ĐHĐCĐ VTV: Thách thức từ than thương mại, chuyển niêm yết sang HOSE
Sáng 12/04, ĐHĐCĐ thường niên năm 2016 của CTCP Vicem Vật tư Vận tải Xi măng (HNX: VTV) đã bàn nhiều về những áp lực không nhỏ từ than thương mại với ưu thế về giá.
ĐHĐCĐ thường niên năm 2016 của VTV được tổ chức tại Hà Nội sáng ngày 12/04.
|
Gặp khó từ than thương mại
Theo báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh năm 2015 của VTV, một số công ty xi măng trong hệ thống của Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) vẫn chủ trương mua một phần than thương mại thay vì nhập than từ VTV khiến việc ký và thực hiện hợp đồng mua than thấp hơn nhu cầu đã đăng ký, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện kế hoạch ngân sách của Công ty. Trong khi đó, dư nợ tiền than vẫn ở mức rất cao gây áp lực cho Công ty trong việc cân đối về tài chính cho sản xuất kinh doanh và tiến độ đầu tư xây dựng tòa nhà Comatce.
Sản lượng than bán ra trong năm qua hụt 7% so với kế hoạch, chỉ đạt 1,378,570 tấn. Trong đó, việc bán than cho 2 đối tác quan trọng nhất là Xi măng Hoàng Thạch và Xi măng Bút Sơn (BTS) chỉ đạt lần lượt 347,800 tấn và 315,550 tấn, tương đương 89% và 82% kế hoạch, mặc dù trước đó tổng hợp đồng đã ký giữa VTV và các đơn vị thuộc Vicem đạt 1,546,300 tấn, vượt gần 4% kế hoạch.
Thay mặt ban điều hành, ông Huỳnh Trung Hiếu – Giám đốc VTV cho biết, nguyên nhân là do giá than thương mại thấp hơn so với mức giá mà VTV chào bán cho các đơn vị, mặc dù mức giá của VTV đưa ra còn thấp hơn mức giá của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV). Đơn cử như Vicem Hải Vân, mặc dù đã ký hợp đồng mua than của Công ty theo đăng ký là 40,000 tấn nhưng do hoàn cảnh khó khăn đã không thực hiện theo hợp đồng mà mua 100% than thương mại.
Ngoài ra, trong năm 2015 TKV cũng đã thực hiện điều chỉnh giá bán than 2 lần, do đó Công ty phải điều chỉnh giá bán tương ứng cho các công ty Xi măng. Với những nguyên nhân trên khiến doanh thu năm 2015 của VTV chỉ đạt gần 3,152 tỷ đồng, giảm 8% cùng kỳ và tương đương 93% kế hoạch. Tuy vậy, nhờ cân đối được hàng tồn kho và tiết giảm chi phí, VTV vẫn ghi nhận lãi trước thuế năm 2015 hơn 53 tỷ đồng, tăng 13% cùng kỳ và vượt 10% kế hoạch. Mức cổ tức cho năm 2015 tỷ lệ 10%.
Đối với dự án Tòa nhà Comatce tại Nhân Chính – Hà Nội, VTV đã bán được 1/3 số căn hộ trong năm 2015, tương đương khoảng 29 căn với tổng số tiền thực thu là hơn 30 tỷ đồng. Theo chia sẻ của ông Hiếu, tính đến thời điểm tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2016, VTV đã bán thêm được 7-8 căn hộ. Tuy nhiên, việc bán dự án căn hộ thuộc dự án này khá chậm do diện tích của các căn hộ khá lớn cùng với mức giá cao và khâu tiếp thị truyền thông chưa tốt khiến khách hàng biết đến dự án còn ít, thanh khoản dự án không đáng kể.
Đối với hoạt động Logistics, vận tải đường biển ghi nhận kết quả doanh thu năm 2015 gần 70 tỷ đồng, giảm 11% cùng kỳ 2014 nhưng vượt 4% kế hoạch. Trong khi đó, đoàn vận tải tiếp tục gặp khó khăn khi doanh thu chỉ đạt hơn 4 tỷ đồng, giảm 43% cùng kỳ và chỉ đạt 39% kế hoạch. Theo đại diện VTV, kết quả này do đoàn vận tải chỉ khai thác tuyến ngắn, hàng một chiều nên hiệu quả không cao, trong khi kinh doanh vận tải sà lan chưa mang lại hiệu quả.
Tăng độ phủ hệ thống công ty xi măng của Vicem trong năm 2016
Hiện tại, VTV đã làm việc với hầu hết các công ty xi măng trong hệ thống của Vicem với độ phủ hơn 70%. Mục tiêu trong năm 2016 của Công ty sẽ gia tăng số lượng khách hàng, khai thác thêm nguồn than thương mại và than nhập khẩu có chất lượng tốt, bên cạnh việc mua than từ TKV theo hợp đồng chiến lược giữa Vicem và TKV nhằm gia tăng thị phần.
“Trong quý 1/2016, VTV đã quay trở lại được với Vicem Hà Tiên (HT1) với nguồn than nhập khẩu, quay trở lại với Vicem Hải Vân (HVX) với nguồn than từ TKV và than nhập khẩu và cuối tuần rồi đã đàm phán được với Vicem Hạ Long với mức giá cung ứng than thấp hơn TKV 14,000 đồng/tấn. Trong quý 2/2016, mục tiêu của VTV sẽ tiếp cận với Vicem Sông Thao” – Ông Hiếu cho biết.
Về mục tiêu cho năm 2016, VTV dự kiến đạt 3,215.5 tỷ đồng, tăng nhẹ so với thực hiện năm 2015, lợi nhuận trước thuế ước đạt hơn 59 tỷ đồng, tăng 11%, mức cổ tức dự kiến từ 10% - 12%. Tuy nhiên, tại Đại hội, ông Hiếu cũng khẳng định, kế hoạch này được xây dựng trên tinh thần thận trọng, với ước tính của ban điều hành chắc chắn trong năm 2016 VTV sẽ vượt kế hoạch doanh thu và hoàn thành kế hoạch lợi nhuận.
Cũng trong Đại hội, cổ đông đã thông qua tờ trình về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại VTV. Hiện tại Công ty có 26 ngành nghề kinh doanh, trong đó 13 ngành nghề kinh doanh không có điều kiện và 13 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, do vậy mức sở hữu của NĐT nước ngoài tại VTV tối đa chỉ là 49%. Tuy nhiên, do sở hữu của Vicem tại VTV hiện tại là 63% nên HĐQT cũng trình cổ đông thông qua mức sở hữu tối đa của NĐT nước ngoài tại VTV chỉ là 37%.
Ngoài ra, HĐQT cũng đã trình và được thông qua việc xin chuyển niêm yết cổ phiếu VTV từ Sở GDCK Hà Nội (HNX) sang Sở GDCK Tp.HCM (HOSE). Đồng thời, ủy quyền cho HĐQT lựa chọn thời điểm và thực hiện các thủ tục cần thiết cho việc chuyển sàn./.
|