ĐHĐCĐ PNJ: Kế hoạch 2016 lãi 361 tỷ, dự phòng hết khoản đầu tư DongABank
Trong năm 2016, CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (HOSE: PNJ) đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế 361 tỷ đồng, cao gấp 2.3 lần so với năm trước. Trong quý 1/2016, PNJ đã trích lập dự phòng thêm gần 85 tỷ đồng cho khoản đầu tư vào DongABank, tính thêm trích lập từ năm 2015 thì PNJ đã trích lập hoàn toàn 395 tỷ đồng cho khoản này.
ĐHĐCĐ thường niên 2016 vào sáng ngày 02/04 của PNJ
|
Kế hoạch lãi sau thuế 2016 cao gấp 2.3 lần
CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (HOSE: PNJ) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2016 vào sáng ngày 02/04. Tại Đại hội, các cổ đông của PNJ đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2016 với doanh thu thuần gần 8,782 tỷ đồng, tăng 14% so với thực hiện năm trước. Lợi nhuận gộp của Công ty cũng dự kiến tăng 14% lên 1,296 tỷ đồng. Riêng chi phí tài chính năm 2016 sẽ ở mức 229 tỷ đồng, giảm 47% so với năm 2015, trong đó chi phí lãi vay chiếm 114 tỷ đồng.
Phần còn lại trong chi phí tài chính, PNJ sẽ trích dự phòng 115 tỷ đồng cho hai khoản đầu tư vào Ngân hàng Đông Á (DongABank) và CTCP Địa ốc Đông Á. Đồng thời, PNJ sẽ tìm cơ hội thoái vốn khoản đầu tư vào CTCP Địa ốc Đông Á. Bà Cao Thị Ngọc Dung – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc PNJ chia sẻ khả năng chắc chắn là sẽ thoái được khoản đầu tư vào CTCP Địa ốc Đông Á trong năm nay.
Lợi nhuận sau thuế 2016 dự kiến đạt 361 tỷ đồng, cao gấp 2.3 lần so với năm trước. Cổ đông cũng thông qua tỷ lệ cổ tức cho năm 2016 là 18%. Bà Cao Thị Ngọc Dung cho biết PNJ có khả năng chia cổ tức với tỷ lệ cao hơn nhưng sẽ dành khoản lợi nhuận đó để tiếp tục đầu tư, mở rộng kinh doanh.
Với đề xuất nới room ngoại của cổ đông, bà Cao Thị Ngọc Dung cho biết việc nới room vẫn bị hạn chế do PNJ hoạt động trong ngành bán lẻ và bị khống chế về mạng lưới nên việc mở room sẽ không có lợi. Quan điểm riêng của bà Dung là không ngại việc mở room nếu có nhà đầu tư nước ngoài làm tốt hơn. Còn hiện tại, PNJ vẫn đang điều hành tốt bởi người Việt thì sẽ vẫn để người Việt Nam điều hành doanh ngiệp Việt Nam.
Lãi 40 tỷ từ bán căn nhà Quận 1, LNST quý 1 gần 120 tỷ
Trong quý 1/2016, PNJ đạt tổng doanh thu 2,356 tỷ đồng, tăng 12% cùng kỳ, tương đương 27% kế hoạch năm. Trong đó, doanh thu trang sức tăng 20% lên 1,820 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp của Công ty đạt 415 tỷ đồng, tăng trưởng 45%.
PNJ công bố đạt lợi nhuận trước thuế (trước dự phòng đầu tư tài chính) tăng 64%, đạt 234 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của Công ty trong quý 1/2016 đạt gần 120 tỷ đồng, tăng 9% cùng kỳ (đã trích dự phòng 84.7 tỷ đồng cho khoản đầu tư vào DongABank).
Được biết, khoản đầu tư gốc của PNJ đầu tư vào DongABank là 395 tỷ đồng, đã trích lập 310 tỷ đồng trong năm 2015, như vậy với việc trích lập tiếp gần 85 tỷ đồng trong quý 1/2016, PNJ đã trích lập xong hoàn toàn cho khoản đầu tư vào DongABank.
Tại Đại hội, bà Dung tiết lộ thêm vừa nhận tiền bán căn nhà tại đường Thủ Khoa Huân (Quận 1, TpHCM – được thay bằng căn nhà khác tại đường Lê Thánh Tôn cho hoạt động kinh doanh bán hàng) với khoản lãi 40 tỷ đồng, nâng lượng tiền mặt hiện tại của PNJ lên 165 tỷ đồng bổ sung vốn cho kinh doanh.
Giá vàng giảm không tác động lớn đến PNJ
Về kết quả hoạt động kinh doanh, trong năm 2015, doanh thu của PNJ tăng 6.7%, đạt 7,698 tỷ đồng.
Trong đó, doanh thu bán lẻ trang sức vàng tăng 45%. Đại diện từ PNJ cho biết năm 2015 là năm không mấy thuận lợi cho mảng bán sỉ khi doanh số giảm 3% so với cùng kỳ. Từ ảnh hưởng giảm nhu cầu vàng miếng của thị trường vàng, ngày càng nhiều các doanh nghiệp kinh doanh trang sức ra đời với phương thức kinh doanh linh hoạt, cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn, mặc dù doanh thu công sỉ giảm nhưng lợi nhuận gộp của hoạt động kinh doanh sỉ tăng 35% so với cùng kỳ.
Tương tự như mảng bán lẻ, kênh xuất khẩu tập trung nhiều vào các dòng hàng cao cấp có giá công cao thay vì trải rộng ra nhiều dòng sản phẩm như trước đây, giúp hoạt động xuất khẩu đạt mức tăng trưởng 25% lợi nhuận mặc dù chỉ tăng 3% doanh thu so với cùng kỳ.
Mảng trang sức bạc có doanh số tăng 4%, nhưng lợi nhuận gộp tăng đến 17% nhờ theo đuổi vào các dòng sản phẩm cao cấp, có tỷ suất lợi nhuận gộp cao.
Thị phần bán lẻ năm 2015 của PNJ hiện nay ước tính là 25%, tăng 4% so với cùng kỳ và bỏ xa đối thủ liền kề.
Do ảnh hưởng bởi các khoản trích lập dự phòng đầu tư tài chính, lợi nhuận trước thuế của Công ty cả năm đạt 200 tỷ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ và chỉ bằng 53% kế hoạch năm. Nếu loại trừ khoản dự phòng cũng như thu nhập từ cổ tức nhận được, lợi nhuận trước thuế của hoạt động kinh doanh cốt lõi 2015 đạt 514 tỷ đồng, tăng 72% so với cùng kỳ.
Cổ tức chi trả cho năm 2015 được thông qua với mức 15%, trong đó đã thực hiện 5% đợt 1/2015.
Tính đến cuối năm 2015, giá trị sổ sách các khoản đầu tư tài chính của PNJ là 166 tỷ đồng, chiếm 34% giá trị đầu tư ban đầu bao gồm khoản đầu tư vào DongABank và CTCP Địa ốc Đông Á.
Trả lời thắc mắc của cổ đông về ảnh hưởng của giá vàng đến hoạt động kinh doanh của PNJ, bà Dung cho biết giá vàng chiếm 30% trong sản phẩm vàng trang sức của Công ty (có sản phẩm chiếm từ 10-15%), giá vàng biến động sẽ không ảnh hưởng lớn đến PNJ. Còn về mảng kinh doanh vàng tiền tệ, khi giá vàng sôi động, nhà đầu tư giao dịch nhiều, PNJ sẽ có lãi nhiều hơn. Quy luật tất cả các nhà kinh doanh vàng trên thế giới đều không lỗ khi giá vàng tăng giảm (chỉ rủi ro cao với nhà đầu cơ). Một số cổ đông nước ngoài muốn PNJ giảm tỷ trọng kinh doanh vàng tiền tệ vì tỷ lệ lợi nhuận mảng này thấp trong khi rủi ro cao và PNJ cũng không ưu tiên trong hoạt động kinh doanh nhưng sẽ vẫn duy trì.
Về nhân sự, ĐHĐCĐ PNJ đã thông qua việc miễn nhiệm chức danh Thành viên HĐQT của ông Andy Ho và ông Phan Quốc Công, miễn nhiệm chức danh Trưởng Ban Kiểm soát của ông Phạm Văn Tân. Đồng thời, cổ đông cũng nhất trí bầu ông Lê Hữu Hạnh (Phó Tổng Giám đốc PNJ) và ông Lê Quang Phúc (Chủ tịch HĐQT CTCP Tư vấn Quản lý BDSC, Thành viên HĐQT CTCP Bất động sản Phát Đạt, Thành viên HĐQT CTCP Xây dựng Tây Hồ) làm Thành viên HĐQT, bầu ông Nguyễn Thành Dư vào Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2016-2021./.
|