Thứ Ba, 03/05/2016 21:11

Doanh nghiệp in gồng mình với giấy phép con

Giám đốc phải đi học bốn ngày, có giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý hoạt động in thì doanh nghiệp mới được cấp phép hoạt động; nhập khẩu máy xén giấy, máy đóng đinh phải được sự cho phép bằng văn bản của cơ quan chức năng mới được thông quan hải quan… Đây là hai quy định nằm trong Nghị định 60/2014/NĐ-CP của Chính phủ mà theo các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực in, là loại giấy phép con, gây cản trở nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh của họ.

Máy in offset cuộn 8 màu này phải có giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông mới được nhập khẩu. Trong ảnh: Hoạt động sản xuât tại một doanh nghiệp in. Ảnh: Sơn Liên

Cụ thể, điểm e, điều 11 của Nghị định 60 kể trên quy định, một trong những điều kiện hoạt động của cơ sở in là người đứng đầu phải có trình độ cao đẳng trở lên về chuyên ngành in hoặc được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý hoạt động in. Có bằng cao đẳng hoặc giấy chứng nhận bồi dưỡng thì doanh nghiệp mới được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực in.

Ông Nguyễn Thái Linh, Chánh văn phòng Hội in TPHCM nhận xét, quy định như vậy là đi ngược lại tinh thần của Luật Doanh nghiệp, tạo ra rào cản không đáng có. Đó là chưa nói, quy định như vậy chẳng khác nào nói rằng giá trị của tấm bằng cao đẳng chuyên ngành chỉ tương đương với chứng chỉ của một khóa học kéo dài 4 ngày.

Theo ông Linh, để tham gia lớp học, doanh nghiệp phải đóng 5 triệu đồng và đến lớp để nghe phổ biến về những điều đã quy định tại thông tư, nghị định. “Giấy chứng nhận bồi dường nghiệp vụ này, thực chất là một loại giấy phép con”, ông Linh thẳng thắn.

Cũng theo Nghị định 60, tại điều 27, doanh nghiệp khi nhập khẩu các thiết bị như máy chế bản ghi phim, ghi kẽm, tạo khuôn in; máy in sử dụng công nghệ kỹ thuật số, ốp-xét (offset), flexo, ống đồng; máy in lưới (lụa); máy dao xén giấy, máy gấp sách, máy đóng sách (đóng thép hoặc khâu chỉ), máy vào bìa, máy kỵ mã liên hợp, dây chuyền liên hợp hoàn thiện sản phẩm in; máy photocopy màu, máy in có chức năng photocopy màu phải có giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông. Giấy phép này là một loại chứng từ phải có khi thông quan hàng hóa.

Quy định này, theo ban tổ chức Cuộc bình chọn 10 quy định tốt nhất và tồi nhất do Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) tổ chức, đã khiến hơn 3.000 doanh nghiệp ngành in choáng váng. Nhiều người thốt lên: "Không thể hiểu nổi". Bởi lẽ, về bản chất, các thiệt bị nhập khẩu được yêu cầu phải có giấy phép của cơ quan quản lý về thông tin, nhất là máy xén giấy, máy đóng đinh… hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến an ninh, quốc phòng, môi trường.

Không chỉ các doanh nghiệp ngành in bị ảnh hưởng mà còn có cả các doanh nghiệp dệt may vì đây cũng là đối tượng phải nhập thiết bị để in lên quần áo, lên nhãn mác... Nhiều doanh nghiệp dệt may khi nhập thiết bị về đến cảng mới tá hỏa ra vì theo cơ quan hải quan, phải xin giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông thì mới được thông quan.

Cũng theo VCCI, Nghị định 60 chỉ có duy nhất quy định phải xin cấp phép, nhưng lại không nêu lý do cấp phép, tiêu chí cấp phép nên cán bộ xử lý hồ sơ có toàn quyền quyết định cho hay không cho. Sự tùy tiện dẫn đến nguy cơ tham nhũng.

Còn theo doanh nghiệp hoạt động trực tiếp trong lĩnh vực, nguy cơ này đã trở thành sự thực trong thực tế hơn một năm qua, kể từ thời điểm Nghị định có hiệu lực (1-11-2014) đến nay.

Theo quy định, hồ sơ xin giấy phép phải gửi bằng đường bưu điện đến cơ quan chức năng và sẽ được phản hồi trong vòng năm ngày làm việc nhưng trên thực tế, “đường bưu điện không bao giờ được trả lời, phải gặp trực tiếp mới xong”.

Thậm chí, nhiều doanh nghiệp chuyên mua bán thiết bị in, nhập khẩu hàng về đến sân bay rồi mà chưa có giấy phép là phải “đi gặp” giải quyết. Nếu không, để hàng lưu kho lưu bãi còn tốn kém hơn. Hội In TPHCM cũng đã nhiều lần kiến nghị sửa đổi quy định bất hợp lý này nhưng không được ghi nhận.

Trong khi đó, theo VCCI, ngành Hải quan cũng thấy vô lý, nên cũng đã kiến nghị Bộ Tài chính làm việc cùng với Bộ Thông tin và Truyền thông để tháo gỡ cho doanh nghiệp dệt may, nhưng không thành công.

“Thời điểm này, sở dĩ chúng tôi lại tiếp tục nhắc lại vì Thủ tướng đang yêu cầu rà soát và loại bỏ các loại giấy phép con trước ngày 1-7. Hy vọng lần này, kiến nghị của chúng tôi được ghi nhận”, ông Linh nói thêm.

Minh Tâm

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Hà Nội: Hoàn chỉnh quy hoạch chung đô thị vệ tinh Hòa Lạc trong tháng 6.2016 (03/05/2016)

>   Nhật Bản công bố khoản viện trợ 7 tỷ USD cho Tiểu vùng sông Mekong (03/05/2016)

>   Việt Nam áp thuế chống bán phá giá thép không gỉ cán nguội từ Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Đài Loan (03/05/2016)

>   Cơ thể của ta, mạch máu của người (03/05/2016)

>   Các doanh nghiệp Việt Nam được lợi gì khi EVFTA có hiệu lực? (03/05/2016)

>   Thị trường bán lẻ VN: Mất bò vẫn chưa lo làm chuồng! (03/05/2016)

>   Trình Chính phủ dự án đường thủy Xuyên Á (03/05/2016)

>   Năm 2016 đặt mục tiêu XK hơn 2 tỉ đô la trái cây (03/05/2016)

>   Obama: Trung Quốc cho thấy sự cấp thiết của TPP (03/05/2016)

>   Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: rà soát hết, kể cả Formosa (03/05/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật