ĐHĐCĐ PGS: 75% lợi nhuận 2016 đến từ thoái vốn CNG, cổ tức 30%
Con số lợi nhuận từ việc thoái vốn khỏi CNG đã được HĐQT CTCP Kinh doanh Khí hóa lỏng Miền Nam (HNX: PGS) tiết lộ trong cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên của Công ty diễn ra vào sáng ngày 21/04/2016. Theo đó, PGS đã thu về hơn 300 tỷ đồng từ thương vụ này.
Năm 2015, PGS đã vượt kế hoạch “mới điều chỉnh”
Trong năm 2015, doanh thu hợp nhất của PGS đạt 5,956 tỷ đồng, vượt 11% so với kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế đạt 227 tỷ đồng, vượt nhẹ so với chỉ tiêu đề ra. Tỷ lệ chi trả cổ tức là 16% bằng tiền mặt, trong đó 10% đã được chi trả vào ngày 04/12/2015 và 6% sẽ được chi trả sau ngày tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2016 và thời điểm chi trả sẽ do HĐQT lựa chọn.
Tuy nhiên, con số doanh thu kế hoạch được so sánh này chỉ mới thay đổi khi năm 2015 đã kết thúc. Vào ngày 14/01/2016, HĐQT PGS đã quyết định điều chỉnh kế hoạch năm 2015 của công ty xuống khá mạnh với doanh thu hợp nhất điều chỉnh giảm từ 7,078 tỷ đồng xuống còn 5,359 tỷ đồng. Nguyên nhân đến từ việc giá dầu và giá LPG thế giới giảm sâu, trung bình dầu ở mức 55 USD/thùng và giá LPG 423 USD/tấn trong khi PGS xây dựng kế hoạch năm 2015 ở mức 100 USD/thùng và giá LPG là 780 USD/tấn.
75% lợi nhuận 2016 đến từ thoái vốn CNG, cổ tức 30%
Đối với kế hoạch sản xuất kinh doanh cho năm 2016, PGS xây dựng kế hoạch dựa trên đơn giá dầu thô là 60 USD/thùng, giá CP bình quân năm 2016 tạm tính là 450 USD/tấn LPG. Với đơn giá này, doanh thu PGS dự kiến đạt 5,108 tỷ đồng với lợi nhuận trước thuế đạt gần 413 tỷ đồng. Trong đó, hơn 300 tỷ đồng là lợi nhuận đến từ việc thoái vốn khỏi CNG và hơn 100 tỷ đồng là lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cốt lõi.
ĐHĐCĐ thường niên 2016 PGS diễn ra vào sáng ngày 21/04/2016
|
Tại đại hội, đã có cổ đông yêu cầu HĐQT trình bày lý do PGS lại quyết định thoái vốn khỏi CNG. HĐQT cho biết việc thoái toàn bộ 14,904,263 cổ phần tại CNG Việt Nam tương đương 55.2% vốn là đến từ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) liên quan đến việc tái cấu trúc tập đoàn theo Quyết định 46, không tổ chức doanh nghiệp cấp 3 theo hình thức công ty mẹ - công ty con.
Đối với phương án sử dụng nguồn tiền thu được do thoái vốn khỏi CNG, HĐQT cũng trình bày trước cổ đông là sẽ dùng số tiền này để chi trả cổ tức, tái cơ cấu các khoản vay, thực hiện các hoạt động đầu tư kinh doanh khác.
Theo đó, trong năm 2016, PGS sẽ chi trả cổ tức bằng tiền mặt 15% từ nguồn lợi nhuận do hoạt động thoái vốn và 15% từ lợi nhuận hoạt động kinh doanh cốt lõi. Cộng thêm 6% cổ tức còn lại chưa chi trả của năm 2015 thì dự kiến trong quý 2/2016, HĐQT sẽ cân nhắc chi trả 21% cổ tức cho cổ đông.
Đáng chú ý, kết quả kinh doanh mới nhất của PGS cũng đã được tiết lộ tại đại hội với con số 21 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế quý 1 ở mảng hoạt động sản xuất kinh doanh chính.
Đa dạng phương án kinh doanh theo giá dầu, không phát hành ESOP
Trước diễn biến phức tạp của giá dầu thế giới, HĐQT PGS cũng đã xây dựng các phương án cho giá dầu khác nhau tương ứng với các mức 60 USD, 50 USD, 40 USD và 30 USD/thùng. Trong đó, trường hợp giá dầu về mức thấp nhất là 30 USD/thùng thì doanh thu của PGS là 4,889 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 336 tỷ đồng, chênh lệch 77 tỷ đồng với trường hợp giá dầu ở mức cao nhất là 60 USD/thùng. Tại đại hội, HĐQT cho biết khi giá dầu thấp thì biên lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ thấp hơn dẫn đến lợi nhuận của đơn vị sẽ không cao như trước. Tuy nhiên, nếu lợi nhuận từ kinh doanh khí tăng thì sẽ bù đắp lại chênh lệch do thay đổi giá dầu và biện pháp duy nhất của PGS bây giờ là tăng sản lượng, giảm chi phí.
HĐQT cho biết, PGS xác định sản phẩm chính cho công ty là LPG, CNG và bình khí dầu khí với tỷ lệ tăng trưởng LPG là 5% và CNG là 10%. Mục tiêu mà PGS đặt ra là ROE đạt 20%/năm.
Về kế hoạch đầu tư xây dựng, trong năm 2016, PGS có 3 dự án chuyển tiếp và 1 dự án khởi công mới với tổng giá trị đầu tư là 140 tỷ đồng, trong đó giá trị giải ngân là 106 tỷ đồng.
Cụ thể, PGS tiếp tục triển khai thực hiện dự án kho và trạm chiết nạp LPG Cà Mau với sức chứa 100MT và công suất chiết nạp LPG giai đoạn này là 400MT/tháng. Dự kiến, dự án được khởi công xây dựng vào tháng 5/2016 và hoàn thành đưa vào sử dụng vào tháng 10/2016.
Ngoài ra, công ty sẽ mở rộng nâng cấp kho và trạm chiết LPG tại Cần Thơ để tăng sức chứa LPG từ 1200MT lên 1600MT, dự kiến khởi công vào tháng 6/2016 và hoàn thành vào tháng 12/2016.
Riêng dự án kho chứa và trạm chiết nạp LPG của VT Gas tại cảng Đồng Nai dự kiến vào tháng 9/2016 sẽ nhận bàn giao mặt bằng từ CTCP Cảng Đồng Nai (PDN) để triển khai thực hiện, và đưa vào sử dụng vào tháng 11/2017.
Bên cạnh đó, đã có cổ đông đề nghị công ty phát hành cổ phiếu ESOP cho người lao động để giữ chân nhân viên làm việc lâu dài với công ty. Tuy nhiên, HĐQT cho biết mặc dù rất muốn làm như vậy nhưng không thể làm được. Bởi nếu phát hành cổ phiếu ESOP thì sẽ làm giảm tỷ lệ nắm giữ của Nhà nước. Để có thể phát hành ESOP thì PGS phải thực hiện những giải trình lên Công ty mẹ để nhận được sự chấp thuận.
Ngoài ra, tại Đại hội, các cổ đông đã thông qua việc bổ nhiệm ông Trần Văn Nghị là Thành viên HĐQT kiêm Phó giám đốc thay cho ông Vũ Văn Thực đã chuyển công tác./.
|