Phải truy trách nhiệm tại các dự án nghìn tỉ “hấp hối”
Theo các chuyên gia, cần sớm chấm dứt tình trạng này bởi “càng để càng khó khăn, càng khó phát triển”.
* Bài học từ 'Những đại bàng đang gãy cánh': Đừng ham rẻ mà lĩnh hậu quả
Tại cuộc tọa đàm về “lối thoát cho các đại dự án đang hấp hối” do báo Tiền Phong tổ chức ngày 20-5, nhiều chuyên gia cho rằng những dự án nghìn tỉ đang “hấp hối” được dư luận lên tiếng thời gian qua chỉ là một phần nhỏ, vẫn còn nhiều dự án “xác chết biết đi” chưa được điểm tên chỉ mặt.
Ông Nguyễn Văn Hùng, nguyên hiệu trưởng ĐH Xây dựng, cho rằng đây là hậu quả của cơ chế xin cho, chạy dự án, chạy chức..., đồng thời đặt câu hỏi các bộ có được “lại quả” không?
Theo ông Tăng Ngọc Tráng - vụ phó Vụ giám sát thẩm định đầu tư, Bộ KH-ĐT, với dự án lớn, Nhà nước cần cả tiền kiểm và hậu kiểm. Trong đó tiền kiểm xem có cho đầu tư không, hậu kiểm để kịp thời tháo gỡ vướng mắc hoặc xử lý, thay vì để chủ đầu tư tự làm rồi gây hậu quả.
Khi đó kể cả xử lý được thì một phần tài sản nhà nước đã mất đi. Cũng theo ông Tráng, giải pháp trước mắt và lâu dài vẫn là đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn ở doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ.
Chuyên gia Lê Đăng Doanh cho rằng Nhà nước cần thống kê các dự án kém hiệu quả, đánh giá để có giải pháp, chỉ ra người chịu trách nhiệm, không để mọi việc chìm xuồng./.
tuổi trẻ
|