Hạn hán, xâm nhập mặn đã trầm trọng đến mức nào?
Tại kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khoá 13 vừa bế mạc ngày 12/4 vừa qua, thêm một nỗi lo được nhắc đến với mât độ dày hơn và mức độ lo lắng cao hơn.
Hạn hán ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
|
Đó là nỗi lo mang tên hạn hán, xâm nhập mặn.
Mức độ trầm trọng của nó đã khiến Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá - ông Lê Nam - đặt vấn đề khi thảo luận về các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ tại nghị trường mà ông ví như những “bức tranh đẹp”, rằng có “xung đột” không khi mà miền Tây Nam Bộ vốn trù phú và hiền hoà đang lùi dần vào dĩ vãng, một Tây Nguyên đang khô khát giữa tháng 3.
Sự “xung đột” này có lẽ rõ nét hơn qua những con số tại bản báo cáo của Bộ trưởng Nông nghiêp và Phát triển nông thôn gửi đến các vị đại biểu Quốc hội.
Bộ truởng khái quát, từ cuối năm 2014, do ảnh hưởng của El Nino mạnh, kéo dài nhất trong lịch sử, nền nhiệt độ tăng cao, lượng mưa và dòng chảy thiếu hụt, hạn hán, xâm nhập mặn đã xảy ra gay gắt, gây thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống nhân dân, đặc biệt là ở các khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long.
Khu vực Nam Trung Bộ vụ đông xuân 2015 - 2016 đã có gần 23.000 ha đất lúa phải dừng sản xuất do thiếu nước, trên 30.000 hộ gia đình bị thiếu nước sinh hoạt.
Hạn hán ở khu vực này sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến vụ hè thu 2016, nguy cơ 47.000 ha đất lúa phải dừng sản xuất. Hạn hán, thiếu nước cho cây trồng sẽ ảnh hưởng đến hầu hết các địa phương trong khu vực, Bộ trưởng thông tin thêm.
Ở khu vực Tây Nguyên, con số được nêu tại báo cáo là hồ chứa thuỷ lợi chỉ đạt 30 - 40% dung tích thiết kế, 2.350 ha diện tích trồng lúa phải dừng sản xuất, 4.800 ha diện tích trồng lúa phải chuyển đổi sang cây trồng cạn do thiếu nước.
Đồng thời, 36.000 hộ gia đình bị thiếu nước sinh hoạt, thời gian tới sẽ tăng lên khoảng 60.000 hộ.
Đáng chú ý là hạn hán đã bắt đầu gay gắt và sẽ nặng nề nhất vào khoảng cuối tháng 4/2016. Nếu mùa mưa đến muộn (tháng 5/ 2016 chưa có mưa), tình trạng hạn hán sẽ rất trầm trọng.
Với khu vực đồng bằng sông Cửu Long thì phạm vi xâm nhập mặn vào đất liền sâu nhất lên đến hơn 90 km (chưa từng xuất hiện trong lịch sử quan trắc xâm nhập mặn). Đến nay đã có 11/13 tỉnh/thành phố vùng này bị ảnh hưởng do xâm nhập mặn, sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại nặng nề, thiếu nước ngọt nghiêm trọng.
Cụ thể, tổng diện tích cây trồng thiệt hại từ cuối năm 2015 đến nay khoảng 210.000 ha. Khoảng 250.000 hộ (1,3 triệu người), nhiều trường học, trạm xá, khách sạn, cơ sở sản xuất bị thiếu nước ngọt.
Để giảm thiểu thiệt hại, bảo đảm ổn định sản xuất và dân sinh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị Quốc hội cho chủ trương rà soát quy hoạch giảm diện tích trồng lúa ở những vùng thường xuyên bị hạn hán, xâm nhập mặn.
Đề nghị thứ hai là bố trí 51.845 tỷ đồng kế hoạch đầu tư trung hạn bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, giai đoạn 2017-2020, để thực hiện các dự án quy mô lớn, hệ thống thủy lợi lớn liên tỉnh phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp và phòng chống giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đồng thời bố trí 45.262 tỷ đồng để đầu tư cho các công trình thủy lợi trọng điểm phòng, chống hạn hán, kiểm soát mặn chưa có nguồn vốn ở các khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, các công trình cần đầu tư trước mắt, có thể hoàn thành trong năm 2016, phát huy hiệu quả chống hạn, xâm nhập mặn năm 2016-2017 là 3.773 tỷ đồng.
Nguyên Vũ
vneconomy
|