Chuyển động cổ phiếu tuần 25-29/04:
Đánh xoay vòng hàng nóng
Trong tuần giao dịch từ 25-29/04, hàng loạt cổ phiếu nóng mang đậm tính đầu cơ như FLC, PTL, NVT, ITQ, KLF, PVX… có thanh khoản tăng đột biến nhưng cũng rất nhiều cổ phiếu thuộc nhóm này bị dòng tiền rời bỏ như KMR, HAI, PXL, ATA...
Kết thúc tuần giao dịch, các chỉ số thị trường diễn biến trái chiều với VN-Index tăng 0.99% đứng tại 598.37 điểm; trong khi HNX-Index đóng cửa giảm 0.31%, dừng ở 80.68 điểm. Tương tự, thanh khoản thị trường tại sàn HOSE đạt 120.3 triệu đơn vị/phiên tăng 3.71% so với tuần giao dịch trước trong khi sàn HNX đạt hơn 39.2 triệu cổ phiếu/phiên giảm 5.08%.
Trên HOSE, dòng tiền tăng mạnh nhất ở cổ phiếu PHR, nhất là sau khi đơn vị này công bố BCTC quý 1 với lãi ròng tăng hơn 14% trong bối cảnh giá cao su thiên nhiên phục hồi nhưng chưa rõ nét. Theo đó, thanh khoản trong tuần qua của PHR tăng vọt hơn 220%, từ mức trung bình 149,000 đơn vị/phiên lên mức 478,538 đơn vị/phiên. Tiếp theo đó là HBC với mức tăng hơn 200%.
Tuy nhiên điểm chung đáng chú ý trong nhóm tăng trưởng dòng tiền tuần qua chính là nhắm vào cổ phiếu nóng mang đậm tính đầu cơ như FLC, PTL, KSK, NVT, TLH, IJC và cả bộ đôi HAG – HNG.
Trong đó, ấn tượng nhất chính là sự trở lại của FLC khi thanh khoản tăng vọt từ hơn 5 triệu đơn vị/phiên lên mức trung bình gần 11 triệu đơn vị/phiên. Đáng chú ý, phiên giao dịch ngày 26 và 27/04, khối lượng giao dịch khớp lệnh của FLC lên đến gần 20 triệu đơn vị/phiên và giá cũng bật tăng trần.
Giá cổ phiếu FLC kết thúc tuần với mức tăng hơn 6%, lên mức gần 7,000 đồng/cp sau thời gian dài giao dịch trên ngưỡng 6,000 đồng/cp. Măc dù vậy, thông tin hỗ trợ FLC trong khoảng thời gian này gần như không xuất hiện. Thay vào đó là thông tin FLC nhận được giấy chứng nhận được chấp thuận chào bán 179 triệu cp cho cổ đông hiện hữu.
Liên quan đến FLC, cổ phiếu KLF cũng có một tuần giao dịch tích cực khi khối lượng giao dịch trung bình tăng vọt 54%, lên mức gần 2.5 triệu đơn vị/phiên và giá tăng gần 3% bất chấp lãi ròng hợp nhất quý 1 chỉ vỏn vẹn 560 triệu đồng, giảm hơn 98% so cùng kỳ và cũng là mức thấp nhất kể từ khi đặt chân lên sàn.
Cũng không thể không nhắc đến bộ đôi khác là HAG và HNG khi cả hai đều tăng mạnh về thanh khoản lẫn điểm số. Với HAG câu chuyện vẫn là tái cơ cấu nợ thì hiện cả 10 chủ nợ (ngân hàng đang cho vay) đối với HAG đã có văn bản đề xuất phương án hỗ trợ hoạt động, tái cơ cấu khoản vay và lãi phải trả của HAG gửi đến NHNN. Việc xem xét vấn đề này đã được thực hiện đến những khâu cuối cùng. Còn HNG thì đã có kết quả kinh doanh quý 1 với lãi ròng chỉ gần 94 tỷ đồng, giảm 12% cùng kỳ năm trước.
Một trường hợp khác khá nổi trội tuần qua nữa chính là DST khi dẫn đầu tăng trưởng về thanh khoản cả hai sàn, đạt 245%. Giá cổ phiếu trong tuần qua mặc dù giảm 14% nhưng xét tại vùng giá đang giao dịch quanh 38,000 đồng/cp thì đây là mức cao nhất mà DST đạt được trong gần 9 năm qua từ tháng 11/2007 (mức cao nhất đạt được vào năm 2007 là 49,200 đồng/cp). Đây rõ ràng là kết quả ấn tượng dù rằng thông tin của DST vẫn thiếu vắng ngoại trừ lãi quý 1 công bố khá lâu là chưa đến 150 triệu đồng.
Ngược lại, một bộ phận khác thuộc nhóm cổ phiếu nóng này đang bị dòng tiền quay lưng, đó là HAI, KMR, ATA, VOS, BCG, DLG, PXL, VNE… Trong đó, giảm mạnh nhất thuộc về VNE khi khối lượng giao dịch trung bình chỉ còn gần 310,000 cp/phiên, giảm 72% so với tuần trước đó là hơn 1.1 triệu cp/phiên. Một trong những nguyên nhân chính có thể khiến dòng tiền sụt giảm ở cổ phiếu này chính là kết quả kinh doanh hợp nhất quý 1/2016 của VNE bất ngờ báo lỗ hơn 15 tỷ đồng.
Như vậy, có thể thấy là dòng tiền đã di chuyển từ nhóm cổ phiếu đầu cơ này sang cổ phiếu đầu cơ khác.
Ngoài ra, cũng cần chú ý thêm là có nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn tuần qua cũng sụt giảm về thanh khoản như VNM, VIC, EIB, GAS, HSG, CTD, PVD, VCB, HPG…
Top 20 mã có thanh khoản tăng/giảm cao nhất sàn HOSE
Trên HNX thì chỉ có DST, SVN và ITQ có khối lượng giao dịch tăng đột biến trên 100%. Diễn biến tương tự tại HOSE, dòng tiền trên HNX tăng chủ yếu ở nhóm đầu cơ này và giảm ở nhóm khác. Ví như nhóm đầu cơ hút dòng tiền trong tuần qua như KLF, PVX, S99, DCS, KVC, WSS, SHA… và nhóm bị ngó lơ là SPI, KSK, SGO, APS. Bên cạnh đó, một số mã vốn hòa lớn và vừa khác như VCG, PVC, AAA hay DBC… cũng sụt giảm thanh khoản.
Top 20 mã có thanh khoản tăng/giảm cao nhất sàn HNX
Nếu xét về giá trị tuyệt đối, FLC, HAG, BHS, HQC và VHG là 5 mã có thanh khoản cao nhất sàn HOSE, trong khi đó HNX thì có KLF, PVX, SCR, TVC và VGS.
Đối với giao dịch khối ngoại, bán ròng trên HOSE với 589 tỷ đồng và mua ròng trên HNX với gần 12.7 tỷ đồng. Tuy nhiên khi loại bỏ giao dịch bán ròng thoả thuận đột biến ở VIC và VSH thì khối ngoại vẫn mua ròng gần 273 tỷ đồng trên HOSE. Lực bán ròng mạnh nhất là ở VIC với 589 tỷ đồng, chủ yếu thông qua giao dịch thoả thuận với hơn 533.6 tỷ đồng; tiếp theo là VSH với 326.9 tỷ đồng, CTD với 52.8 tỷ đồng, NBB với 35.4 tỷ… Về phía mua ròng là các mã như SSI với gần 84 tỷ đồng, tiếp theo là BVH với 64 tỷ, MBB với 61 tỷ đồng...
Trên sàn HNX, giá trị mua ròng mạnh của khối ngoại tập trung chủ yếu ở NET với 11.1 tỷ đồng, SHB với 10.4 tỷ đồng và SCR với gần 5.95 tỷ đồng; ngược lại bán ròng chủ yếu VND và NDN với 7.5 tỷ và 6.2 tỷ đồng.
Đối với nhóm cổ phiếu tăng giá mạnh trên sàn HOSE thì có TLH với 21%, PXL với 17.65%, trên sàn HNX là SPI với 27.66%.
(*) Danh sách các cổ phiếu được xét có khối lượng giao dịch trên 100,000 đơn vị.
|