Thứ Hai, 11/04/2016 14:50

Vì sao May 10 ngại lên sàn?

Dù đã chuẩn bị các thủ tục và thậm chí chọn sẵn mã chứng khoán để niêm yết, nhưng Công ty cổ phần May 10 lại đang… tìm cách trì hoãn việc lên sàn.

Đầu tháng 11 năm ngoái, khi việc đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và cả Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (hai hiệp định được kỳ vọng mang lại tác động tích cực đến ngành dệt may) đi vào hồi kết, một loạt các doanh nghiệp dệt may trong nước đã công bố kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán. Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hội đồng quản trị May 10, lúc đó trả lời báo chí cũng cho biết, công ty của ông cũng đã chuẩn bị thủ tục để niêm yết trên sàn HNX. Thậm chí, May 10 còn chọn sẵn mã giao dịch chứng khoán là M10.

Cổ phiếu “hot”

Quả thực là dệt may đang trở thành một lĩnh vực đang rất “hot” với nhiều nhà đầu tư trên sàn chứng khoán, nhờ vào hiệu ứng TPP và FTA Việt Nam – EU. Cổ phiếu của các công ty may lớn liên tục được săn đón trên thị trường. Sức nóng của cổ phiếu ngành may mặc càng tăng nhiệt, sau khi Tổng công ty cổ phần May Việt Tiến đưa 28 triệu cổ phiếu lên giao dịch trên sàn UPCoM với giá khởi điểm 40.000 đồng/cổ phiếu. Ngay lập tức, số cổ phiếu đó đã được bán sạch. Số lượng đặt mua thậm chí còn nhiều hơn cả số cổ phiếu được phát hành trên thị trường.

Trong bối cảnh như vậy, một công ty may lớn đã khẳng định được thương hiệu như May 10 khi lên sàn chắc chắn cũng có sức hấp dẫn không nhỏ với các nhà đầu tư. Hiện vốn điều lệ của công ty là 100 tỷ đồng. Theo báo cáo của May 10, tổng tài sản của công ty hiện tại vào khoảng 2.000 tỷ đồng. Doanh thu của công ty đã tăng 5 lần trong vòng 10 năm qua, từ 552 tỷ đồng năm 2005 lên 2.700 tỷ đồng năm 2015. Cùng kỳ, thu nhập trung bình của người lao động cũng tăng từ 1,5 triệu đồng lên 6,5 triệu đồng/tháng.

Với 18 nhà máy ở nhiều nơi như Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Bắc Ninh, May 10 là một trong số ít các công ty thuộc Tập đoàn Dệt May đang ăn nên làm ra ở cả thị trường nội địa và thị trường nước ngoài. Cách đây hơn 3 năm, May 10 đã tạo ra thương hiệu Eternity GrusZ như là một phần trong chiến lược nâng cao giá trị gia tăng mặt hàng dệt may của công ty, thay vì chỉ nhận những đơn hàng gia công có giá trị thấp từ các công ty nước ngoài. Mục đích là biến Eternity GrusZ thành một thương hiệu thời trang sang trọng có sức cạnh tranh ngang ngửa với những thương hiệu thời trang ngoại nổi tiếng. Có thể nói rằng sau, Việt Tiến, May 10 là cái tên được các nhà đầu tư quan tâm đến lĩnh vực dệt may trên sàn chứng khoán mong chờ nhiều nhất. Nhưng nếu như nhà đầu tư mong chờ bao nhiêu thì những người đứng đầu May 10 lại muốn… trì hoãn bấy nhiêu.

Nỗi sợ bị thâu tóm

“Đây là câu chuyện rất đau đầu,” một lãnh đạo cấp cao của May 10 đã chia sẻ như vậy khi nói về việc “phải” lên sàn chứng khoán. Theo vị lãnh đạo này, May 10 không hề có nhu cầu niêm yết trên sàn chứng khoán. Nhưng dù có không muốn, May 10 cũng vẫn phải làm, chỉ là sớm hay muộn. Vì theo Quyết định số 51/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về thoái vốn, bán cổ phần và niêm yết cổ phiếu của các công ty có vốn nhà nước, các doanh nghiệp đã cổ phần hóa chuyển thành hình thức công ty cổ phần trước ngày 1/11/2014 sẽ phải hoàn tất việc đăng ký giao dịch và niêm yết trước ngày 1/11/2015.

Đáng lẽ ra, May 10 đã phải hoàn tất việc niêm yết từ trước tháng 11 năm ngoái theo quyết định trên của Thủ tướng. Chủ tịch của May 10, ông Vũ Đức Giang, người kiêm chức Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, khi trả lời báo chí tháng 11 năm ngoái cũng cho rằng, nhiều doanh nghiệp dệt may niêm yết trên sàn là “bị ép buộc theo quy định của Chính phủ”.

Nếu các nhà đầu tư nước ngoài với tiềm lực tài chính dồi dào chiếm dần quyền chi phối doanh nghiệp, May 10 sẽ không còn là một công ty  Việt Nam nữa.

Lý do gì khiến May 10 sợ phải niêm yết trên sàn chứng khoán đến như vậy? Những người đứng đầu công ty sợ rằng, khi niêm yết trên sàn chứng khoán, May 10 sẽ dần dần bị các nhà đầu tư nước ngoài thâu tóm. Họ sợ rằng những truyền thống và thành quả mà bấy lâu nay họ dày công xây dựng sẽ nhanh chóng mất đi nếu doanh nghiệp nằm trong tay những nhà đầu tư nước ngoài.

Trong khi đó, May 10 lại không có nhu cầu huy động vốn trên sàn chứng khoán. Lãnh đạo công ty tiết lộ, tài chính của May 10 vài năm trước cũng không dồi dào lắm, nhưng nhờ có uy tín nên mỗi khi cần đầu tư, May 10 có thể vay được khá dễ dàng từ các khách hàng của mình. Nguồn vốn để đầu tư phát triển các nhà máy mới lúc nào cũng có sẵn. Mỗi khách hàng có thể cho May 10 vay từ 1-2 triệu USD, lãi suất bằng 0% và trả trong 7 năm.

Làm sao để vẫn là công ty Việt Nam?

May 10 đã cổ phần hóa từ năm 2005 và hiện có 1.200 cổ đông. Nhà nước vẫn giữ 35% cổ phần, 65% còn lại do các tổ chức và nhà đầu tư cá nhân nắm giữ. Hơn ai hết, những người đứng đầu Công ty May 10 bây giờ hiểu rằng, chính cổ phần hóa đã giúp cho doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ được như ngày hôm nay.

Theo ông Giang, từ khi May 10 chuyển đổi thành doanh nghiệp cổ phần đến nay, các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh liên tục được cải thiện, năm sau cao hơn năm trước, vị thế thương hiệu cũng mạnh hơn trên thị trường trong nước và quốc tế. Nhờ đó, doanh thu năm 2015 cũng đã tăng gấp 5 lần năm 2005 – thời điểm bắt đầu cổ phần hóa. Ông Giang chia sẻ rằng, cổ phần hóa đã giúp công ty đưa ra những quyết định đầu tư và kinh doanh nhanh hơn, tận dụng tốt những cơ hội làm ăn.

Với kinh nghiệm của mình, ông Giang còn tự tin nhận định, nếu trở thành công ty 100% vốn tư nhân thì May 10 sẽ “bứt phá” ngay lập tức. Nhưng ông cũng nói thêm, trở thành công ty 100% vốn tư nhân là tốt cho May 10, song niêm yết trên sàn thì các nhà đầu tư nước ngoài, với tiềm lực tài chính dồi dào, sẽ sẵn sàng bỏ ra những khoản tiền lớn để mua số lượng lớn cổ phiếu của công ty, từ đó chiếm dần quyền chi phối. Nếu như vậy, May 10 sẽ không còn là một công ty Việt Nam nữa.

Có một sự khác biệt giữa May 10 và nhiều công ty may khác khi cổ phần hóa là May 10 vẫn duy trì được một chính sách hỗ trợ cho công nhân khá tốt, giống như công ty đã từng làm trước khi cổ phần hóa. Ngoài chính sách lương, thưởng, công ty vẫn duy trì các trạm y tế, khu nhà ở cho công nhân và cả các trường mẫu giáo cho con em họ. Lãnh đạo May 10 lo ngại, nếu như nhà đầu tư nước ngoài chi phối công ty, chính sách và truyền thống đó của May 10 sẽ khó mà duy trì được.

Nhưng dù trì hoãn thế nào đi nữa, công ty này cuối cùng vẫn sẽ phải niêm yết trên sàn chứng khoán. Vấn đề chỉ là những người đứng đầu công ty sẽ chèo lái con thuyền May 10 thế nào để tránh bị nhà đầu tư nước ngoài thâu tóm.

dđdn

Các tin tức khác

>   Cổ phiếu bất chợt bị hủy niêm yết: UPCoM đã là cửa thoát? (14/04/2016)

>   MBS: Thay đổi số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành (11/04/2016)

>   15/04 là ngày giao dịch đầu tiên của Xuất nhập khẩu than - Vinacomin tại HNX (11/04/2016)

>   MWG: Thông báo thay đổi số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành (08/04/2016)

>   HCM: Thông báo thay đổi số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành (08/04/2016)

>   TDH: Thông báo thay đổi số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành (08/04/2016)

>   DHC: Thông báo về việc niêm yết và giao dịch cổ phiếu thay đổi niêm yết (08/04/2016)

>   HDG: Quyết định thay đổi niêm yết (08/04/2016)

>   Novaland sẽ niêm yết tại HOSE vào quý 2/2017 (08/04/2016)

>   DBC: Ngày 14/04/2016, ngày giao dịch đầu tiên 12,548,036 cổ phiếu niêm yết bổ sung (07/04/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật