Thứ Ba, 17/05/2016 10:39

Đừng chi li với doanh nghiệp

Việc hàng loạt doanh nghiệp ở TPHCM cũng như nhiều địa phương bất ngờ nhận được thông báo vẫn còn nợ vài ngày tiền phạt chậm nộp thuế trong những ngày vừa qua cho thấy, cơ quan thuế chi li từng đồng với người nợ thuế. Ngược lại, việc chậm hoàn thuế cho doanh nghiệp hàng tỉ đồng thì cơ quan thuế lại làm lơ.

Cơ quan thuế tính sai, doanh nghiệp mang tiếng nợ

Ông Nguyễn Thái Linh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Giấy vi tính Liên Sơn, cho biết cách đây vài ngày, công ty ông nhận được thông báo của Phòng kiểm tra 4, Cục Thuế TPHCM về việc phải nộp thêm hơn 710.000 đồng vì vẫn còn nộp thiếu tiền phạt chậm nộp thuế vào ngân sách nhà nước theo quyết định xử lý qua thanh tra, kiểm tra giai đoạn 1-1-2012 đến 30-9-2014.

Theo trình bày của ông Linh, cuối năm 2012 và đầu năm 2013, Liên Sơn nhận hai quyết định xử lý về thuế do kê khai dẫn đến thiếu thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp sau khi cơ quan thuế thực hiện thanh tra, kiểm tra. Đây là việc rất bình thường bởi sau quyết toán, cơ quan thuế thường loại ra một số khoản mà trước đó doanh nghiệp đã tính vào chi phí hợp lý, hợp lệ được trừ khi tự kê khai, nộp thuế. Trong đó, một quyết định (số 5616/QĐ-CT-KT4 ngày 26-12-2012) thông báo Công ty Liên Sơn bị truy thu thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp tổng số tiền 174,6 triệu đồng.

Bên cạnh đó là số tiền phạt vi phạm hành chính hơn 43,9 triệu đồng (gồm phạt 10% số tiền kê khai thiếu và phạt chậm nộp do kê khai thiếu). Hạn chót để doanh nghiệp nộp số tiền trên là ngày 8-1-2013. Tương tự, quyết định thứ hai (số 3232/QĐ-CT-KT4 đề ngày 14-8-2013) truy thu hơn 91,1 triệu đồng và phạt 17,5 triệu đồng, hạn chót là ngày 27-8.

Thực hiện hai quyết định trên, Công ty Liên Sơn đã nộp ngân sách lần lượt vào ngày 4-1-2013 và ngày 20-8-2013, tức trước thời hạn cuối cùng quy định trong thông báo. Vậy nhưng, đến nay, sau gần ba năm, Công ty Liên Sơn lại nhận được thông báo vẫn còn nợ tiền phạt của mười một ngày chậm nộp. “Điều này quá vô lý. Chúng tôi đã đóng thuế trước cả thời hạn ghi trong quyết định xử lý mà giờ này vẫn bị phạt vì còn chậm nộp thuế. Vấn đề không phải là số tiền hơn 700.000 đồng kia mà chúng tôi cảm thấy bị xúc phạm, cứ như mình cố tình gian lận, không có đạo đức doanh nghiệp vậy”, ông Linh chia sẻ.

Doanh nghiệp sai phạm thì bị phạt 0,05%/ngày nhưng cơ quan thuế chậm hoàn thuế thì không bồi thường dù khoản 5, điều 60 Luật Quản lý thuế đã quy định rõ.

Trao đổi với TBKTSG, cán bộ một chi cục thuế thuộc Cục Thuế TPHCM cho biết, Liên Sơn không phải là trường hợp duy nhất. Trong thời gian vừa qua, thực hiện theo kiến nghị của Thanh tra Chính phủ, cơ quan thuế đã và đang phát hành các thông báo tính lại tiền chậm nộp của doanh nghiệp.

Theo vị cán bộ này, ở thời điểm ban hành quyết định xử lý thuế đối với doanh nghiệp, ngoài số tiền thuế truy thu vì khai thiếu, tiền phạt hành chính 10% của khoản khai thiếu, cơ quan thuế còn thông báo thêm một khoản gọi là phạt chậm nộp với cách tính là số ngày chậm nhân với lãi suất theo quy định (có giai đoạn là 0,05%, có giai đoạn là 0,07%/ngày). Do không thể biết khi nào doanh nghiệp sẽ đóng khoản thuế bị truy thu này nên cơ quan thuế tính số ngày bị phạt chậm nộp là số ngày kể từ thời điểm đóng thuế thiếu (do kê khai sai) đến ngày ra biên bản thanh tra kiểm tra. Do vậy, doanh nghiệp đóng tiền thuế và tiền phạt sau thời điểm này, dù có trong thời hạn quy định của quyết định xử lý thuế thì vẫn bị thiếu từ ngày ra biên bản đến ngày thực nộp. Tuy nhiên, vị cán bộ này thừa nhận, đây là lỗi của cơ quan thuế, không phải của doanh nghiệp nên “thông báo thu thêm có phần... phản cảm!”.

Cơ quan thuế chi li

Chia sẻ với TBKTSG, lãnh đạo của một cục thuế phía Nam cho biết, sở dĩ các cục thuế phải ra thông báo thu thêm kể trên là do Tổng cục Thuế chỉ đạo sau khi có ý kiến của Thanh tra Chính phủ. “Chúng tôi đã từng kiến nghị là không nên thu thêm vì như vậy không đáng nhưng không hiểu sao cấp trên vẫn chỉ đạo phải làm”, vị này nói. Theo vị này, số tiền mà doanh nghiệp phải đóng thêm, phần lớn chỉ vài chục ngàn đồng.

Còn theo vị cán bộ của chi cục thuế thuộc Cục Thuế TPHCM, doanh nghiệp ở quận, số tiền thậm chí chỉ là vài ngàn đồng. Và vì cảm thấy không hợp tình, hợp lý nên cán bộ thuế ở chi cục đã tự bỏ tiền túi, nộp vào ngân sách mà không gửi thông báo đến doanh nghiệp!

Ông Nguyễn Thái Linh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Giấy vi tính Liên Sơn, chia sẻ ông cảm thấy cơ quan thuế quá chi li, tính từng ngày, từng đồng với doanh nghiệp. Doanh nghiệp nợ một đồng thuế là ngay lập tức bị phạt chậm nộp. Vậy nhưng, cơ quan thuế chậm hoàn thuế cho doanh nghiệp hàng tỉ đồng thì không thấy ai tính. “Như vậy là không công bằng”, ông Linh nói.

Bà T., kế toán trưởng một doanh nghiệp xuất khẩu cao su, chia sẻ doanh nghiệp luôn là người chịu thiệt trong chuyện nộp thuế. Như doanh nghiệp bà, ngay khi nhập khẩu hàng hóa, phải đóng thuế GTGT hàng tỉ đồng mới được thông quan. Vậy nhưng, sau khi xuất khẩu, chờ rất lâu vẫn chưa được cơ quan thuế hoàn thuế. “Tính từ tháng 11-2015 đến tháng 3-2016, số tiền hoàn thuế của chúng tôi hơn 31 tỉ đồng, nếu tính theo lãi ngân hàng là hơn cả tỉ bạc. Vậy mà chúng tôi chưa nhận được đồng nào. Doanh nghiệp sai phạm thì bị phạt 0,05%/ngày nhưng cơ quan thuế chậm hoàn thuế thì không bồi thường dù khoản 5, điều 60 Luật Quản lý thuế đã quy định rõ”, bà T. nói.

Còn từ phía cơ quan thuế, trước đề nghị của doanh nghiệp về việc phải thực hiện việc trả lãi khi hoàn thuế chậm theo quy định, như tại buổi đối thoại với doanh nghiệp vừa diễn ra mới đây ở TPHCM, đại diện Cục Thuế TPHCM chỉ “xin ghi nhận”!

Quy định không rõ ràng, doanh nghiệp chịu thiệt!

Giám đốc một doanh nghiệp phân phối sản phẩm ắc quy phản ánh, doanh nghiệp ông vừa nhận được thông báo xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chậm thông báo thay đổi thông tin trong hồ sơ đăng ký thuế so với quy định. Số tiền phạt là 1,4 triệu đồng.

Ông cho biết công ty thành lập vào tháng 9-2015 và thời điểm đó, để được nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ, doanh nghiệp đã gửi thông báo về việc đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp tính thuế GTGT cho Chi cục Thuế quận 2, tức mẫu 06/GTGT. Theo quy định hiện hành, khoản 2, điều 12, Thông tư 219/2013/TT-BTC hướng dẫn về Luật Thuế GTGT, phương pháp tính thuế này được áp dụng ổn định trong hai năm liên tục.

Tuy nhiên, đầu năm 2016, Chi cục Thuế quận 2 lại yêu cầu doanh nghiệp phải nộp mẫu 06. Thực hiện yêu cầu này, doanh nghiệp đã nộp mẫu 06 lần hai vào tháng 3. Vậy nhưng, đến tháng 4, doanh nghiệp lại nhận được thông tin phải nộp phạt 1,4 triệu đồng. “Hỏi ra mới biết chúng tôi bị phạt vì chậm nộp mẫu 06. Tôi đã nói chuyện với một cán bộ thuế ở Hà Nội thì được biết, đây là lỗi nhỏ và doanh nghiệp ở Hà Nội không bị phạt. Vấn đề không phải là tiền phạt mà là cảm giác bị cơ quan thuế bắt lỗi, những lỗi mà do quy định không rõ ràng tạo nên. Đó là chưa nói chỗ làm chỗ không”, đại diện doanh nghiệp nói.

Trao đổi với TBKTSG, một cán bộ của ngành thuế TPHCM cho biết, cơ quan thuế đang thực hiện theo chỉ đạo của Tổng cục Thuế ở Công văn 1434/TCT-KK ngày 7-4. Theo công văn này, doanh nghiệp nộp mẫu 06/GTGT sau thời hạn 30-1-2016 bị xử phạt vi phạm hành chính chậm thông báo thay đổi thông tin trong hồ sơ đăng ký thuế so với thời hạn quy định. Cũng theo công văn này, Tổng cục Thuế gia hạn việc nộp mẫu 06 đến 30-4-2016.

Theo vị cán bộ này, trước công văn kể trên, Tổng cục Thuế từng có công văn cho phép doanh nghiệp nộp mẫu 06 chậm nhất trước ngày 30-1-2016 khi có nhiều cục thuế thông báo về việc nhiều đơn vị chưa nộp mẫu 06 vào ngày 20-12-2015 như quy định hiện hành. Và ở lần gia hạn đầu tiên này, doanh nghiệp nộp chậm không bị xử phạt.

Vị cán bộ thuế này thừa nhận, việc xử phạt doanh nghiệp do chậm nộp mẫu 06 là “hơi kỳ” vì quy định không rõ ràng, gây ngộ nhận. Cụ thể, Nghị định 209/2013/NĐ-CP nói rằng, với các doanh nghiệp có doanh thu bán hàng hóa dịch vụ chịu thuế GTGT trên 1 tỉ đồng được áp dụng phương pháp khấu trừ và phương pháp tính thuế này được áp dụng ổn định trong hai năm liên tục. Do đó, doanh nghiệp nghĩ rằng không cần đăng ký lại phương pháp tính thuế sau khi đã được xác nhận.

Tuy nhiên, theo quy định của Thông tư 119/2014/TT-BTC, với những doanh nghiệp mới thành lập, hết năm Dương lịch đầu tiên, phải xác định lại doanh thu để xác định lại phương pháp tính thuế. Nếu trên 1 tỉ đồng, sẽ được tiếp tục áp dụng phương pháp khấu trừ. Còn nếu dưới 1 tỉ đồng nhưng vẫn thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn chứng từ... thì phải đăng ký tự nguyện tiếp tục áp dụng phương pháp khấu trừ thuế. Lúc này, doanh nghiệp phải gửi thông báo về việc áp dụng phương pháp tính thuế GTGT cho cơ quan quản lý thuế trực tiếp chậm nhất là ngày 20-12 của năm liền kề, tức gửi mẫu 06. “Bản thân chúng tôi trong ngành cũng thấy rằng, quy định như vậy vừa gây ngộ nhận, vừa tạo thêm thủ tục cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, là cấp dưới nên phải chấp hành, chỉ biết nói với doanh nghiệp là chịu khó chấp hành mà thôi”, vị này nói.

Minh Tâm

tbktsg

Các tin tức khác

>   Trung Quốc gia tăng nhập khẩu tôm (17/05/2016)

>   Hết thời ào ào nhập bò Úc về Việt Nam (17/05/2016)

>   Hàng điện máy, ôtô nhập từ ASEAN tăng vọt (17/05/2016)

>   Hàng không VN sẽ tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á (17/05/2016)

>   VNG “bạo tay” mua 38% cổ phần trang thương mại điện tử Tiki (17/05/2016)

>   EVN khẳng định không đề xuất điều chỉnh giá điện trong năm 2016 (16/05/2016)

>   Toyota và “bài toán khó” của công nghiệp ôtô Việt Nam (16/05/2016)

>   Xuất khẩu cá Tra sang Thái Lan tăng 16,3% (16/05/2016)

>   Góc khuất thị trường bán lẻ: Doanh nghiệp mệt vì bị ép (16/05/2016)

>   Thủ tướng yêu cầu kiên quyết loại bỏ dự án đầu tư kém hiệu quả   (16/05/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật