Công chức “nghiện kiểm tra” doanh nghiệp như nghiện ma túy
Nhiều chuyên gia bắt bệnh công chức hiện nay là “nghiện kiểm tra”, cần được “cai nghiện” để doanh nghiệp thật sự là đối tượng được phục vụ.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn trả lời phóng viên bên lề hội nghị về các vấn đề cải thiện môi trường đầu tư, trong đó có cải cách thủ tục hải quan, thuế - Ảnh: Nguyễn Khánh
Đó là vấn đề được nêu tại hội nghị triển khai nghị quyết 19/2016 của Chính phủ do Văn phòng Chính phủ tổ chức ngày 18-5.
Ông Nguyễn Đình Cung, viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) - đơn vị trực tiếp soạn thảo các nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, cho biết tới đây Văn phòng Chính phủ sẽ thành lập đoàn đi kiểm tra, giám sát, thúc đẩy thực hiện nghị quyết với tinh thần theo đến cùng vấn đề, truy đến cùng trách nhiệm chứ không chỉ định kỳ báo cáo tại phiên họp Chính phủ như trước đây.
“Nghiện kiểm tra” như nghiện ma túy
Ông Nguyễn Sơn, phó chủ tịch Hiệp hội Bông sợi VN, cho biết theo quy định, tỉ lệ lấy mẫu kiểm dịch đối với bông nhập khẩu là 50% (ở vùng nguy cơ dịch cao), nhập từ Mỹ hay Úc cũng có tỉ lệ mẫu phải kiểm dịch lên tới 30%.
Do đó với hơn 1 triệu tấn bông được ngành dệt may nhập khẩu vào năm 2015, có đến 17.000-18.000 container bông phải lấy mẫu.
“Với phí 1 triệu đồng/container. Không kể hàng ngàn người, xe cộ, mỗi lô hàng phải ra cảng lấy mẫu rồi chờ kết quả kiểm dịch, thời gian để có kết quả cuối cùng từ 2,5 - 8 ngày trong khi hàng ở cảng chỉ được 5 ngày miễn phí, nên đây là gánh nặng cho doanh nghiệp dù kiểm tra cũng không phát hiện nguy hiểm gì” - ông Sơn bức xúc.
Chưa hết, theo ông Sơn, cơ quan chức năng đang dự thảo quy định bông nhập khẩu phải thêm một quy trình kiểm tra là phân tích nguy cơ dịch hại. “Chưa áp dụng đã hết sức sợ hãi, nếu áp dụng nữa sẽ là kinh hoàng” - ông Sơn nói.
Nghe đến đây, ông Cung chia sẻ rằng có cảm giác công chức “nghiện kiểm tra”. Mà đã nghiện thì khó bỏ. “Chắc đi kiểm tra hấp dẫn lắm nên mới nghiện. Cần bàn tay bác sĩ của anh Lê Mạnh Hà (phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ)” - ông Cung nói, đồng thời cho rằng nếu “cai nghiện” bắt buộc sẽ cải thiện được.
Ông Trần Quang Trung - chủ tịch Hiệp hội Sữa VN - cũng cho rằng hiện tượng “nghiện kiểm tra” của công chức “còn hơn nghiện ma túy”. Theo ông Trung, với nghị quyết 19/2016, tới đây các bộ ngành cần quyết liệt hơn trong việc điều trị dứt căn bệnh “nghiện kiểm tra” này.
Trong tham luận gửi đến hội nghị, Tổng công ty May Nhà Bè tiếp tục “kêu” quy định của Bộ Công thương về việc kiểm tra hàm lượng formaldehyde và amin thơm trong vải nhập khẩu. Doanh nghiệp này cho biết chỉ mất 35 USD chi phí để nhập một lô nguyên liệu về VN, nhưng phải chi tới 100 USD/lô hàng để kiểm định formaldehyde.
“Ngay cả nhập hàng mẫu bằng đường chuyển phát nhanh, chỉ 5-10m với chi phí vận chuyển 5-10 USD, nhưng doanh nghiệp tốn đến 100 USD phí kiểm tra formaldehyde khiến giá thành đội lên, nhưng “kêu” nhiều năm nay vẫn chưa được giải quyết” - doanh nghiệp này cho biết.
Dẫn trường hợp kiến nghị của Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản (Vasep) hơn hai năm qua đã được các bộ, cục ghi nhận nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết, ông Nguyễn Hoài Nam - phó tổng thư ký Vasep - đặt câu hỏi: “Tại sao chủ trương tốt, Chính phủ quyết tâm như thế mà những vấn đề rất cụ thể lại không được giải quyết, không được như nghị quyết yêu cầu?”.
Đừng để đường ngắn nhưng nhiều cạm bẫy
Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn - thứ trưởng Bộ Tài chính - thừa nhận hiện có tới 34% hàng hóa xuất nhập khẩu phải kiểm tra, tương đương trên 84 triệu lô hàng xuất nhập khẩu. “Nó cực kỳ lớn. Phải giảm còn 15%” - ông Tuấn nói, nhưng cái khó là giao dịch qua biên giới có sự quản lý nhà nước của 14 bộ ngành.
“Phải làm rõ cái gì kiểm tra ở cửa khẩu, việc đưa ra tiêu chuẩn hàng hóa cũng cần phù hợp thực tiễn. Doanh nghiệp nhập hàng để gia công rồi xuất ra toàn bộ không thể bắt buộc phải kiểm tra như hàng tiêu thụ trong nước” - ông Tuấn nói.
Theo đề xuất của ông Tuấn, ngay trong tháng 10-2016 cần trình Quốc hội nâng cấp nghị quyết 19/2016 thành luật, thay đổi ngay những điều không hợp lý tại Luật an toàn thực phẩm và Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa đang gây khó cho thông quan hàng hóa.
Trước mắt, với những nhóm hàng hóa đã được Nhật, Mỹ và EU chứng nhận, theo ông Tuấn, VN cũng nên công nhận, không bắt kiểm tra lại. “Chứ chờ họ công nhận ta, ta mới công nhận họ thì doanh nghiệp... khó” - ông Tuấn cho biết.
Ông Nguyễn Đình Cung nhận xét nhiều bộ đã trì trệ trong phối hợp với Bộ Tài chính để giảm thời gian thông quan.
Dẫn cơ chế một cửa quốc gia mới có 2-3 thủ tục được các bộ ngành kết nối để gỡ khó cho doanh nghiệp trong khi có cả trăm thủ tục, ông Cung cho biết các bộ chỉ mới “thực hiện thủ tục ít ảnh hưởng đến quyền lợi của bộ mình, còn cái ảnh hưởng nhiều, tác động tích cực xã hội thì chưa”.
Cũng tại hội nghị, ông Lê Mạnh Hà cho rằng giảm thời gian giải quyết thủ tục là vô cùng quan trọng, nhưng cần đảm bảo không được nhũng nhiễu.
“Đường phải bằng phẳng, chứ không phải ngắn mà toàn cạm bẫy” - ông Hà nói, đồng thời cho rằng ngay cả khi đường ngắn mà nhiều cạm bẫy thì doanh nghiệp vẫn khó đi nhanh.
Theo ông Hà, với tư cách phó Ban chỉ đạo đổi mới phát triển doanh nghiệp, ông sẵn sàng trực tiếp đến làm việc với các bộ ngành để giải quyết đến cùng sự việc như kiểm tra hàm lượng formaldehyde, chứ không để hiệu lực quản lý nhà nước lại kém như vậy.
Dẫn nội dung nghị quyết yêu cầu phải công khai vướng mắc của doanh nghiệp lên trang thông tin điện tử của các bộ, ông Hà cho rằng trong trường hợp doanh nghiệp đề nghị, Thủ tướng có thể đình chỉ ngay văn bản sai của các bộ, ngành bởi các bộ thường có thói quen để “nghiên cứu kỹ”.
* Ông Vũ Ngọc Bảo (phó chủ tịchHiệp hội Giấy và bột giấy VN):
Dứt khoát dẹp bỏ giấy phép con
Với 7.000 giấy phép con đã được Phòng Thương mại và công nghiệp VN thống kê, tôi đề nghị Thủ tướng kiên quyết yêu cầu các bộ, ngành liên quan đang “sở hữu” các giấy phép con phải bỏ ngay lập tức.
Đồng thời cần quy định rõ ràng rằng tất cả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chỉ nên được điều tiết bởi luật và nghị định, không còn cần đến hàng loạt thông tư hướng dẫn chồng chéo khi Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư sắp sửa có hiệu lực vào tháng 7.
Nếu Chính phủ giải quyết dứt điểm được “vấn nạn” giấy phép con, tôi tin chắc cộng đồng doanh nghiệp sẽ có thêm động lực và niềm tin cho quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh vốn đang gặp rất nhiều khó khăn của họ.
T.V.N. ghi
|
C.V.KÌNH - TRUNG HÀ
Tuổi trẻ
|