Gửi 7,3 tỷ USD ở nước ngoài: “Ơ kìa, trái đất tròn”
Trái đất vẫn và luôn tròn, dù được phát hiện ra hoặc đánh giá lại ở bất kỳ thời điểm nào...
* NHNN lên tiếng về thông tin 7,3 tỷ USD tiền gửi ra nước ngoài
Trong quá khứ, rất nhiều thời điểm và các kỳ thống kê cho thấy, ngay cả khi lãi suất USD trong nước rất cao, các ngân hàng vẫn phải gửi lượng lớn ngoại tệ ở nước ngoài.
|
Ngày 19/10/2008, một tháng sau khi Lehman Brothers sụp đổ, cuộc khủng hoảng tài chính tại Mỹ và ảnh hưởng nhanh chóng lan ra toàn cầu, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) hoàn tất kế hoạch rút tiền gửi ở nước ngoài về.
Câu hỏi đặt ra lúc đó là: vì sao cuộc khủng hoảng đã manh nha từ cả năm trước, mãi một tháng sau khi Lehman Brothers sụp đổ, Vietcombank cũng như các ngân hàng Việt Nam khác mới rút tiền gửi ở nước ngoài về, phản ứng quá chậm chăng?
Không chậm. Bởi lẽ, ngay cả trong bối cảnh khủng hoảng, các ngân hàng nội địa vẫn buộc phải gửi tiền ở nước ngoài.
Thậm chí tại thời điểm trên, Vietcombank (VCB) và nhiều thành viên khác cũng không thể rút hẳn tiền về, họ vẫn phải gửi ở nước ngoài, nhưng tập trung hơn ở các đối tác an toàn tại Hồng Kông và Singapore.
Việc duy trì tiền gửi này là bắt buộc, để phục vụ các giao dịch thanh toán đối ngoại cho các khách hàng, để “làm tin” trong nghiệp vụ bảo lãnh… Ngay cả dự trữ ngoại hối của Việt Nam một phần cũng buộc phải gửi ở nước ngoài theo cơ chế đó (tưởng như đối lập với nhu cầu khát vốn trong nước).
Nhắc lại sự kiện trên để nhìn về “hiện tượng” con số 7,3 tỷ USD tiền gửi từ Việt Nam tại nước ngoài trong quý 3/2015, đang được dư luận chú ý những ngày gần đây như một sự hoảng hốt.
Trước thông tin về con số này, trao đổi bên lề với VnEconomy, lãnh đạo một ngân hàng thương mại chán nản với sự giật mình của nhiều thông tin bình luận vừa qua, và ví von: “Ơ kìa, trái đất tròn”.
Ý của sự ví von: trái đất vẫn và luôn tròn, dù được phát hiện ra hoặc đánh giá lại ở bất kỳ thời điểm nào.
Hoạt động gửi tiền ở nước ngoài của các ngân hàng và các định chế tài chính, hay ngay cả dự trữ ngoại hối quốc gia, là bình thường, thường xuyên biến động, chứ không bất chợt bất thường khi mức độ của nó được bóc tách ra, được giật ra và đánh giá độc lập mà dễ gây hoảng hốt.
Tuy nhiên, con số 7,3 tỷ USD được chú ý những ngày qua do gắn với chính sách lãi suất huy động USD trong nước áp 0%/năm, do sự gia tăng đột biến so với kỳ trước, và có thể do nhầm lẫn về “nghịch cảnh” trong nước đang khát vốn.
Kỳ thực, không khó để nhìn lại trong quá khứ, rất nhiều thời điểm và các kỳ thống kê cho thấy, ngay cả khi lãi suất USD trong nước rất cao, các ngân hàng vẫn phải gửi lượng lớn ngoại tệ ở nước ngoài (theo yêu cầu đề cập ở trên).
Đơn cử như sự kiện cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Chỉ riêng trường hợp của Vietcombank, theo tính toán có cơ sở chắc chắn của VnEconomy, tổng lượng tiền gửi của họ ở nước ngoài lúc đó đã vào khoảng 2,5 tỷ USD, chỉ rút về 1 tỷ USD và phần lớn vẫn phải gửi lại.
Chỉ riêng Vietcombank đã có quy mô đó. Toàn hệ thống với hàng trăm định chế buộc phải gửi tiền ở nước ngoài để phục vụ giao dịch đối ngoại, để “làm tin” với các đối tác quốc tế…, quy mô càng lớn hơn rất nhiều.
Cũng lưu ý rằng, lãi suất huy động USD trong nước thời điểm đó lên tới 6,15%/năm, mà họ vẫn buộc phải gửi lượng lớn ngoại tệ ra nước ngoài với lãi suất thấp hơn nhiều. Điều đó là bắt buộc.
Quy mô lượng tiền gửi nước ngoài một phần phản ánh nhu cầu, mức độ giao dịch đối ngoại của nền kinh tế - xu hướng ngày càng lớn và mở rộng, biến động theo các kỳ cân đối thanh toán. Dễ thấy trong dữ liệu quá khứ, như cuối 2014, con số thống kê cho thấy mức độ lớn với trên 5,5 tỷ USD.
Dĩ nhiên, con số 7,3 tỷ USD đề cập ở trên là một sự gia tăng đáng được chú ý. Ngoài yếu tố bình thường của hoạt động gửi tiền như phân tích ở trên, nó còn gắn/phản ánh một thực tế trong nước.
Đó là chính sách tín dụng ngoại tệ bắt đầu siết chặt. Rủi ro tỷ giá từ sau sự kiện Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ bộc lộ rõ, nhu cầu vay ngoại tệ của doanh nghiệp sụt giảm nhanh.
Lẽ thường, khi đầu ra tín dụng trong nước hạn chế, các ngân hàng buộc phải vận động, tìm những địa chỉ sinh lời khác. Ở góc độ này, tiền không phải là hàng hóa thông thường, nó không thể nằm cất kho, tồn kho. Nhà kinh doanh tiền tệ luôn buộc phải tìm cách để nó vận động, sinh lời. Khi cầu tín dụng ngoại tệ trong nước sụt giảm và chính sách tín dụng ngoại tệ bắt đầu siết chặt lại, gửi nước ngoài là một phản ứng bình thường.
Và như lãnh đạo vụ chức năng Ngân hàng Nhà nước, hoạt động gửi tiền này là để đảm bảo tính thanh khoản cao, có thể sử dụng bất cứ khi nào nhằm đáp ứng nhu cầu thanh toán của doanh nghiệp và người dân, chứ không phải là quan ngại “bẫy thanh khoản ngoại tệ đối với nền kinh tế” như một số ý kiến nào đó.
Minh Đức
vneconomy
|