Thứ Sáu, 13/05/2016 09:16

Cổ tức: chia, không chia?

“Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - VietinBank (CTG) không chia cổ tức trong năm 2015 nhằm bổ sung nguồn vốn tự có, nâng cao năng lực tài chính, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phù hợp với chiến lược phát triển, đồng thời đảm bảo tuân thủ các giới hạn về an toàn vốn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và thông lệ quốc tế” - đây là một trong những nội dung của biên bản họp đại hội đồng cổ đông VietinBank ngày 26-4-2016 được đăng tải trên trang web của HOSE.

Vietcombank là ngân hàng lớn duy nhất làm cổ đông “hả hê” khi quyết định trả 10% cổ tức năm 2015 bằng tiền mặt. Ảnh: Uyên Viễn

VietinBank đã gây bất ngờ cho cổ đông và giới đầu tư vì từ khi niêm yết đến năm ngoái, năm nào ngân hàng cũng chia cổ tức bằng tiền mặt. Năm 2012 cổ tức tiền mặt của VietinBank tới 16%, hai năm 2013-2014 mỗi năm 10%. Tuy nhiên giới tài chính chẳng ngạc nhiên vì họ hiểu nhu cầu tăng vốn tự có đối với các ngân hàng đang hết sức cấp bách.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển - BIDV (BID) cũng có động thái gần như tương tự. Nghị quyết đại hội đồng cổ đông thường niên BIDV ngày 24-4-2016 nêu rõ ngân hàng sẽ chi trả cổ tức bằng cổ phiếu, tỷ lệ 8,5% cho năm 2015. Năm nay cũng là năm đầu tiên kể từ khi lên sàn BIDV không trả cổ tức bằng tiền, hai năm 2013-2014 đều trả 8,5% và 10,2% tiền mặt.

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB) là ngân hàng lớn duy nhất làm cổ đông “hả hê” khi quyết định trả 10% cổ tức năm 2015 bằng tiền mặt, theo Nghị quyết đại hội đồng cổ đông công bố ngày 15-4-2016, cộng thêm phát hành cổ phiếu thưởng tỷ lệ 35%. Chẳng thế mà sau công bố trên, thị giá cổ phiếu VCB chạy từ 40.000 đồng lên 48.600 đồng (giá đóng cửa ngày 6-5-2016) tăng vọt 20%. Trong khi các cổ phiếu khác đang “ế ẩm” bởi dòng tiền rút ra, VCB đã làm cú bứt phá, kéo theo sự lên giá ở một mức nhất định của cổ phiếu ngân hàng.

Đại hội đồng cổ đông Vietcombank ra nghị quyết thế, tuy nhiên quyết định sau cùng VCB có được chia cổ tức hay không, chia như thế nào, ở mức nào, còn phụ thuộc vào “ông chủ” to là NHNN và cả Bộ Tài chính (VietinBank không trả cổ tức thì dĩ nhiên không phải “xin” NHNN).

Một quan chức NHNN cho biết năm nay cơ quan này sẽ xem xét rất kỹ các chỉ tiêu về an toàn hoạt động, nhất là hệ số an toàn vốn (CAR - Capital Adequacy Ratio - vốn tự có trên tổng tài sản có rủi ro), trích lập dự phòng rủi ro, kiểm soát nợ xấu, rồi mới quyết định có cho phép chia cổ tức hay không. Ông thêm rằng các ngân hàng chuẩn bị áp dụng chuẩn Basel II mà theo đó các tiêu chí theo thông lệ quốc tế còn cao hơn. Một cổ đông tổ chức lớn của Vietcombank nói họ ủng hộ phương án không chia cổ tức, lợi nhuận dùng để bổ sung vốn tự có. Họ dẫn chứng giá trị sổ sách cổ phiếu Techcombank cao hơn nhiều ngân hàng là do Techcombank đã từ lâu không chia cổ tức.

Trong cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra giữa tháng 4 vừa qua, trả lời chất vấn của cổ đông, đại diện Vietcombank thừa nhận nhu cầu tăng vốn nhằm tăng năng lực cạnh tranh giữa các ngân hàng đang rất cao. Theo quy định hiện hành, hệ số an toàn vốn của các ngân hàng tối thiểu phải 9% và của Vietcombank hiện đang nhỉnh hơn quy định không đáng kể. Nếu vốn không tăng lên, hệ số trên sẽ giảm nhanh. Năm nay NHNN sẽ áp dụng Basel II cho các ngân hàng hàng đầu, thì hệ số an toàn vốn còn tụt mạnh nữa. Khi đó nếu vẫn giữ nguyên mức vốn hiện tại, hệ số an toàn vốn của Vietcombank sẽ giảm, chỉ còn trên 7%.

VietinBank và BIDV có lẽ đã nhìn ra trước vấn đề, nên cả hai mới dứt khoát không chia cổ tức tiền mặt hay bằng cổ phiếu (như VietinBank). Trong trường hợp NHNN nói “không” với phương án chi trả cổ tức cả bằng tiền và cổ phiếu của Vietcombank, liệu ngân hàng này có phải triệu tập cuộc họp đại hội đồng cổ đông bất thường hay xin ý kiến cổ đông bằng văn bản để điều chỉnh việc chi trả cổ tức theo như quyết định của NHNN?

Nhìn từ góc độ đầu tư, việc được nhận cổ tức bằng tiền là một trong những động lực để cổ đông nắm giữ cổ phiếu và giới đầu tư giải ngân vào cổ phiếu. Thế nhưng đang có những khoảng cách nhất định giữa thị giá cổ phiếu của VCB, BIDV và VietinBank mà thị trường tỏ ra băn khoăn. Hãy thử so sánh các chỉ tiêu của ba tổ chức tín dụng này (xem bảng).

Các số liệu trên đều là số chính thức do chính các ngân hàng công bố và chúng cho thấy các tiêu chí của VCB (có số nọ, số kia) không hơn bao nhiêu so với hai đồng nghiệp nếu không muốn nói một số chỉ tiêu còn thấp hơn. Song sự chênh lệch thị giá cổ phiếu giữa ba ngân hàng lại rất đáng kể. Hiện thị giá của VCB gấp 2,68 lần thị giá BIDV và gấp 2,81 lần thị giá VietinBank. VCB là ngân hàng uy tín, minh bạch, điều đó phản ánh vào thị giá cổ phiếu. Một mức định giá, thí dụ thị giá VCB gấp 2 lần thị giá BIDV và VietinBank có lẽ là công bằng và hợp lý hơn.

Hải Lý

tbktsg

Các tin tức khác

>   MHL: Báo cáo kết quả phát hành cổ phiếu trả cổ tức 2015 (12/05/2016)

>   S74: Quý 2 sẽ trả cổ tức 2014 bằng cổ phiếu tỷ lệ 8% (14/05/2016)

>   ARM: 27/05 GDKHQ nhận cổ tức đợt 2/2015 bằng tiền mặt tỷ lệ 20.5% (13/05/2016)

>   BSC: 24/05 GDKHQ trả cổ tức 2014 và 2015 bằng tiền tỷ lệ 16.5% (13/05/2016)

>   TDN: 24/05 GDKHQ nhận cổ tức 2015 tỷ lệ 6% (13/05/2016)

>   NFC: 19/05 GDKHQ nhận cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 20% (12/05/2016)

>   TPS: 24/05 GDKHQ nhận cổ tức tiền mặt tỷ lệ 17% (12/05/2016)

>   KBT: 10/06 nhận cổ tức 2015 tỷ lệ 22% tiền mặt (12/05/2016)

>   CHP: Đẩy nhanh thời gian chi trả cổ tức (12/05/2016)

>   DPM: 23/05 GDKHQ nhận cổ tức đợt cuối 2015 tỷ lệ 15% (11/05/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật