Intel vào cuộc “phá hủy sáng tạo”
Thông tin tập đoàn Intel sẽ cắt giảm 12.000 việc làm, sa thải khoảng 11% trong tổng số 107.300 nhân viên trong vòng một năm sắp tới làm cho giới công nghệ hốt hoảng nhưng không quá bất ngờ.
Một góc nhà máy của tập đoàn Intel tại Khu công nghệ cao TPHCM, Việt Nam. Ảnh: AP
|
Những thay đổi chóng mặt của thị trường công nghệ thế giới khiến cho những thành tựu của ngày hôm qua trở thành vật cản của ngày hôm nay, buộc các doanh nghiệp, dù lớn đến đâu, cũng phải thay đổi không ngừng để tồn tại và phát triển. Intel - tập đoàn sản xuất bộ vi xử lý (chip) máy tính lớn nhất thế giới và có một nhà máy lắp ráp tại TPHCM - không phải là ngoại lệ.
Hết thời Wintel?
Vào buổi bình minh của máy vi tính cá nhân (PC), Intel - cùng với Microsoft, là cái tên đáng ngưỡng mộ: bộ đôi này - được gọi chung là Wintel (Windows + Intel) phối hợp với nhau tạo nên một chiếc PC hoàn chỉnh, với phần cứng là bộ vi xử lý x86 của Intel và phần mềm là hệ điều hành Windows của Microsoft. “Intel Inside” trở thành dấu hiệu được ưa chuộng trên những chiếc PC có mặt ở hầu hết các gia đình, cơ quan, doanh nghiệp.
Trong những thập niên cuối của thế kỷ 20, bộ đôi Wintel thống trị thị trường công nghệ máy tính, đè bẹp mọi đối thủ và không ai lường trước được một ngày gió sẽ xoay chiều.
Hiện nay, tất nhiên bộ đôi Wintel vẫn còn thống trị thị trường máy tính cá nhân nhưng chiếc PC bây giờ đã không còn giống như xưa; bên cạnh nó đã có những chiếc máy tính bảng (tablet), điện thoại thông minh (smartphone) nhỏ gọn hơn, giá rẻ hơn nhưng có nhiều tính năng hơn và sức mạnh tính toán không thua kém những chiếc PC Wintel hiện đại nhất. Xu thế tất yếu là PC sẽ ngày càng lép vế trước sự lan tràn của các thiết bị truyền thông di động: việc sản xuất và kinh doanh PC đã đạt “đỉnh” cách đây năm năm với 365 triệu máy PC bán ra trên toàn cầu; giảm xuống chỉ còn 289 triệu chiếc trong năm ngoái, trong khi có tới 1,7 tỉ chiếc tablet và smartphone được tiêu thụ trong năm ngoái. Riêng tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) đã cung cấp ra thị trường tổng cộng 7,2 tỉ chiếc điện thoại di động - gần bằng tổng dân số thế giới.
Các nhà chiến lược tại Intel và Microsoft đã nhận ra xu thế này từ lâu và cố gắng ứng phó, tìm chỗ đứng trong thị trường thiết bị di động đang phát triển nhanh nhưng theo giới phân tích, Microsoft đã khá thành công trong cuộc chuyển đổi này trong khi Intel chậm chân hơn và có nguy cơ bị tụt hậu. Trong khi Microsoft chuyển hướng khá nhanh và khá thành công thì Intel vẫn giậm chân tại chỗ.
Intel và Microsoft - hai hướng đi, một đích đến
Dưới sự lãnh đạo của Satya Nadella người Ấn Độ, Microsoft tổ chức lại công ty nhắm tới thị trường điện toán đám mây (cloud computing) đang phát triển nhanh. Ngay cả những sản phẩm vốn dành cho PC, chẳng hạn bộ sản phẩm mà ai cũng cần như Microsoft Office, cũng được biên soạn lại để hoạt động trong môi trường mạng Internet, các máy tính kết nối với nhau thành hệ thống, dữ liệu được lưu trữ “trên mây” và các thành viên của hệ thống, theo mức độ phân quyền được cấp, đều có thể truy xuất, biên tập và sử dụng. Microsoft cũng chuyển mạnh sang hướng sản xuất hệ điều hành cho máy chủ (server) và điện toán đám mây, cho ra đời mạng máy chủ Azura - nơi các doanh nghiệp có thể lưu trữ và xử lý mọi thông tin giao dịch với một chi phí “thuê bao” tiết kiệm thay cho việc đầu tư hệ thống máy chủ đặt tại từng doanh nghiệp - tỏ ra có triển vọng lớn.
Sản phẩm điện thoại di động mà Microsoft mua lại từ Nokia cũng đã bắt đầu cạnh tranh hiệu quả với Samsung và Apple tuy lúc đầu ai cũng hoài nghi khả năng sản xuất và kinh doanh “phần cứng” của một tập đoàn chỉ giỏi trong lĩnh vực “phần mềm”. Nhờ những nỗ lực thay đổi, Microsoft đã đứng được: trong ba năm qua, giá cổ phiếu của Microsoft tăng 97%, gần gấp đôi mức tăng bình quân của chỉ số cổ phiếu công nghệ Mỹ Nasdaq Composite.
Trong thời gian này, giá cổ phiếu của Intel chỉ tăng 47%, thấp hơn mức bình quân 50% của chỉ số Nasdaq. Intel dường như vẫn còn kẹt trong lĩnh vực sản xuất chip cho PC - hiện vẫn đang đóng góp 50% doanh thu và lợi nhuận của tập đoàn - trong khi xu thế thị trường đã thay đổi: số PC sản xuất và bán ra đã giảm thêm 10% trong quí 1 năm nay, theo Time.
Lẽ ra Intel đã có thể chuyển ra khỏi công nghệ PC sớm hơn để đi vào lĩnh vực chip cho thiết bị di động và điện toán đám mây; nhưng đã bỏ lỡ nhiều cơ hội. Các nhà chiến lược cũ của Intel đã không nhìn ra tiềm năng của thị trường thiết bị di động khi chỉ tập trung nghiên cứu và cải tiến bộ xử lý x86 cho PC, sao cho gọn nhẹ hơn, đạt tốc độ nhanh hơn và tiêu tốn ít năng lượng hơn, cho ra những cỗ máy PC có sức mạnh vượt trội nhưng chỉ phù hợp cho giới... chơi game! Thậm chí Intel còn từ chối đề nghị của Apple thiết kế chip xử lý cho thế hệ điện thoại iPhone đầu tiên, tạo điều kiện cho các nhà sản xuất chip theo thiết kế ARM lên ngôi, mà nổi bật nhất là Qualcomm và Samsung. Giới thạo tin đồn rằng, điện thoại iPhone 7 mà Apple sắp tung ra giữa năm nay sẽ sử dụng chip xử lý của Intel; nếu đúng vậy là điều hay cho Intel nhưng cũng không có nhiều ý nghĩa nữa vì thị trường điện thoại iPhone đã có những dấu hiệu bão hòa!
Dưới sự lãnh đạo của CEO mới, Brian Krzanich, Intel đang cố khắc phục sai lầm cũ: chuyển hướng đầu tư mạnh vào thiết bị lưu trữ, mạng máy tính cho vạn vật (Internet of Things - IoT) và điện toán đám mây. Kết thúc năm tài chính 2015, nhóm sản phẩm trung tâm dữ liệu của Intel đạt doanh số 4 tỉ đô la Mỹ, tăng 9%; nhóm IoT tăng 22%, lên 651 triệu đô la Mỹ. Những con số doanh thu này vẫn còn quá khiêm tốn ở một tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới.
Đi cùng với sự thay đổi chiến lược sản phẩm là sự thay đổi chiến lược nhân sự. Ông Krzanich đã mời về lãnh đạo công ty một “người ngoài”, thậm chí là một “đối thủ”: ông Murthy Renduchintala - nguyên phụ trách mảng chip của tập đoàn Qualcomm; bất chấp hậu quả là nhiều nhân vật lão làng của Intel dứt áo ra đi. Cùng với việc gửi một lá thư thống thiết cho toàn thể nhân viên để công bố kế hoạch cắt giảm 12.000 việc làm trong năm nay, ông Krzanich cũng công bố quyết định yêu cầu ông Renduchintala “xem xét toàn bộ các sản phẩm của Intel” để chuẩn bị cho việc tái cấu trúc rộng hơn và mạnh mẽ hơn nữa. Nếu như trước đây, ông Bill Gates của Microsoft mơ tới ngày mỗi gia đình có một chiếc PC và ông Steve Jobs của Apple nghĩ tới những chiếc máy tính trong túi áo túi quần thì ngày nay Intel đang nhắm tới những chiếc máy tính tí hon nhưng kết nối vào mạng Internet trong từng chiếc máy giặt, máy điều hòa, thậm chí trong từng ngọn đèn trong mỗi gia đình.
Đọc tiếp tại đây
Thái Bình
tbktsg
|