PMI tháng 3 đạt 50.7 điểm, số lượng đơn hàng mới tăng nhanh
Lĩnh vực sản xuất của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng vào cuối quý 01/2016 khi số lượng đơn đặt hàng mới tăng nhanh hơn. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng vẫn khiêm tốn và việc làm giảm nhẹ so với tháng 02/2016. Trong khi đó, giá cả đầu vào đã tăng lần đầu tiên trong 9 tháng.
Chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất ở Việt tăng nhẹ 0.4 điểm so với tháng trước, đạt 50.7 điểm trong tháng 03/2016 cho thấy sức khỏe lĩnh vực sản xuất tiếp tục cải thiện, các điều kiện kinh doanh đã tốt lên trong suốt bốn tháng qua nhờ số lượng đơn đặt hàng mới (bao gồm đơn hàng xuất khẩu) tăng nhanh.
Số lượng đơn đặt hàng mới tăng đã tiếp tục làm tăng sản lượng sản. Tuy nhiên, chỉ lĩnh vực sản xuất hàng hóa tiêu dùng có sự tăng trưởng, các lĩnh vực hàng hóa khác sản lượng bị giảm.
Việc tăng số lượng đơn đặt hàng mới cũng góp phần làm tăng lượng công việc tồn đọng. Mặc dù vậy, việc làm đã giảm nhẹ, kết thúc thời kỳ tăng việc làm kéo dài ba tháng. Số lượng nhân công đã giảm tại các công ty sản xuất hàng hoá trung gian, nhưng lại tăng ở các công ty sản xuất hàng hóa tiêu dùng và hàng hóa đầu tư cơ bản.
Sau 8 tháng giảm giá, chi phí đầu vào đã tăng trong tháng 3/2016. Áp lực chi phí mạnh hơn đã làm giá cả đầu ra giảm chậm nhất trong thời kỳ giảm giá kéo dài 18 tháng hiện nay. Tuy nhiên, sự cạnh tranh và tình trạng tiếp tục giảm giá một số nguyên vật liệu đã làm giá cả đầu ra tiếp tục giảm.
Các nhà sản xuất ở Việt Nam đã tăng hoạt động mua hàng trong tháng 3/2016 phù hợp với mức tăng số lượng đơn đặt hàng mới. Mặc dù vậy, tình trạng công suất dư thừa tiếp tục diễn ra với các nhà cung cấp đã làm cho thời gian giao hàng lần đầu tiên được rút ngắn kể từ tháng 11 năm ngoái.
Tốc độ giảm tồn kho hàng mua tại các công ty sản xuất của Việt nam đã chậm lại so với tháng trước. Tồn kho hàng thành phẩm cũng giảm với tốc độ nhanh nhất trong 25 tháng, do hàng hóa được chuyển giao cho khách hàng và hàng tồn kho được dùng để đáp ứng các đơn đặt hàng.
Bình luận về dữ liệu khảo sát PMI ngành sản xuất Việt Nam, đại diện công ty khảo sát chia sẻ:
Nhìn lại kết quả khảo sát PMI, một chuyên gia của Markit (công ty thu thập kết quả khảo sát) nhận xét, lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đã có một kết quả hoạt động vững chắc nhưng không thực sự ấn tượng trong tháng 3 như đã từng diễn ra trong suốt quý 1 của năm nay. Tuy nhiên, đã có những dấu hiệu tích cực về số lượng đơn đặt hàng khi sản lượng đã tăng. Trong khi đó, thời kỳ giảm chi phí đầu vào gần đây đã kết thúc, nhưng các công ty vẫn có thể được hưởng lợi từ một môi trường lạm phát yếu để duy trì vị thế cạnh tranh./.
|