ĐHĐCĐ PVX: "Kế hoạch kinh doanh 2016 hết sức hời hợt"
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2016 của Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (HNX: PVX), Chủ tịch HĐQT cho biết, nếu PVX tham gia các công việc được PVN giao trong dự án Lô B Ô-môn, giá trị sản lượng mang lại dự kiến sẽ đạt 2 tỷ USD. Một vấn đề khá nóng tại Đại hội là cổ đông cho rằng kế hoạch kinh doanh PVX đề ra năm 2016 hết sức “hời hợt”.
ĐHĐCĐ thường niên năm 2016 của PVX được tổ chức tại Hà Nội, sáng ngày 28/04.
|
Kỳ vọng từ dự án Lô B Ô-môn
Một trong 2 vấn đề mở đầu phần thảo luận được các cổ đông đưa ra thuộc về vai trò của PVX đối với việc khởi động dự án Lô B Ô-môn và công tác thoái vốn năm 2015, định hướng năm 2016.
Liên quan đến dự án Lô B Ô-môn, ông Bùi Ngọc Thắng - Chủ tịch HĐQT cho biết, vào đầu tháng 4/2016, Tập đoàn Dầu khí quốc gia (PVN) đã tái khởi động lại dự án này tại tỉnh Kiên Giang. Theo Chủ tịch, là một thành viên thuộc Tập đoàn Dầu khí, PVX có thể tham gia vào dự án này thông qua việc gia công, chế tạo, lắp đặt các đường ống dẫn khí trên bờ và có thể tham gia vào 1 dự án điện khí. Trong đó, chủ trương của PVN sẽ xây dựng 2 nhà máy điện khí tại 2 tỉnh Kiên Giang và Cần Thơ với công suất 1,200 MW. Dự án nếu được triển khai sẽ bắt đầu trong 4 năm kể từ cuối năm 2017 và nếu PVX tham gia các công việc được giao, giá trị sản lượng mang lại dự kiến sẽ đạt 2 tỷ USD.
Đối với việc thoái vốn ngoài ngành của PVX tại các khoản đầu tư thực hiện trên nguyên tắc tuân thủ pháp luật và đảm bảo thu hồi tối đa giá trị, theo ông Thắng, kế hoạch thoái vốn cao hơn so với giá gốc là kỳ vọng của HĐQT, không phải nguyên tắc của việc thoái vốn. Tổng số danh mục đầu tư của PVX khoảng 40 đầu mối, cho đến hiện nay rút xuống còn 34 đầu mối. Riêng trong năm 2015, PVX đã thoái bớt được 5 khoản đầu tư với giá trị thu về là 120 tỷ đồng trên giá trị đầu tư là 140 tỷ đồng. Theo đánh giá của HĐQT PVX, mặc dù “hụt” mất 20 tỷ đồng nhưng đây đã là thành công của Công ty bởi việc thoái vốn tuân thủ theo đúng các quy định và còn phụ thuộc vào diễn biến của thị trường.
Lộ trình sắp tới của PVX, đối với những đơn vị nào không nằm trong lĩnh vực kinh doanh chính sẽ tiếp tục được PVX thoái vốn, dự kiến PVX chỉ giữ lại 5 đơn vị, bao gồm 3 đơn vị thuộc Vũng Tàu (PVC-MS, PVC-PT, PVC-IC), 1 đơn vị miền Trung (PVC Bình Sơn) và phía bắc trên cơ sở đầu mối là PVC Duyên Hải, ngoài ra còn 5 – 6 đầu mối khác ở phía bắc dự kiến sẽ được PVX thoái hết các khoản đầu tư vào BĐS, nếu thoái vốn không thành công các đơn vị này sẽ được gộp lại về 1 đầu mối. Theo lãnh đạo PVX cho biết, hiện Tổng công ty vẫn còn 3,200 tỷ đóng băng tại các khoản đầu tư tài chính.
Kế hoạch thấp do khó khăn kép từ thị trường và các khoản đầu tư tài chính
Về kế hoạch kinh doanh cho năm 2016, PVX đặt mục tiêu tổng giá trị sản xuất kinh doanh giảm còn 11,900 tỷ đồng so với mức 14,180 tỷ đồng của năm 2015, tổng doanh thu thực hiện ước đạt 11,000 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế toàn công ty đặt mục tiêu tăng gấp 3 lần thực hiện năm 2015 từ 22.76 tỷ đồng lên 75 tỷ đồng. Giá trị đầu tư cũng tăng mạnh lên gần 604 tỷ đồng.
Tuy nhiên, mặc dù kế hoạch lợi nhuận tăng mạnh so với năm 2015 nhưng kế hoạch kinh doanh năm 2016 của PVX vẫn trở thành đề tài “nóng” nhất phần hỏi đáp. Các cổ đông cho rằng những năm gần đây hoạt động kinh doanh của PVX rất yếu kém làm tổn hại đến vốn Nhà nước và cổ đông. Năm 2015, PVX mới thoát lỗ và lẽ ra cần đặt kế hoạch mang tính phấn đấu hơn cho năm 2016, bù đắp lại tổn thất những năm qua, tuy nhiên, kế hoạch kinh doanh đề ra hết sức “hời hợt”, doanh thu 11,000 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế đề ra chỉ hơn 70 tỷ đồng, chưa bằng 1% doanh thu.
“Làm ra 100 đồng mà lãi không đến 1 đồng, thà mang vốn kinh doanh gửi tiết kiệm còn hơn. Lẽ ra thay vì 70 tỷ lợi nhuận thì PVX phải đặt mục tiêu 700 tỷ mới tương xứng” – một cổ đông cho biết.
Một cổ đông khác cũng cho ý kiến về mức chi phí quản lý doanh nghiệp tăng rất mạnh, trong đó năm 2015 gấp hơn 2 lần so với năm 2014, trong khi ở phần trả lời trước đó Chủ tịch có cho biết nhân sự của Tập đoàn đã giảm gần phân nửa, chỉ còn hơn 4,000 người do hoàn cảnh khó khăn.
Trả lời ý kiến cổ đông, lãnh đạo PVX cho rằng, việc xây dựng kế hoạch căn cứ vào tình hình vĩ mô và đặc thù các dự án trên cơ sở gắn quá khứ và hiện tại, đảm bảo sự phát triển của Tổng Công ty. Việc giá dầu giảm mạnh, lãi vay trên 10%, các chi phí đầu tư bị kiểm soát chặt chẽ đang gây không ít khó khăn cho PVX. Trong khi đó, không chỉ có những khó khăn do yếu tố khách quan như tăng trưởng kinh tế hay giá dầu, PVX còn chịu ảnh hưởng từ những khoản đầu tư tài chính trước đó dẫn đến chi phí trích lập dự phòng tăng cao. Kết quả sản xuất kinh doanh của PVX trong năm 2015 chủ yếu chỉ phụ thuộc vào dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 (góp 72% sản lượng và 64% doanh thu), các đơn vị khác hầu hết đều khó khăn dẫn tới thua lỗ.
"Khó khăn của PVX là khó khăn kép từ các yếu tổ chủ quan và khách quan, hoạt động kinh doanh khó có thể bù đắp được" – Chủ tịch HĐQT chia sẻ.
Đồng thời HĐQT cũng mong cổ đông đánh giá đầy đủ bởi đây là giai đoạn khó khăn với ngành dầu khí nói chung và PVX đang chịu tác quá nhiều tác động từ các hoạt động đầu tư để thông cảm cho Tổng Công ty.
Về kết quả kinh doanh quý 1/2016 của Tổng Công ty, Tổng Giám đốc PVX cho biết, lợi nhuận hợp nhất của toàn Tổng Công ty đạt khoảng trên 10 tỷ đồng, công ty mẹ 1.5 tỷ đồng, tương đương 13% kế hoạch năm đã được thông qua./.
|