Thứ Năm, 07/04/2016 09:45

Mở cửa thị trường, Activist Investor có trở thành nỗi ám ảnh với người đứng đầu doanh nghiệp?

Thị trường chứng khoán Việt Nam ngày càng rộng cửa với khối ngoại nhờ quyết định nới room hay triển vọng nâng hạng thị trường, trong đó sự xuất hiện của những nhà đầu tư ở vị thế chủ động - Activist Investor sẽ không còn là chuyện hiếm. Tuy nhiên, liệu những câu chuyện như của Red River Holding có phổ biến?

Theo mô tả của Economist, nhà đầu tư chủ động – Activist Investor hoạt động giống như chính trị gia trong chiến dịch tranh cử, họ mua lượng lớn cổ phần và giành lấy sự ủng hộ của các cổ đông để được có mặt trong HĐQT, thường đưa ra các yêu cầu công ty cắt giảm chi phí; chia nhiều tiền mặt cho cổ đông… Nói cách khác, Activist Investor sẽ làm những điều có lợi nhất cho chính bản thân họ nhằm mục đích thu lợi nhuận trong ngắn hạn.

Sự “nổi tiếng” của Red River Holding

Trên thế giới, các Activist Investor rất phổ biến, thậm chí có thể coi là điều tất yếu đối với những thị trường chứng khoán phát triển. Những cái tên quen thuộc như Carl Icahn - ông chủ của Icahn Enterprises, David Einhorn của Greenlight Capital, Nelson Peltz của Trian Partners, Dan Loeb của Third Point, Paul Singer của Elliot Management hay Bill Ackman của Pershing Square từng được nhắc đến như những cái tên xuất sắc trong giới Activist Investor trên thế giới.

Mặc dù được “tiếng tốt” với các cổ đông nhưng cách thức hoạt động của một số Activist Investor thường là những cái “gai” trong mắt của những nhà quản trị doanh nghiệp, bởi phần lớn chiến lược của những nhà đầu tư này là tập trung vào thu lợi nhuận trong ngắn hạn thông qua việc đòi tăng cổ tức, mua lại cổ phiếu với giá cao... Đầu năm 2015, Jana Partners – một Activist Investor nắm giữ một lượng lớn cổ phiếu (giá trị khoảng 2 tỷ USD) của nhà sản xuất chip di động hàng đầu thế giới là Qualcomm đã gây áp lực yêu cầu Qualcomm cắt giảm chi phí, đẩy mạnh mua lại cổ phiếu, tăng cổ tức bằng tiền mặt và thay đổi cấu trúc lương cho bộ máy điều hành. Và kết quả là hãng chip thuộc hàng lớn nhất thế giới này đã thông qua việc mua lại số cổ phiếu trị giá 15 tỷ USD và tăng cổ tức quý lên 48 cent/cp từ 42 cent/cp.

Đối với thị trường Việt Nam, các quỹ hoạt động theo định hướng này không phải hiếm, tuy nhiên gây nhiều “điều tiếng” nhất có thể kể đến Red River Holding (RRH). Danh mục đầu tư của RRH trải rộng với nhiều mã cổ phiếu khác nhau, nhưng với những mã cổ phiếu mà quỹ này nắm một lượng đủ lớn để có quyền tác động đến hoạt động kinh doanh như của Nhựa Ngọc Nghĩa (NNG), Vicostone (VCS) hay Everpia Việt Nam (EVE), thì đều phát sinh những mẫu thuẫn với các HĐQT trong thời gian quỹ này nắm giữ với điểm chung là sự bất đồng trong việc đưa ra các quyết định liên quan đến tài sản công ty.

Điển hình như tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2014 của EVE, RRH đã phủ quyết toàn bộ các tờ trình. Lý do là RRH phản đối kế hoạch chi trả cổ tức năm 2013 với tỷ lệ 11% bằng tiền. Thay vào đó, RRH đòi hỏi nâng tỷ lệ lên 35%, trong đó 15% bằng tiền, còn lại bằng cổ phiếu. Trường hợp tại VCS cũng tương tự, khi RRH phủ quyết toàn bộ các tờ trình tại ĐHĐCĐ thường niên 2012 nhằm gây áp lực đối với ban điều hành về việc muốn đưa thêm người vào HĐQT. Đối với NNG, “tình cảm” giữa RRH và HĐQT công ty bắt đầu sứt mẻ khi hoạt động kinh doanh của NNG gặp khó khăn, tình hình chi trả cổ tức không còn đảm bảo. Khi đó, RRH đã liên tục hối thúc NNG lên sàn để thực hiện chốt lời khoản đầu tư, cùng với đó là đề nghị NNG mua lại cổ phiếu với mức giá ngất ngưởng 57,000 đồng/cp vào giữa năm 2013, khi mới lên sàn vào cuối tháng 3/2015, giá NNG còn ở mức 20,000 đồng/cp.

Trước đó, một câu chuyện tương tự cũng diễn ra tại CTCP Bảo vệ Thực vật An Giang, khi những quỹ đầu tư như VOF và DWS Vietnam Fund đã phải rút lui để nhường chỗ cho quỹ Standard Chartered Private Equity (SCPE) thuộc ngân hàng Standard Chartered và Tập đoàn Jardines của Hồng Kông, bởi những mâu thuẫn về định hướng trong điều hành.

Activist Investor "hoạt động" như thế nào?

Trao đổi với người viết, TS Alan Phạm, Kinh tế trưởng của VinaCapital cho rằng, tư duy Activist của những quỹ đầu tư nước ngoài đã có từ rất lâu và Red River Holding chỉ là một trong số đó – Tư duy đầu tư này là việc nắm giữ cổ phiếu của các công ty với một mức độ đủ lớn để có tiếng nói trong HĐQT, từ đó tác động đến hoạt động kinh doanh. Còn ở TTCK Việt Nam, phần nhiều các nhà đầu tư tham gia là cá nhân, nhỏ lẻ với mục đích chính là sở hữu cổ phiếu nhằm kiếm lời từ chênh lệch giá hoặc cổ tức thay vì can thiệp vào quản trị.

Theo TS Alan Phạm, thực tế thì quy trình từ lúc một Activist Investor nghiên cứu cho đến đến khi rút khỏi một công ty thường trải qua một số bước nhất định. Đầu tiên, Activist Investor thường quan sát các công ty trên thị trường, thông qua các số liệu từ BCTC và TTCK để tìm kiếm những công ty kết quả kinh doanh tốt nhưng chưa phản ánh đúng vào giá cổ phiếu; những công ty có tiềm lực nhưng chưa phát triển hoặc những đơn vị có lượng tiền mặt lớn. Sau đó, Activist Investor sẽ mua cổ phiếu các công ty này và thường mua với khối lượng khá lớn, như đối với thị trường Mỹ là thường nắm giữ từ 5% trở lên. Khi đủ lượng cổ phần cần thiết, các Activist Investor này thường đưa người vào HĐQT để đại diện cho phần vốn và đưa ra các định hướng cho hoạt động kinh doanh của công ty. Nếu không đạt được thỏa thuận, Activist Investor thường tìm đến các cổ đông khác để tìm tiếng nói chung, đồng thời tăng áp lực lên HĐQT. Nếu như ý định này không thành công, thông tin về tranh chấp sẽ được gửi đến các tờ báo lớn (đối với trường hợp của Mỹ thường là tờ Wall Street Journal) và cuối cùng là tìm đến Tòa Án với lý do HĐQT chèn ép quyền lợi của cổ đông. Tuy vậy, khá ít trường hợp từng được ghi nhận đi đến bước cuối cùng, thông thường HĐQT thường nhượng bộ hoặc sẽ tìm cách đẩy người đại diện của Activist Investor ra khỏi cơ cấu nhân sự.

Trường phái của các Activis Investor thường chia làm 2 hướng. Có những Activist Investor đầu tư vào doanh nghiệp với định hướng dài hạn, tức từ hỗ trợ hoạt động kinh doanh từ đó làm tăng giá trị doanh nghiệp dẫn tới tăng giá trị phần vốn mà Activis Investor này sở hữu, đồng thời cũng giúp giá cổ phiếu phản ánh đúng hơn giá trị doanh nghiệp. Tuy nhiên, trường hợp thứ 2 tương tự như Red River Holding là tập trung vào mục đích lợi nhuận trong ngắn hạn thông qua các chính sách liên quan đến giải phóng những tài sản của công ty, hướng tới chính sách cổ tức cao hơn.

“Một khi TTCK Việt Nam mở cửa hơn, trường hợp các Activist Investor sẽ xuất hiện nhiều hơn trên TTCK. Tư duy chủ động khi mang tiền đi đầu tư của các quỹ ngoại sẽ trở nên phổ biến hơn tại thị trường Việt Nam” – TS Alan Phạm nhận định về xu hướng khi TTCK dần mở cửa trong thời gian tới.

Giải pháp nào để dung hòa với Activist Investor?

Khác biệt về tư duy quản trị doanh nghiệp và đầu tư là nguyên nhân căn bản dẫn đến bất đồng giữa chủ doanh nghiệp và quỹ đầu tư chủ động. Các quỹ đầu tư, cho dù hoạt động theo định hướng nào cũng đều hướng đến lợi nhuận là mục tiêu cuối cùng, do đó bên cạnh việc hỗ trợ hoạt động kinh doanh để tác động đến giá cổ phiếu, thường có khuynh hướng tác động đến doanh nghiệp để giảm bớt lượng tiền mặt dư thừa và các tài sản lớn nhằm chia cổ tức với tỷ lệ cao hơn. Trong khi đó, những người quản lý doanh nghiệp thường muốn giữ lại phần lợi nhuận để tái đầu tư hoặc duy trì một quỹ tiền mặt để tận dụng các cơ hội kinh doanh mới.

 Để giải bài toán liên quan đến Activist Investor đối với các doanh nghiệp trên TTCK Việt Nam trong tương lai nếu trường hợp tiêu cực xảy ra, theo TS Alan Phạm là rất khó.

“Cổ phiếu của các doanh nghiệp được niêm yết công khai và tự do mua bán, đặc biệt khi thông qua vấn đề nới room thì việc tham gia của các NĐT nước ngoài càng mạnh hơn. Khi đó, không thể cấm các NĐT mua một lượng lớn cổ phiếu của doanh nghiệp, đồng thời cũng không thể đoán biết trước ý định của những NĐT này khi thực hiện đầu tư” – TS Alan Phạm nhận xét.

Trong trường hợp muốn giảm sự tác động bằng việc giảm sở hữu của các Activist Investor, theo TS Alan Phạm, HĐQT có thể nghĩ tới phương pháp sử dụng cổ phiếu ESOP hoặc áp dụng cổ phiếu không có quyền biểu quyết (NVDR)./.

Các tin tức khác

>   SIC: Báo cáo tài chính năm 2015 (04/04/2016)

>   SD7: Báo cáo tài chính năm 2015 (Công ty mẹ) (04/04/2016)

>   SD7: Báo cáo tài chính năm 2015 (04/04/2016)

>   QHD: Báo cáo tài chính năm 2015 (04/04/2016)

>   C47: BCTC Quý 02.2015 (03/04/2016)

>   PNJ: Quý 1/2016 lãi sau thuế gần 120 tỷ đồng (02/04/2016)

>   VT1: Báo cáo tài chính năm 2015 (02/04/2016)

>   TOP: Báo cáo tài chính năm 2015 (02/04/2016)

>   SSG: Báo cáo tài chính năm 2015 (02/04/2016)

>   SGN: Báo cáo tài chính năm 2015 (02/04/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật