Thứ Hai, 09/05/2016 09:02

Doanh nghiệp FDI với nền kinh tế Việt Nam

FDI không phải trụ cột tăng trưởng bền vững

Doanh nghiệp FDI hiện đang là một trong những “đầu tàu”, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế nước ta. Tuy nhiên, doanh nghiệp FDI không phải là trụ cột vững chắc để phát triển kinh tế bền vững.

Nhiều điểm “mờ”

Nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh từng phát biểu rằng, “để nền kinh tế phát triển bền vững cần đi bằng hai chân. Phải phát triển doanh nghiệp trong nước, tạo ra thương hiệu sản phẩm của Việt Nam. Bên cạnh đó, cũng cần thu hút FDI để tạo ra sự cạnh tranh, thay đổi công nghệ, nếu ta đóng chặt cửa như thời bao cấp… sẽ rất trì trệ”.

Dòng vốn FDI hiện nay đang góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng muốn tăng trưởng bền vững thì đòi hỏi nền kinh tế phải tự chủ, không quá lệ thuộc vào yếu tố bên ngoài. Nghĩa là những doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước, sử dụng đầu vào trong nước, hướng đến giá trị gia tăng nội địa, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu đầu vào cho nền kinh tế phải được củng cố và phát triển vững chắc.

Nhiều chuyên gia cho rằng, đóng góp của dòng vốn FDI vào nước ta còn nhiều “điểm mờ”. Đó là doanh nghiệp FDI mở rộng xuất khẩu, nhưng vì doanh nghiệp FDI tạo ra nhiều bán thành phẩm (ví dụ như lắp ráp máy tính) trong mạng lưới sản xuất toàn cầu, nên góp phần vào việc tăng nhập siêu, do nước ta chủ yếu gia công, tỷ lệ nội địa hóa thấp. Doanh nghiệp FDI tạo thêm việc làm, nhưng cũng làm mất đi nhiều việc làm truyền thống và chưa coi trọng đào tạo người lao động. Không ít doanh nghiệp FDI gây ô nhiễm môi trường tự nhiên, khai thác lãng phí tài nguyên thiên nhiên (vụ việc “động trời” của Công ty Vedan xả thải ra môi trường sông Thị Vải cách đây không lâu). Chưa kể, quá trình kinh doanh ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp FDI cũng có hành vi tiêu cực, trốn tránh nghĩa vụ tài chính và tạo cạnh tranh không lành mạnh. Nhiều doanh nghiệp liên tục báo cáo thua lỗ, nhưng vẫn không ngừng mở rộng về quy mô...

Nhìn chung, chấp nhận cạnh tranh khi thu hút FDI, nhiều nhà hoạch định chính sách, nhiều ngành và địa phương hy vọng, cùng với tăng nguồn vốn, mở mang thị trường, các doanh nghiệp FDI sẽ chuyển giao công nghệ và kỹ năng quản lý cho người Việt Nam. Tuy nhiên, thành quả trong lĩnh vực này rất khiêm tốn.

Thiếu tính lan tỏa

Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Đậu Anh Tuấn cho rằng, doanh nghiệp FDI đóng góp vào việc tạo thêm việc làm, sản lượng công nghiệp và xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa tận dụng được những lợi ích từ các dòng vốn FDI, con số thâm hụt “khổng lồ” trong cán cân thanh toán của Việt Nam là một chỉ báo. Gần 30 năm sau khi Luật Đầu tư nước ngoài có hiệu lực, kết nối kinh doanh giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước vẫn còn mờ nhạt. Kết quả là, vẫn chưa thấy rõ hiệu ứng lan tỏa về công nghệ và năng suất lao động từ các đối tác nước ngoài đến các doanh nghiệp trong nước.

“Kinh nghiệm các nước phát triển, họ cũng dựa vào nguồn vốn rất lớn từ FDI, nhưng khi vốn của doanh nghiệp trong nước phát triển, dần dần thay thế phần lớn các doanh nghiệp FDI. Để làm được điều này, họ có những chính sách vừa phát huy, vừa thúc đẩy để doanh nghiệp FDI đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế. Chúng ta cũng sẽ làm được nếu “nắn” được doanh nghiệp FDI thực hiện đúng mục tiêu chiến lược của chúng ta. Nước ta cần thu hút nguồn vốn FDI hiệu quả, công nghệ và sự lan tỏa. Đồng thời, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phát triển một cách bền vững”.

TS. Lưu Bích Hồ

Phân tích về nguyên nhân, ông Tuấn cho rằng, có 3 yếu tố tạo nên sự khác biệt: mối liên kết, khoảng cách địa lý giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp nội địa và khả năng hấp thụ đầu tư của doanh nghiệp, người lao động trong nước. Muốn tăng hiệu ứng lan tỏa, Việt Nam cần cải thiện hiệu quả các hoạt động đào tạo giúp nâng cao năng lực của người lao động và trình độ công nghệ của các doanh nghiệp trong nước, để từ đó thu lại được nhiều lợi ích từ FDI. Tuy nhiên, thực tế khoảng cách doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước còn khá xa, chưa có sự liên kết giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước, chưa thấy rõ hiệu ứng lan tỏa về công nghệ và năng suất lao động...

Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài Nguyễn Mại, hiện nay doanh nghiệp FDI tạo việc làm cho khoảng 3,5 triệu lao động tại nước ta, trong đó 15% (gần 500.000 người) là kỹ sư, các nhà quản lý tại các doanh nghiệp. Do đó, thực chất việc chuyển giao công nghệ, kỹ năng quản lý từ doanh nghiệp FDI về doanh nghiệp nội địa phải do chính người Việt làm chứ không có chuyện một nhà đầu tư FDI nào đó sẽ chủ động tổ chức chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp của Việt Nam. Chẳng hạn Nhà máy Samsung có 43.000 người, trong đó gần 8.000 người là xưởng trưởng, và họ là những người nắm về công nghệ. Nếu những người này chuyển sang làm cho doanh nghiệp Việt Nam, thì họ sẽ “chuyển giao” cả công nghệ của Samsung cho doanh nghiệp đó. Hay ngành ngân hàng, nhiều nhân viên ngân hàng nước ngoài trước đây hiện tại đã chuyển sang công tác tại hệ thống ngân hàng trong nước và giữ nhiều chức vụ quan trọng.

Vì thế, theo ông Mại, muốn có công nghệ cần phải mua, nếu cần phải phát triển công nghệ thì phải mua máy và giải pháp kỹ thuật của máy, từ đó các doanh nghiệp FDI có thể đưa nhân sự vào hỗ trợ để vận hành máy móc, sau khi thành thạo sẽ tự vận hành được từ đó mới có công nghệ. Vì việc thu hút FDI là một kênh, chứ không phải là duy nhất về chuyển giao công nghệ. Tuy vậy, ông Mại cũng lưu ý rằng, “không một nhà đầu tư nước ngoài nào sẵn sàng chuyển giao công nghệ, kỹ năng nghề nghiệp, nếu việc chuyển giao đó không có lợi cho họ. Chỉ khi nào nước nhận đầu tư có chính sách hấp dẫn và có phương thức để cán bộ khoa học, công nghệ học hỏi, tiếp thu, chuyển dần thành công nghệ của nước mình, thì mới có kết quả”.

Lệ Giang

đại biểu nhân dân

Các tin tức khác

>   Xuất siêu tăng chưa hẳn đã mừng! (09/05/2016)

>   Phản đối gay gắt chuyện làm thủy điện sông Hồng (09/05/2016)

>   Quý I/2016: Thương mại hai chiều Việt Nam-ASEAN đạt 9,74 tỷ USD (08/05/2016)

>   Món hời mang tên giấy phép (08/05/2016)

>   Thị trường bán lẻ Việt Nam: DN nội không thể mãi trông cậy hàng rào kỹ thuật (08/05/2016)

>   Big C đòi chiết khấu cao, doanh nghiệp rút hàng (07/05/2016)

>   Ví FPT ra mắt dịch vụ trung gian thanh toán (07/05/2016)

>   Dân phẫn nộ vì phí giao thông còn đắt hơn nhiên liệu (07/05/2016)

>   Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng tiếp lãnh đạo tập đoàn Thái Lan (07/05/2016)

>   Bộ Công Thương lên tiếng về “siêu dự án” trên sông Hồng (07/05/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật