Sabeco và Habeco chậm lên sàn do chưa đủ điều kiện
Sabeco và cơ quan chủ quản là Bộ Công thương đã trình Chính phủ phương án bán một lần duy nhất, giảm tỉ lệ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp này từ khoảng 90% vốn điều lệ xuống còn 36%.
* VAFI đề nghị bán dứt điểm Sabeco và Habeco
Chiều 11-5, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Hồng Xanh, phó tổng giám đốc Tổng công ty CP Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), cho biết Sabeco và cơ quan chủ quản là Bộ Công thương đã trình Chính phủ phương án bán một lần duy nhất, giảm tỉ lệ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp này từ khoảng 90% vốn điều lệ xuống còn 36%.
“Phương án chúng tôi đề xuất là bán đấu giá công khai, hiện đang chờ quyết định phê duyệt từ Chính phủ” - ông Xanh nói. Cũng theo ông Xanh, việc Sabeco vẫn chưa niêm yết lên sàn chứng khoán do chưa đủ điều kiện niêm yết.
Ông Phan Đăng Tuất - vụ trưởng, thường trực ban chỉ đạo đổi mới phát triển doanh nghiệp, Bộ Công thương - thừa nhận cả Sabeco và Công ty CP Bia Hà Nội (Habeco) đều chưa đủ điều kiện niêm yết cổ phiếu.
Liên quan đến đề xuất thoái vốn nhà nước tại hai doanh nghiệp này, ông Tuất cho rằng đó là quyền của Hiệp hội Đầu tư tài chính VN (VAFI). Đúng là Nhà nước đã có chủ trương thoái vốn, tuy nhiên theo ông Tuất, việc bán bao nhiêu và bán cho ai, khi nào bán... còn phụ thuộc vào chính sách tài khóa, tài chính của Chính phủ.
Trước đó ngày 10-5, VAFI đã có văn bản gửi Bộ Công thương kiến nghị “cần chấm dứt ngay lập tức tình trạng trốn niêm yết tại Sabeco và Habeco”, đồng thời đề xuất bán hết cổ phần nhà nước tại hai doanh nghiệp này, dùng nguồn vốn bán được (khoảng 3 tỉ USD) để đầu tư vào hệ thống giao thông công cộng, tàu điện đô thị... nhằm giải quyết tình trạng giao thông quá tải hiện nay.
Theo VAFI, Sabeco và Habeco đã cổ phần hóa được hơn 8 năm. Trong đề án cổ phần hóa, Sabeco và Habeco đều cho biết việc cổ phần hóa gắn với việc niêm yết không chỉ để cải thiện quản trị doanh nghiệp, mà còn tạo hàng hóa có chất lượng để phát triển thị trường chứng khoán.
TRẦN VŨ NGHI - C.V.KÌNH
Tuổi trẻ
|