Thứ Tư, 27/04/2016 15:38

ĐHĐCĐ BIC: Chuyển thành BIC Holdings, thành lập công ty bảo hiểm riêng vốn tối đa 1,000 tỷ

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2016 vừa diễn ra sáng ngày 27/04, ông Phạm Quang Tùng, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (HOSE: BIC) cho biết BIC dự kiến sẽ thành lập công ty con riêng phụ trách mảng bảo hiểm phi nhân thọ với quy mô vốn từ 800 – 1,000 tỷ đồng. Tuy nhiên, HĐQT cũng bỏ ngỏ 2 câu hỏi về việc đưa liên doanh BIDV Metlife trở thành công ty con của BIC và việc thành lập các công ty con khác liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm.

ĐHĐCĐ thường niên năm 2016 của BIC vào sáng ngày 27/04/2016.

Góp 800 – 1,000 tỷ thành lập Công ty bảo hiểm riêng

Việc tái khởi động chuyển đổi mô hình hoạt động BIC sang dạng Công ty mẹ - con (Holdings) đã được cổ đông thông qua tại ĐHĐCĐ bất thường năm 2016 tổ chức cuối tháng 1/2016. Tuy nhiên, đề án chính thức của vấn đề này chỉ được hé mở tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2016 vừa diễn ra.

Theo đó BIC hiện tại sẽ được chuyển đổi thành 2 công ty: (i) CTCP hoạt động theo Luật doanh nghiệp (Công ty mẹ) (ii) Toàn bộ hoạt động kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ hiện nay của BIC tại Việt Nam chuyển giao cho Công ty Bảo hiểm Phi nhân thọ (Công ty con) được thành lập mới dưới hình thức Công ty TNHH MTV hoạt động theo Luật Bảo hiểm (tên đầy đủ là Tổng Công ty TNHH MTV Bảo hiểm BIDV) từ giấy phép hiện nay được Bộ Tài chính cấp.

Trong đó, công ty mẹ - BIC Holdings sẽ kế thừa toàn bộ số vốn điều lệ của BIC hiện nay là 1,172 tỷ đồng với cơ cấu sở hữu bao gồm BIDV nắm 51%, FairFax 35% và các cổ đông khác nắm 14% vốn. Công ty con được thành lập sẽ có vốn điều lệ dự kiến từ 800 – 1,000 tỷ đồng do BIC Holdings đầu tư 100% vốn. Ngoài ra, các công ty trực thuộc còn có Công ty Liên doanh Bảo hiểm Lào Việt (LVI) do BIC Holdings sở hữu 65% vốn và Công ty Bảo hiểm Cambodia Việt Nam (CVI) do BIC Holdings sở hữu 51% vốn.

Thực tế, việc nâng sở hữu tại CVI của BIC lên 51% đã được thông qua từ nhiều năm trước, tuy nhiên do những vướng mắc về pháp lý và các thủ tục để nâng sở hữu nên việc này chưa thể tiến hành. Tại Đại hội, ông Phạm Quang Tùng – Chủ tịch HĐQT BIC cho biết, về cơ bản toàn bộ hoạt động của CVI đều do BIC quản lý, việc nâng sở hữu tại Công ty này cũng đã được sự chấp thuận của Bộ Tài chính, dự kiến trong năm 2016 BIC sẽ hoàn thành việc tăng sở hữu tại CVI lên 51%.

Ông Tùng cũng cho biết, hiện CVI và LVI đang đóng góp khoảng 26% tổng kết quả kinh doanh của BIC, hoạt động của 2 công ty này tại Lào và Campuchia hiện tại đều rất tốt. Trong đó, CVI (ngoài BIC thì cổ đông lớn khác là Canadia Group, một trong những tập đoàn tài chính lớn của Campuchia) mặc dù hệ thống kênh phân phối chưa phát triển nhưng tập trung chủ yếu vào các khách hàng lớn, đặc biệt là các khách hàng trong lĩnh vực bảo hiểm hàng không.

Tuy nhiên, bên cạnh những vấn đề nêu trên, HĐQT BIC cũng bỏ ngỏ về các câu hỏi liên quan tới việc đưa liên doanh BIDV Metlife trở thành công ty con của BIC Holdings và việc thành lập các công ty con khác trong lĩnh vực bảo hiểm như tái bảo hiểm.

Được biết, BIDV Metlife là liên doanh trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ giữa BIDV, BIC và Tập đoàn Metlife trong đó BIDV nắm giữ 35% vốn và BIC nắm giữ 5% vốn. Ông Tùng cũng cho biết, theo điều khoản của liên doanh, việc chuyển nhượng cổ phần giữa BIDV và BIC có thể tiến hành dễ dàng và chỉ cần có thông báo trước đến Metlife.

* ĐHĐCĐ Bảo hiểm PJICO: 2 đối tác muốn làm nhà đầu tư chiến lược

* ĐHĐCĐ PVI: Doanh thu bảo hiểm mảng dầu khí 2016 giảm trên 50%

* ĐHĐCĐ PTI: Đối tác chiến lược Dongbu có ý định gia tăng sở hữu

Lo ngại về chi phí bồi thường tăng mạnh

Một vấn đề khác cũng được cổ đông chất vấn tại Đại hội là tốc độ tăng của chi phí bồi thường trong năm 2015 của BIC cao hơn so với tốc độ tăng của thị trường, chưa kể những lo ngại về việc đẩy mạnh mảng bán lẻ có thể khiến chi phí bồi thường trong những năm tới tăng đột biến, ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh.

Trong năm 2015, tỷ lệ bồi thường của BIC ở mức 42%, tăng 4% so với năm 2014 và cao hơn kế hoạch đề ra là 40%. Mặc dù con số này vẫn thấp hơn mức trung bình toàn ngành là 42.38% nhưng tốc độ tăng trong năm lại cao hơn khi tốc độ tăng toàn ngành cả năm chỉ 3%.

Tại Đại hội, ông Trần Hoài An – Tổng Giám đốc BIC cho biết, trong quý 3/2015 do mở rộng mảng bán lẻ, chi phí bồi thường của BIC tăng tới 70% và lợi nhuận giảm hơn 67%, đây là do việc tăng trưởng quá nóng khiến một số đơn vị không kiểm soát tốt rủi ro. Hiện tại BIC đã áp tỷ lệ bồi thường với từng đơn vị và nếu xảy ra trường hợp tăng đột biến sẽ giữ lại chi phí hoạt động của những đơn vị này. Liên quan đến định hướng sang mảng bán lẻ, ông An cho biết, trước đây BIC thường tham gia vào các dự án lớn trong lĩnh vực bảo hiểm Thủy điện và các công trình xây lắp dẫn tới mức chi phí bồi thường khi xảy ra biến cố rất lớn, định hướng chuyển dần sang bán lẻ sẽ khắc phục được nhưng vấn đề này.

Về kế hoạch năm 2016, BIC đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm 18% lên 1,750 tỷ đồng. Lợi nhuận hợp nhất kế hoạch đạt 230 tỷ đồng, tăng 47% so với thực hiện năm 2015 và kế hoạch cổ tức với tỷ lệ chi trả dự kiến 8%. Ông An cho biết, đối với kế hoạch lợi nhuận năm 2016, riêng công ty mẹ sẽ đóng góp 182 tỷ đồng, tương đương hơn 79%. Trong năm 2016, BIC cũng phấn đấu giảm 1% chi phí hoạt động, trong khi các chi phí liên quan đến việc chuyển trụ sở và tài sản cố định dự kiến sẽ phân bổ trong 3 năm.

Với câu hỏi về mức chia cổ tức năm 2015 quá thấp - tỷ lệ chỉ 6%, ông Phạm Quang Tùng – Chủ tịch HĐQT BIC cho biết, việc chia cổ tức năm 2015 áp dụng cho cả cổ đông chiến lược FairFax do thương vụ bán 35% vốn đã được thực hiện cuối năm 2015, trong khi nguồn vốn từ FairFax chưa thể tạo nên kết quả tăng trưởng cho BIC do có độ trễ dẫn tới mức lợi nhuận năm 2015 chỉ ở mức tương đương 2014./.

Các tin tức khác

>   SRF: BCTC Hợp nhất quý 1 năm 2016 (27/04/2016)

>   SRF: BCTC quý 1 năm 2016 (27/04/2016)

>   SC5: Nghị quyết và Biên bản họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2016 ngày 26/4/2016 (27/04/2016)

>   KSH: Đính chính BCTC quý 1/2016 (27/04/2016)

>   ĐHĐCĐ Sông Đà 10: Kế hoạch doanh thu và lợi nhuận 2016 đều giảm (27/04/2016)

>   STB xin dời ĐHĐCĐ thường niên 2016 sang tháng 6 (27/04/2016)

>   VCBS: Báo cáo tài chính quý 1 năm 2016 (27/04/2016)

>   L14: Nghị quyết, biên bản ĐHĐCĐ (27/04/2016)

>   PSB: Báo cáo thường niên 2015 (27/04/2016)

>   VHH: Nghị quyết, biên bản ĐHĐCĐ (27/04/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật