ĐHĐCĐ lần đầu VISSAN: Masan vào HĐQT, kế hoạch lên UPCoM hoặc HOSE
Sáng 28/05, ĐHĐCĐ lần đầu của CTCP Kỹ nghệ Súc sản Việt Nam – VISSAN đã được diễn ra. Tại đại hội đã thông qua thành viên HĐQT, BKS cho nhiệm kỳ 2016-2020 cùng kế hoạch kinh doanh trong 5 năm tới.
TGĐ SATRA làm Chủ tịch, Masan cử người vào HĐQT và BKS
5 thành viên HĐQT trúng cử nhiệm kỳ 2016-2020 gồm:
- Ông Nguyễn Phúc Khoa - hiện là Phó TGĐ Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH MTV (SATRA)
- Ông Phạm Trung Lâm – hiện là Tổng Giám đốc CTCP Dinh dưỡng Nông nghiệp Quốc tế (Anco), Tổng Giám đốc CTCP Việt - Pháp Sản xuất Thức ăn Gia súc (Proconco), Thành viên HĐQT CTCP Masan Nutri-Science. Đồng thời, ông Lâm cũng là đại diện cho hơn 11.3 triệu cp (14% vốn) mà Anco nắm giữ tại VISSAN
- Ông Văn Đức Mười – hiện Tổng Giám đốc VISSAN
- Ông Nguyễn Ngọc An – hiện là Phó TGĐ VISSAN
- Ông Trần Ngọc Đăng – hiện là Phó Giám đốc Tài chính Kế toán SATRA
Trong đó ông Nguyễn Phúc Khoa trúng cử Chủ tịch HĐQT.
Về phía BKS, ông Nguyễn Kim Khánh trúng cử Trưởng BKS, BKS gồm 3 thành viên sau:
- Ông Nguyễn Kim Khánh – hiện Phó Trưởng phòng Tài chính Kế toán VISSAN
- Bà Đoàn Thị Mỹ Duyên – hiện Kế toán trưởng CTCP Tập đoàn Masan, Trưởng Ban Kiểm soát Masan Nutri-Science và Masan Resources, Thành viên Ban Kiểm soát Masan Consumer và Proconco
- Bà Hoàng Thị Kim Phượng – hiện là Chuyên viên Phòng Kế hoạch và Đầu tư Tài chính SATRA
Ngoài ra, với việc đã hoàn thành xong cổ phần hóa, VISSAN sẽ tiến hành đăng ký giao dịch cổ phiếu trên UPCoM hoặc niêm yết trên Sở GDCK TP.HCM (HOSE). Thời gian sẽ ủy quền cho HĐQT quyết định, trước mắt VISSAN sẽ thực hiện lưu ký chứng khoán ở Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD).
Giai đoạn 2016-2020 lợi nhuận sẽ giảm do hoạt động đầu tư
Trong 5 năm tới, vốn điều lệ dự kiến sẽ giữ nguyên là 809 tỷ đồng, theo đó Công ty đưa ra kế hoạch kinh doanh như sau:
Kế hoạch doanh thu và lợi nhuận 2016-2020 của VISSAN
Biên lợi nhuận và cổ tức giai đoạn 2016-2020 của VISSAN
Lợi nhuận sau thuế trong 3 năm đầu sau cổ phần hóa sẽ giảm nhẹ so với các năm trước. Nguyên nhân chi phí hoạt động tăng theo doanh thu, đồng thời phân bổ chi phí lợi thế thương mại nên chi phí hoạt động tăng. Sang năm 2019 - 2020, lợi nhuận sau thuế giảm mạnh do cụm nhà máy Long An (xây dựng trong năm 2016) dự kiến đi vào hoạt động nên chi phí lãi vay và khấu hao tăng. Theo VISSAN, nhà máy này sẽ giúp Công ty tăng năng lực sản xuất các dòng sản phẩm chất lượng.
Kế hoạch này được Công ty dựa trên giả thiết giá nguyên liệu chính là heo hơi và bò ổn định nhờ chủ động trong việc cung cấp nguồn nguyên liệu. Đồng thời, dự kiến giá nguyên liệu sản xuất như nạc heo, mỡ heo, thịt gà xay… trong giai đoạn 2016-2020 tăng ít, thậm chí không tăng do Việt Nam gia nhập các hiệp định thương mại thế giới nên nguồn nguyên liệu dự báo sẽ dồi dào và giá cả cạnh tranh.
Bên cạnh đó, VISSAN dự kiến xây dựng cụm nhà máy chế biến tại Long An từ năm 2016 và dự kiến đưa vào hoạt động vào 2019. Việc này sẽ làm chi phí trong năm nay tăng cao, đặc biệt là chi phí lãi vay và khấu hao.
Công ty cũng cân nhắc đến việc huy động vốn theo hình thức phát hành cổ phần hoặc trái phiếu/trái phiếu chuyển đổi, kêu gọi hợp tác đầu tư từ các đối tác và vốn vay, tùy vào nhu cầu kinh doanh thực tế.
Về đầu tư sau cổ phần hóa, VISSAN sẽ đầu tư cơ sở hạ tầng, đồng bộ hóa trang thiết bị tại Công ty theo tiêu chuẩn HACCP và đầu tư cơ sở sản xuất tại các khu vực như Hà Nội. Phát triển kênh phân phối, đặc biệt là điểm bán thịt lẻ tươi sống. Song song đó, tập trung đầu tư các công trình di dời và xây dựng vùng chăn nuôi theo thịt với khả năng cung 300,000 con/năm, đáp ứng 30% nhu cầu của Công ty vào 2020. Ngoài ra, VISSAN dự định xây nhà máy sản xuất thức ăn gia súc cung cấp cho vùng chăn nuôi heo và tham gia thị trường./.
|