẻ, những ngày đầu tổ chức chăn nuôi hữu cơ, công ty ông phải đi bán lẻ từng cái trứng, từng ký thịt. Lý do một sản phẩm tốt gặp khó khăn đầu ra, theo ông, là do người tiêu dùng vẫn chưa biết hay phân biệt thế nào là sản phẩm hữu cơ.
Trước những khó khăn về đầu ra của các công ty, ông Nguyễn Quốc Vọng, Đại học RMIT, Úc, đưa ra thông tin khá tích cực đối với tiềm năng phát triển của sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Theo số liệu của ông Vọng, hiện tại, nông nghiệp hưu cơ chỉ chiếm 5% trong cơ cấu thị trường sản phẩm nông nghiệp thế giới và hiện có nhiều thị trường đang có nhu cầu tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.
Úc là quốc gia đang muốn hướng đến nông nghiệp hữu cơ với 11 triệu héc ta. Sản phẩm hữu cơ nhiều nhất là thịt bò, rau, củ, quả. Từ những kinh nghiệm phát triển nông nghiệp hữu cơ ở Úc, ông Vọng đưa ra lời tư vấn cho các doanh nghiệp rằng, muốn bán được sản phẩm hữu cơ, điều đầu tiên là chiếm được sự tin tưởng của khách hàng. Tuy công ty có thể sản xuất ra sản phẩm hữu cơ nhưng vấn đề là người tiêu dùng có tin tưởng vào công ty hay không mới là quan trọng, bán sản phẩm hữu cơ là bán niềm tin cho khách hàng của mình.
Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đưa ra những cam kết sẽ sớm hoàn thiện những quy định, chính sách để hỗ trợ các công ty sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Cụ thể, những cơ quan quản lý này sẽ đề nghị các địa phương sớm có quy hoạch cho vùng sản xuất hữu cơ, nghiên cứu ban hành các quy trình sản xuất, chế biến sản phẩm hữu cơ cho từng đối tượng sản phẩm, phù hợp với địa phương nơi sản xuất…
Để hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp an toàn, Chính phủ có ban hành quyết định 01/2012 /QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ việc áp dụng các thực hành nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản bao gồm sản phẩm hữu cơ. Tuy nhiên, theo các đại biểu, lâu nay sự hỗ trợ chỉ tập trung cho sản phẩm an toàn, như sản phẩm thực hành nông nghiệp tốt (GAP). Theo các đại biểu, đây cũng là một trong những rào cản trong việc quảng bá cho sự phát triển nông nghiệp hữu cơ hiện nay.
|
Ngọc Hùng
tbktsg
|