[Bài cập nhật]
ĐHĐCĐ Vinamilk: "Mở room thì NĐT ngoại mua để phát triển chứ không phải xóa"
"Việc mở room thì nhà đầu tư nước ngoài mua Vinamilk cũng chỉ để phát triển chứ không phải xóa, không nhà đầu tư nào lại xóa đi một thương hiệu đã lâu đời và vẫn đang hoạt động tốt" - bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc VNM chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên 2016.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2016 diễn ra sáng ngày 21/05, HĐQT CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk - VNM) đã thông qua phương án chi cổ tức tiền mặt cùng thưởng cổ phiếu khủng cho cổ đông và cả vấn đề nới room được mong chờ lâu nay.
Vấn đề nới room được đưa ra bàn luận tại Đại hội nhưng không có trong nội dung biểu quyết ý kiến cổ đông. Theo bà Lê Thị Băng Tâm, Chủ tịch HĐQT thì VNM đã hoàn tất thủ tục về lĩnh vực hoạt động kinh doanh và đến thời điểm hiện tại VNM không bị giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài.
* Vinamilk bỏ trần sở hữu 49% của nhà đầu tư nước ngoài
11h45: Đại hội thông qua tất cả các tờ trình
9h55: Đại hội tiến hành thảo luận
Kế hoạch 2016 quá thấp và so với kế hoạch 2017 thì càng thấp hơn rất nhiều?
Kế hoạch đưa ra dựa trên tăng trưởng ngành, ngành hiện nay tăng khoảng 7% đến 9%. Hiện Công ty đang tăng cao hơn tăng trưởng ngành, đó là điểm tích cực. Tuy nhiên không nên lấy quý 1 áp cho cả năm.
Về con số 3 tỷ USD doanh số cho năm 2017, HĐQT đã sai lầm trong cách tính là không đưa tăng trưởng ngành vào, hiện tại tăng trưởng ngành chỉ khoảng 7% nên khó có thể đạt được. Song VNM sẽ cố gắng hết sức để thực hiện và vấn đề quan trọng là tăng thị phần.
VNM đối diện thế nào với vấn đề mở cửa hội nhập, giá sữa trên thế giới thấp nhưng ở Việt Nam lại cao?
TPP hiệu lực vừa là cơ hội vừa là áp lực. Đối với VNM thì lo lắng nhất là sữa của bà con nông dân. Đối với trang trại Vinamilk giá thành tương đương của thế giới. Trong 5 tháng đầu năm đã hỗ trợ giá cho nông dân.
Cố gắng 3 năm tới giá sữa của nông dân và trang trại bằng giá thế giới.
Tỷ trọng xuất khẩu mục tiêu đạt 50% có đạt được không?
Cạnh tranh hiện tại rất lớn nhưng VNM cố gắng để đạt được, tăng trưởng xuất khẩu sẽ tương đương tăng trưởng nội địa.
Mảng sữa tiệt trùng có bị ảnh hưởng khi quy định mới có hiệu lực?
Không ảnh hưởng.
Ngành hàng socola và phô mai tại sao không phát triển?
Đây là định hướng lâu dài do hiện tại nhu cầu thị trường không cao.
Chia sẻ hiệu quả của việc bán hàng online?
Do mới hoàn thành phần mềm nên nói đến hiệu quả ngay thì chưa có. Trong tương lai, VNM sẽ truyền thông để người tiêu dùng hiểu được phương án bán hàng này.
Việc phân phối có bị ảnh hưởng khi doanh nghiệp Thái thâu tóm các siêu thị nội không?
Không ảnh hưởng nhiều đến VNM.
VNM có đầu tư tài chính vào ngân hàng và trái phiếu, tại sao không liên quan đến hoạt động chính mà Công ty vẫn thực hiện và đánh giá hiệu quả ra sao?
Bà Liên cho biết khi VNM đầu tư vào các ngân hàng và trái phiếu thì đã có đánh giá rủi ro về tài chính là an toàn, còn đầu tư vào Bảo Việt đã thoái hết và nhận tiền.
Nới room 100% thì nguy cơ bị doanh nghiệp ngoại thâu tóm, VNM sẽ ra sao?
Để giữ được thương hiệu Vinamilk là điều mà bất cứ ai cũng luôn trăn trở. Việc mở room thì nhà đầu tư nước ngoài mua Vinamilk cũng chỉ để phát triển chứ không phải xóa, không nhà đầu tư nào lại xóa đi một thương hiệu đã lâu đời và vẫn đang hoạt động tốt.
Sẽ phát triển kinh doanh đa ngành nghề trong 2 đến 3 năm tới, định hướng ngành nào và có M&A để phát triển không?
Đó là định hướng tương lai khi có cơ hội thì thực hiện. Còn hiện tại VNM vẫn tập trung vào ngành sữa, đây là thị trường rất tiềm năng, tiêu dùng sữa của người dân Việt Nam vẫn còn rất thấp.
VNM vẫn tiếp tục M&A nhưng phải tính toán kỹ.
SCIC ủng hộ ESOP
9h50: Cổ đông lớn SCIC ủng hộ phương án phát hành ESOP và bổ sung tiêu chí là quy mô vốn hóa của VNM từ 2016 đến 2018 phải tăng từ 10% và đảm bảo cổ tức cho cổ đông đã được ĐHĐCĐ phê duyệt.
* Vinamilk: Trả cổ tức khủng để đổi lấy "cái gật đầu" ESOP của SCIC?
ĐHĐCĐ thường niên 2016 của Vinamilk sáng 21/05 tại TPHCM
Tỷ suất lãi gộp biên 2015 tăng từ 32 lên 40%
9h15: Bà Mai Kiều Liên báo cáo tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh 2015
Năm 2015, VNM ghi nhận kết quả kinh doanh khá khả quan, tổng doanh tăng trưởng 14% và vượt 5% kế hoạch khi đạt 40,223 tỷ đồng; lãi sau thuế tăng trưởng 28% và vượt 14% kế hoạch với 7,770 tỷ đồng. Nhân tố chính ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh gồm sức mua của người tiêu dùng về sản phẩm sữa tăng lên; giá sữa nguyên liệu bột sữa nhập khẩu giảm góp phần cải thiện tỷ suất lãi gộp từ 32% năm 2014 lên 40% năm 2015; tình hình xuất khẩu phục hồi sau khi bị sụt giảm do tình hình bất ổn tại khu vực Trung Đông trong năm 2014 và khai phá các thị trường tiềm năng ở khu vực châu Phi bên cạnh thị trường truyền thống ở Đông Nam Á và Trung Đông.
Mặt khác, dẫu tình hình cạnh tranh tiếp tục tăng cao nhưng nhờ đẩy mạnh truyền thông quảng cáo, khuyến mãi, hỗ trợ điểm bán lẻ... mà thị phần các ngành hàng sữa nước, sữa chua uống sữa bột trẻ em, sữa đặc có đường tăng và thị phần sữa chua ăn duy trì ổn định. Đồng thời, thuế suất thu nhập doanh nghiệp bình quân của VNM giảm từ 20% năm 2014 xuống còn 17% năm 2015.
Bà Liên cho biết điểm đáng khích lệ là doanh thu tăng chủ yếu nhờ sản lượng tăng chứ giá bán không hề tăng.
Trong năm 2015, VNM có 110,000 con bò gồm cả bò trang trại Vinamilk và bò của nông dân có ký hợp đồng. Qua đó, thu mua tổng cộng 216,500 tấn sữa. VNM tung ra các sản phẩm mới là dòng sữa bột Optimum Gold, sữa uống dinh dưỡng pha sẵn, dòng kem đá Ozé, dòng kem cao cấp Twin Cow.
9h00: Đại hội bắt đầu với hơn 600 cổ đông tham dự, đại diện cho 81% cổ phần có quyền biểu quyết
Trước Đại hội
Cổ tức khủng!
Tại Đại hội, HĐQT trình cổ đông phương án chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 60% (40% đã chia và 20% sẽ chia sau Đại hội), ứng với tổng mức thanh toán là 6,401 tỷ đồng. Theo ước tính thì sau khi chia, Công ty sẽ còn khoảng 2,990 tỷ đồng lợi nhuận giữ lại chưa phân phối. Đối với cổ tức đợt 2/2015, ngày 03/06/2016 là ngày giao dịch không hưởng quyền và ngày 16/06/2016 là ngày thanh toán.
HĐQT cũng trình phương án phát hành tối đa 241.9 triệu cp, ứng tỷ lệ 5:1 để thưởng cho cổ đông hiện hữu nhân kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Công ty. Nguồn vốn thực hiện là trích từ quỹ đầu tư phát triển, nếu không đủ sẽ trích thêm từ lợi nhuận chưa phân phối. Cổ phiếu phát hành thêm không bị hạn chế chuyển nhượng và quyền nhận cổ phiếu phát hành thêm không được phép chuyển nhượng.
Bên cạnh đó, VNM cũng trình phương án chào bán 9.4 triệu cp cho người lao động (ESOP). Trong đó, 522,795 cổ phiếu quỹ bán cho người lao động và phát hành thêm 8.9 triệu cp mới. Nguồn tiền thu được dùng để phục vụ nhu cầu hoạt động kinh doanh và bổ sung vốn lưu động cho Công ty. Giá chào bán sẽ bằng hai lần giá trị sổ sách được ghi nhận trên BCTC gần thời điểm phát hành nhất được kiểm toán soát xét. Thời điểm phát hành trong năm 2016.
Năm 2016, VNM đặt mục tiêu doanh thu 44,560 tỷ đồng, tăng trưởng 11% và lãi ròng 8,266 tỷ đồng, tăng trưởng 6%. Cổ tức tiền mặt năm 2016 cũng ở mức cao với tối thiểu 50% lợi nhuận sau thuế, đợt 1/2016 dự kiến chia vào tháng 8-9/2016 tỷ lệ 40% và đợt hai sẽ thực hiện vào tháng 5-6/2017.
Tại Đại hội, vấn đề tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài sẽ được trình bày và thảo luận. Theo dự thảo Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên 2016 thì tỷ lệ room ngoại được mở tới 100%./.
|