Vì sao ngân hàng và start-up trở thành bạn tốt?
“Chúng tôi sẽ làm biến mất ngành ngân hàng,” là câu “cửa miệng” của các start-up chuyên về công nghệ tài chính trong vài năm qua, trong khi giới ngân hàng lại cố nghĩ xem cần phải làm gì sau khi mô hình kinh doanh của mình bị các công ty non trẻ ấy tấn công.
Câu nói ấy giờ đây đã thay đổi.
Tại diễn đàn Money 2020 Europe ở Copenhagen, sự kiện công nghệ tài chính lớn nhất của khu vực, các ngân hàng lớn và “những kẻ thách thức” đã có dịp hội ngộ. Và thay vì đấu đá lẫn nhau, thông điệp được đưa ra lại là “hợp tác”. Vì sao lại như vậy?
“Thực tế đòi hỏi phải như vậy”
Các ngân hàng nhận ra rằng có quá nhiều start-up đang thách thức những khía cạnh khác nhau trong mô hình kinh doanh của họ, từ việc chuyển tiền cho đến chuyện cho vay. Nhưng các start-up cũng thừa nhận rằng họ không thể làm chuyện đó một mình.
“Tôi nghĩ đó là một sự tiến hóa tự nhiên, bạn có thể thấy điều đó trong thế giới start-up, nơi mà việc “giết chết” một ngành công nghiệp là rất khó khăn. Ai cũng nghĩ khi nào có lỗ hổng thì trám lại. Mọi người đều khởi đầu một cách tham vọng và rồi thực tế cho thấy mọi chuyện không hề dễ dàng đến thế,” Rob Kniaz, cổ đông sáng lập của công ty tài chính Hoxton Ventures, cho biết.
Có nhiều ví dụ cho thấy ngày càng có nhiều sự hợp tác hơn giữa hai “đối thủ” này. Chẳng hạn như TransferWise, một start-up chuyên về chuyển tiền được định giá đến 1 tỷ USD, đã tích hợp dịch vụ của mình vào một ứng dụng trên smartphone cho LVH, ngân hàng lớn nhất của Estonia. Theo Financial Times, start-up này cũng đang trong quá trình đàm phán với các ngân hàng khác. Một start-up khác của Mỹ là Kabbage cũng vừa hợp tác với Santander, một ngân hàng Tây Ban Nha, để cung cấp vốn vay cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Đối với start-up, một trong những điều hấp dẫn khi làm việc với một ngân hàng lớn chính là vấn đề chuyên môn, chẳng hạn như cách điều hành, một điều mà các công ty mới thành lập thường phải tốn rất nhiều tiền mới hiểu hết được. Và trên hết, tích hợp công nghệ với những ngân hàng tiếng tăm có thể giúp họ sớm “cất cánh”.
“Đổi mới từ bên trong”
Về phía các ngân hàng, họ cũng ngày càng cởi mở hơn trong vấn đề cơ sở hạ tầng của mình, cũng như theo đuổi các vụ đầu tư và thôn tính để cuối cùng là mua được công nghệ.
Chẳng hạn, vào năm 2014, ngân hàng BBVA đã mua lại Simple, một ứng dụng giúp người dùng quản lý tiền của họ. Sau đó vào đầu năm nay, họ đã thuê Shamir Karkal, một trong những đồng sáng lập của Simple, để xây dựng một giao diện chương trình ứng dụng mở, hay còn gọi là API, cho mình. Ý tưởng đó sẽ cho phép các kĩ sư phần mềm xây dựng các ứng dụng trên công nghệ của BBVA. Gần đây, BBVA cũng đầu tư 68 triệu USD vào start-up Atom của Anh, công ty được xem là “kẻ thách thức của ngành ngân hàng”.
Những “ông lớn” khác như Santander, JPMorgan, Barclays và ING cũng đã nhập cuộc. Tất cả họ đều đang làm việc và thu được những thành quả đáng khích lệ cùng với các start-up, một xu hướng mà chắc chắn sẽ tiếp tục diễn ra trong tương lai.
“Chúng tôi đang đổi mới từ bên trong. Nhưng mặt khác rõ ràng là cũng có nhiều ý tưởng hay từ bên ngoài, vì thế chúng tôi đang xem xét nhiều công nghệ tài chính với những đề xuất hữu ích để cải thiện trải nghiệm của khách hàng và sau đó chúng tôi sẽ tìm kiếm sự hợp tác,” Ralph Hamers, CEO của ING, một ngân hàng Đức, cho biết.
Chi nhánh vẫn là điều then chốt?
Có một lý do mà các ngân hàng cần phải tiến thật nhanh. Theo một báo cáo gần đây của ngân hàng Citi, sự phát triển của công nghệ tài chính có thể làm mất đi 1.7 triệu việc làm ở các ngân hàng châu Âu và Mỹ trong thập niên tới.
Đơn giản là vì ngoài các start-up chọn đi theo những phần khác nhau trong mô hình kinh doanh của một ngân hàng, cũng có những start-up được xem là “kẻ thách thức ngành ngân hàng” trực tiếp, đặc biệt là tại Anh. Đây thường là những dịch vụ thuần di động đã có hoặc đang trong quá trình xin cấp phép hoạt động như những ngân hàng thực thụ.
Một trong số này là Tandem. Start-up này tuyên bố họ đang làm một điều mà “các ngân hàng ngày nay không làm”. “Các ngân hàng không giúp bạn quản lý tài chính của mình và đó là mảng mà chúng tôi đang thực hiện”, Ricky Knox, CEO của Tandem, phát biểu tại sự kiện Money 2020.
Tandem cũng như nhiều start-up khác như Mondo của Anh, Number 26 của Đức, hiện có trong tay những ứng dụng cho phép người dùng theo dõi việc chi tiêu và thực hiện những vụ chuyển tiền ra nước ngoài với chi phí thấp. Nhưng mô hình trực tuyến này lại đang gặp phải một trở ngại lớn vì theo nhận xét một “sếp” trong ngành ngân hàng, dù gì thì họ cũng vẫn sẽ cần đến... các chi nhánh.
Martin Blessing, CEO của Commerzbank, cho rằng các dịch vụ hiện tại như “telephone banking” và “internet banking” đều có thể được đẩy nhanh tốc độ, khiến sự khác biệt giữa các ngân hàng mới và ngân hàng truyền thống giảm đi đáng kể. Do vậy, các chi nhánh trở thành một phần quan trọng trong việc thu hút được khách hàng.
“Nếu chúng ta làm tốt và cung cấp những dịch vụ đó đủ nhanh thì sự khác biệt về dịch vụ sẽ được hạn chế, và khả năng phục vụ khách hàng ở các chi nhánh của chúng ta sẽ là yếu tố tạo nên sự khác biệt. Tôi cũng muốn biết là khi nào gặp trục trặc gì thì tôi có thể đích thân tới đâu để giải quyết”, Blessing nói./.
|