E ngại chất lượng lãi ròng của doanh nghiệp
Doanh thu hay lãi ròng tăng trưởng sẽ không nhiều ý nghĩa gì nếu khả năng tạo tiền mặt của doanh nghiệp có vấn đề. Nếu dòng tiền âm liên tiếp đồng nghĩa với việc “máu trong cơ thể” của doanh nghiệp đang bị rút kiệt mặc dù có báo lãi khủng bao nhiêu đi nữa.
Những trường hợp của HNG, ITA, NBB, BII, GTN... - điểm chung nhất là dòng tiền từ hoạt động kinh doanh (HĐKD) âm lớn dù lợi nhuận sau thuế vẫn dương trong năm 2014 và 2015. Vậy do đâu mà dòng tiền không có trong khi kết quả kinh doanh vẫn tăng trưởng?
HAGL Agrico (HOSE: HNG) là một doanh nghiệp mới niêm yết trong 2015 với quy mô lớn trong lĩnh vực nông nghiệp. Doanh thu và lợi nhuận cao hơn so với nhiều công ty khác trong ngành. Nhưng dòng tiền của HNG đang thâm hụt lớn, lãi ròng đạt từ 759-783 tỷ đồng trong 2 năm qua nhưng lưu chuyển tiền tệ (LCTT) từ HĐKD âm đến hơn 2,000 tỷ đồng trong 2015 và 559 tỷ đồng trong 2014 trước đó.
Yếu tố làm thâm hụt dòng tiền từ HĐKD của HNG xuất phát từ tăng hàng tồn kho và trả tiền lãi vay. Nói về hàng tồn kho, HNG đang “tích tụ” hàng tồn kho lớn, tính ra tiền thì cũng tăng gần 4 lần trong 2 năm gần đây, lên đến 2,962 tỷ đồng cuối 2015, chủ yếu đến từ nuôi bò. Để bù đắp cho hao hụt tiền và giải quyết nhu cầu đầu tư lớn, HNG đã nhận về một khoản kỷ lục hơn 13,000 tỷ đồng từ vay nợ trong năm 2015.
Dòng tiền từ HĐKD của Tập đoàn Tân Tạo (HOSE: ITA) xấu đi trong 2 năm liên tiếp, lần lượt âm 858 tỷ đồng trong 2014 và 1,380 trong 2015 mặc dù lãi ròng tăng trưởng mạnh. Bên cạnh lãi vay phải trả vẫn lớn, hàng tồn kho của ITA cũng tăng mạnh thêm 1,930 tỷ đồng trong 2 năm qua. Trước tình hình đó, ITA bù đắp dòng tiền bằng cách tiếp tục phát hành cổ phiếu để cấn trừ công nợ thu về 1,194 tỷ đồng và thu hồi vốn góp lên đến 236 tỷ đồng trong 2015.
Một doanh nghiệp khác trong ngành bất động sản là Năm Bảy Bảy (HOSE: NBB) đã qua rồi cái thời hoàng kim từ 2010-2012, giai đoạn mà công ty này vượt mặt các ông lớn bất động sản hiện thời như DXG, KDH hay PDR về khoản tạo lợi nhuận. NBB trong những năm gần đây cho thấy doanh thu đang đi thụt lùi, lợi nhuận không có sự đột biến.
Cùng với đó, LCTT từ HĐKD của NBB trong 2014 và 2015 lần lượt âm đến 198 và 276 tỷ đồng. Kết quả này do NBB đã tăng mạnh hàng tồn kho thêm 188 tỷ đồng. Đồng thời tiền lãi vay đã trả dao động trong khoảng từ 127 đến 147 tỷ đồng. Dòng tiền của NBB bù đắp phần lớn từ đi vay và một phần từ việc thu hồi vốn đầu tư. Tiền và tương đương tiền cuối năm 2015 của NBB ở mức gần 30 tỷ đồng.
Còn với Công nghiệp Bảo Thư (HNX: BII). Năm 2015, lãi ròng của đơn vị này đạt gần 9.3 tỷ đồng. Các khoản phải thu ngắn hạn khác xấp xỉ 314 tỷ đồng, so với con số đầu năm đã tăng hơn 310 tỷ đồng, chính sự gia tăng của khoản mục này đã chiếm dụng phần lớn dòng vốn của doanh nghiệp. BII ghi nhận dòng tiền thuần từ HĐKD âm gần 138 tỷ đồng. Tình trạng này cũng tương tự trong năm 2014, dòng tiền này âm hơn 64 tỷ đồng trong đó phải thu ngắn hạn tăng từ 464 triệu lên gần trăm tỷ đồng là nguyên nhân chính.
Nhìn lại bốn năm liên tiếp từ 2012-2015, kết quả kinh doanh của BII khá “thất thường” khi doanh thu tăng đột biến trong 2013 và 2014 rồi bỗng dưng chững lại trong 2015, lợi nhuận vì thế mà teo tóp mạnh. Trong khi vẫn phải tiếp tục chi mạnh cho tài sản cố định nên BII phụ thuộc khá lớn vào nguồn tài chính bên ngoài. Tốc độ tăng vốn cũng khá mạnh trong giai đoạn này, tăng gần 270% trong vòng 3 năm qua lên 599 tỷ đồng, khoản nợ phải trả trong 2015 cũng vừa được bổ sung thêm 172 tỷ đồng.
Với Đầu tư và Sản xuất Thống Nhất (HOSE: GTN), tình trạng dòng tiền HĐKD âm đến cả trăm tỷ đồng đã xảy ra từ 2013. Đến năm 2015 thì dòng tiền này của GTN hụt đáng kể 451 tỷ đồng và phần lớn do tăng khoản phải thu. Khả năng tạo tiền của Công ty vẫn phụ thuộc lớn vào việc huy động nguồn tài chính từ bên ngoài. GTN đã nhận 600 tỷ đồng từ việc phát hành tăng vốn cho các cổ đông trong năm 2013, sau đó mạnh tay vay nợ trong 2014 và 2015 tổng cộng 862 tỷ đồng (dư nợ vay đến cuối 2015 là hơn 600 tỷ đồng). Ngoài ra, các khoản thu hồi góp vốn và thu cho vay cũng đóng góp đáng kể, lên tới 356 tỷ đồng trong 2015.
Để bù đắp cho dòng tiền, GTN đã phát hàng riêng lẻ thêm 75.2 triệu cp vào đầu tháng 3/2016. Lượng cổ phần này được phân phối hết cho nhà đầu tư trong và ngoài nước (trong đó TAEL Two Partners Ltd đã mua 30 triệu cp), giúp GTN tăng vốn từ 748 tỷ đồng lên 1,500 tỷ đồng.
Ngoài 5 đơn vị kể trên, nhiều doanh nghiệp từ năm 2014 đến nay tuy có lợi nhuận nhưng dòng tiền từ “nghề chính” bị thâm hụt như FCN, POT, SGT...
|