Thứ Hai, 11/04/2016 09:23

Tiền đâu để DRH mua KSB và mục đích để làm gì?

Quyết định chi khoảng 100 tỷ đồng để mua 10% vốn tại KSB của DRH khiến không ít nhà đầu tư bất ngờ bởi bản thân doanh nghiệp này cũng đang cần huy động nguồn vốn.

Ngày 28/03, CTCP Đầu tư căn Nhà Mơ Ước (HOSE: DRH) đã chính thức trở thành cổ đông lớn của CTCP Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (HOSE: KSB) khi mua 2,340,000 cp KSB, tương đương 10% vốn.

Xét tại mức giá giao dịch của KSB trong phiên đó thì DRH đã chi khoảng 100 tỷ đồng để sở hữu gần 10% vốn. Đây là số tiền không quá lớn nhưng đối với DRH tại thời điểm này là cả một vấn đề.

Theo đó, tại thời điểm 31/12/2015, DRH chỉ có lượng tiền và tương đương tiền chưa đến 4 tỷ đồng (đầu năm là hơn 10 tỷ đồng). Công ty có khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng và phải thu khác gần 39 tỷ đồng nhưng không là gì so với khoản nợ ngắn hạn gần 107 tỷ đồng, trong đó vay nợ ngắn hạn hơn 43 tỷ đồng.

Mặc dù tại thời điểm cuối năm 2015, DRH có khoản lợi nhuận chưa phân phối hơn 16.6 tỷ đồng nhưng nếu muốn sử dụng khoản này thì phải xin ý kiến của cổ đông.

Đó là chưa kể DRH đang tập trung lớn nguồn lực để quay trở lại trong lĩnh vực bất động sản sau nhiều năm “sống” nhờ kinh doanh phân bón. Và để thực hiện việc này, tại ĐHĐCĐ bất thường 2015 diễn ra vào ngày 05/12/2015, cổ đông DRH đã thống nhất phương án phát hành hơn 30.6 triệu cổ phần cho cổ đông chiến lược, huy động vốn hơn 306 tỷ đồng nhằm mục đích đầu tư dự án bất động sản tại Quận 7 – TPHCM và dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Lộc An tại Vũng Tàu.

Cho đến hiện nay thì DRH vẫn chưa thực hiện phát hành số cổ phần nói trên.

Vậy DRH đã sử dụng nguồn tiền nào để đầu tư vào KSB?

Trao đổi với người viết, ông Phan Tấn Đạt – Tổng Giám đốc DRH cho biết, nguồn vốn sử dụng để mua cổ phần KSB một phần từ vốn tự có và vay từ các cổ đông của Công ty. Mục đích việc mua KSB không gì ngoài đầu tư tài chính.

Ông Đạt cũng khẳng định việc sử dụng nguồn vốn để đầu tư vào KSB hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến nguồn vốn kinh doanh cho hai dự án bất động sản mà Công ty đang triển khai, hiện các dự án đã bắt đầu xuống cọc.

Đối với việc phát hành riêng lẻ cho cổ đông chiến lược, ông Đạt cũng chia sẻ là hai bên đã xong thủ tục nộp tiền vào ngày 06/04. Các đối tác mua cổ phần trong lần này là những cá nhân trong nước.

Cổ phiếu KSB còn hấp dẫn để đầu tư?

Trong năm 2015, KSB trở thành một trong những cổ phiếu có mức sinh lợi khủng nhất thị trường chứng khoán khi tăng hơn 68%, từ mức giá 21,300 đồng/cp để lên trên mức 35,000 đồng/cp.  Song, khối lượng giao dịch trong giai đoạn này chỉ hơn 53,000 đơn vị/phiên.

Trong tháng đầu năm 2016, KSB liên tục điều chỉnh, có lúc rời về sát 30,000 đồng/cp. Tưởng chừng sóng tăng cổ phiếu này đã kết thúc thì một lần nữa thông báo thoái vốn SCIC được công bố vào 20/02 đã kích động thêm một con sóng mới tại KSB.

Theo đó, tính đến hết phiên giao dịch ngày 07/04, KSB đóng cửa tại 42,600 đồng/cp, ghi nhận mức tăng hơn 18% so với đầu năm 2016 và tăng hơn 100% so với thời điểm đầu năm 2015. Còn so với thời điểm niêm yết thì KSB đã tăng hơn 310%!

Biến động giá cổ phiếu KSB từ năm 2015

Nguồn: http://ptkt.vietstock.vn/

Vậy với mức tăng như vậy thì liệu rằng KSB có còn đủ hấp dẫn để nhà đầu tư tham gia mua vào lúc này? Trả lời câu hỏi này sẽ rất khó bởi thị trường luôn có những lý lẽ riêng của nó. Theo một báo cáo phân tích của CTCK Bản Việt (VCSC) thực hiện vào cuối năm 2015, đã khuyến nghị các nhà đầu tư trung và dài hạn có thể tiếp tục chiến lược mua và nắm giữ KSB với mục tiêu 47,000 đồng/cp.

Trở lại với hoạt động kinh doanh KSB, năm 2015, doanh thu thuần của KSB đạt hơn 737 tỷ, tăng 18% so với 2014 và vượt 9% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế tăng gần 30%, đạt 125 tỷ đồng và vượt 23% kế hoạch năm. Hoạt động kinh doanh KSB trong 4 năm trở lại đây tăng trưởng ổn định, doanh thu tăng trưởng 23% qua 4 năm.

Tình hình hoạt động kinh doanh của KSB từ năm 2012-2015

ĐVT: triệu đồng

KSB đang sở hữu mỏ đá Tân Đông Hiệp, vốn là thế mạnh kinh doanh của Công ty với đóng góp hơn 50% doanh thu khoáng sản. KSB cũng lên kế hoạch mua lại mỏ đá Minh Hòa (là mỏ đá duy nhất được mở mới tại Bình Dương, trữ lượng ước tính khoảng 15 triệu m3), đồng thời tăng cường khai thác mỏ đá Phước Vĩnh và Tân Mỹ để bù đắp sản lượng khai thác khi mỏ Tân Đông Hiệp đóng cửa.

Các mỏ khoáng sản KSB đang khai thác

(Nguồn: Báo cáo phân tích của VCSC ngày 13/11/2015)

Hiện nay KSB đã có kế hoạch tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2016 trong tháng 4 này nhưng vẫn chưa thấy Công ty công bố kế hoạch kinh doanh năm 2016.

Chủ tịch Gỗ Trường Thành tham gia HĐQT của KSB

Ngày 04/04, HĐQT KSB thống nhất việc bổ nhiệm ông Võ Trường Thành giữ chức Thành viên HĐQT nhiệm kỳ này kể từ ngày 04/04 đến hết năm 2018. HĐQT sẽ trình ĐHĐCĐ thường niên 2016 phê chuẩn những nội dung trên. Hiện ông Võ Trường Thành hiện đang giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (HOSE: TTF).

Theo thông tin từ TTF, cá nhân ông Võ Trường Thành đã đầu tư tại KSB từ lâu, hiện số cổ phần nắm giữ khoảng mấy trăm ngàn cổ phần.

Gần đây, tại KSB có khá nhiều biến động về cổ đông lớn. Trong đó, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã bán toàn bộ hơn 11.7 triệu cp KSB, chiếm tỷ lệ 50.05% vốn hồi đầu tháng 3. Thay vào đó, đến cuối tháng 3, CTCP Đầu tư căn nhà mơ ước (HOSE: DRH) đã mua 2,334,930 cp KSB, ứng với tỷ lệ 9.98% KSB và trở thành cổ đông lớn.

Các tin tức khác

>   Đấu giá theo lô gần 20% vốn Du lịch Thanh Hóa, giá khởi điểm 48,600 đồng/cp (11/04/2016)

>   CT6: Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đăng ký bán 801,000 cp (09/04/2016)

>   V12: Nguyễn Duy Ước - Ủy viên HĐQT, Phó Tổng Giám đốc - đã mua 10,000 CP (08/04/2016)

>   PGI: Đăng ký bán gần 1.4 triệu cp quỹ (11/04/2016)

>   PTL: BIDV đã bán 270,000 cp (10/04/2016)

>   TMS: Báo cáo kết quả giao dịch mua lại cổ phiếu quỹ (08/04/2016)

>   TNA: Thông báo giao dịch cổ phiếu của người có liên quan đến CĐNB Nguyễn Thị Hoàng (08/04/2016)

>   ITS: Nguyễn Văn Sỹ - Phó Tổng Giám đốc - đăng ký bán 70,946 CP (08/04/2016)

>   DBT: Báo cáo sở hữu của cổ đông lớn - bà Lê Thị Trúc Linh (08/04/2016)

>   SVC: Finansia Syrus Securities Public đã mua 48,450 cp  (11/04/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật