Fitch: Việt Nam tiếp tục có xếp hạng “BB-” và triển vọng “ổn định”
Fitch Ratings vừa xác nhận xếp hạng nhà phát hành (IDR) nội và ngoại tệ dài hạn của Việt Nam ở mức “BB-” với triển vọng “ổn định” trong thông báo ra ngày thứ Tư (18/05).
Bên cạnh đó, xếp hạng đối với trái phiếu không đảm bảo có độ ưu tiên cao (senior unsecured) bằng nội và ngoại tệ của Việt Nam cũng được Fitch giữ nguyên ở mức “BB-”.
Đồng thời, trần xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam tiếp tục được Fitch duy trì ở mức “BB-”, trong khi xếp hạng IDR ngoại tệ ngắn hạn không thay đổi ở mức “B”.
Việc Fitch giữ nguyên xếp hạng và triển vọng tín nhiệm của Việt Nam phản ánh bức tranh kinh tế vĩ mô khả quan và triển vọng tăng trưởng tươi sáng trong trung hạn bất chấp nợ công cao, dự trữ ngoại hối thấp và các chỉ báo cơ cấu tương đối yếu.
Fitch ước tính thâm hụt ngân sách 2015 giảm về mức 5.8% GDP, thấp hơn so với mức 6.2% trong năm 2014. Trong đó, doanh thu ngân sách đạt xấp xỉ 2% GDP 2015 nhờ doanh thu thuế trong nước tăng mạnh.
Theo dự báo của Fitch, thâm hụt ngân sách 2016 có thể tăng lên khoảng 6.5% GDP. Tổ chức này cho rằng nỗ lực đưa thâm hụt ngân sách về dưới ngưỡng 4% GDP trong giai đoạn 2016-2020 của các nhà quản lý sẽ gặp nhiều khó khăn.
Fitch cho biết nợ công tiếp tục gia tăng trong năm 2015 lên mức ước tính 51.1% GDP, cao hơn mức 47.3% trong năm 2014, và mức bình quân của các nước có xếp hạng “BB” là 43.6%.
Fitch dự báo nợ công sẽ tăng lên mức 53.7% trong năm 2016 và sẽ tiếp tục gia tăng trong trung hạn nếu không thắt chặt việc thiết lập chính sách tài khóa.
Fitch cho biết GDP thực của Việt Nam tăng trưởng 5.6% trong quý 1/2016, thấp hơn so mức 6.7% trong năm 2015, nhưng vẫn cao hơn mức bình quân 4% của các nước có xếp hạng “BB”. Tổ chức này dự báo tăng trưởng GDP sẽ đạt 6.2% trong năm 2016.
Ngoài ra, Fitch cũng dự báo thặng dư tài khoản vãng lai của Việt Nam sẽ đạt khoảng 1% GDP trong năm 2016, phản ánh hoạt động xuất khẩu khả quan và giá cả thấp của hầu hết các hàng hóa nhập khẩu chủ chốt.
Trong quý đầu năm nay, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tăng thêm 4 tỷ USD, và Fitch dự báo dự trữ ngoại hối sẽ tăng lên mức 2.2 lần khoản thanh toán tài khoản vãng lai vào cuối năm 2016, vẫn thấp hơn mức bình quân của các nước có xếp hạng “BB” là 4.3 lần.
Liên quan đến lĩnh vực ngân hàng Việt Nam, Fitch ước tính tăng trưởng tín dụng đã tăng lên mức 17.3% trong năm 2015, tương đương 2.7 lần mức tăng trưởng GDP 6.5%. Được biết, mục tiêu tăng trưởng tín dụng chính thức của Việt Nam trong năm 2016 là 18%-20%, và vào tháng 12/2015, Fitch đã nâng triển vọng đối với các ngân hàng Việt Nam từ “tích cực” lên “ổn định”.
Fitch tin rằng Việt Nam sẽ là một trong những nước được hưởng lợi nhiều nhất từ Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) khi hiệp định này được các nước tham gia phê chuẩn thành công.
Trong khi đó, triển vọng “ổn định” phản ánh đánh giá của Fitch rằng các rủi ro nâng bậc và hạ bậc đối với xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam hiện đã cân bằng.
Theo Fitch, các nhân tố chính có thể dẫn đến hành động tín nhiệm tích cực là: (i) cam kết kiểm soát thâm hụt ngân sách nhằm đóng góp vào sự cải thiện của triển vọng tỷ lệ nợ công, (ii) sự gia tăng của kho dự trữ ngoại hối lên mức tương xứng hơn với các quốc gia có cùng xếp hạng tín nhiệm, và (iii) giải pháp bền vững cho một số vấn đề cơ cấu trong lĩnh vực ngân hàng.
Ngược lại, Fitch cho rằng các nhân tố chính sau có thể dẫn đến hành động tín nhiệm tiêu cực: (i) ngừng áp dụng các chính sách kinh tế vĩ mô kết hợp nhằm đạt được sự ổn định về mặt kinh tế vĩ mô, lạm phát thấp và ổn định, cũng như sự cân bằng bên ngoài, và (ii) sự sụt giảm của kho dự trữ ngoại hối với quy mô có thể làm mất sự ổn định của nền kinh tế./.
|