ĐHĐCĐ ASP: Nới room ngoại lên 100%, chấp nhận để Saisan thâu tóm
Trải qua một năm kinh doanh thua lỗ, Ban lãnh đạo ASP kỳ vọng năm 2016 bằng biện pháp quản lý nhân sự và kiểm soát chi phí sẽ thay đổi bộ mặt kinh doanh. Đồng thời Saisan sẽ mua vào cp ASP để tăng sở hữu từ 48% lên 51%, sau khi được ĐHĐCĐ thường niên 2016 thông qua nới room 100%.
ĐHĐCĐ thường niên 2016 của ASP diễn ra sáng ngày 09/04
Saisan Stock Company đang là cổ đông nước ngoài và là cổ đông lớn nhất của ASP với tỷ lệ sở hữu 48.2% (tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài tại ASP hiện là 48.95%). Việc nới room được cho phép, Saisan sẽ nâng sở hữu lên 51%, tùy thuộc vào tình hình kinh doanh của ASP thời gian tới, tỷ lệ này sẽ có sự thay đổi.
Kết quả kinh doanh của ASP 2012-KH2016
|
Saisan tham gia vào ASP từ đầu năm 2014. Tuy nhiên, hiệu quả kinh doanh của ASP cũng suy giảm mạnh kể từ năm 2014 khi lãi ròng chỉ vỏn vẹn hơn 1 tỷ đồng, năm 2015 thì lại lỗ hơn 10 tỷ đồng.
Lý giải việc này, ông Trần Minh Loan – Chủ tịch ASP cho biết, việc Saisan tham gia và ASP đòi hỏi thời gian lâu dài mới phát huy hiệu quả. Đánh tiếng từ đầu năm 2014 nhưng đến giữa năm 2015 Saisan mới chính thức tham gia vào. Kể từ đây, nguồn tiền và năng lực tài chính của ASP được cải thiện, giảm được lãi vay ngân hàng, việc vay ngân hàng trở nên thuận lợi hơn khi được Saisan bảo lãnh. Là một công ty bán lẻ gas tại Nhật Bản, Saisan sẽ đưa mô hình kinh doanh và quản trị chất lượng vào ASP. Với quy mô ASP hơn 1,000 nhân viên và hàng trăm hệ thống bán lẻ, Saisan cần có thời gian để phát huy hiệu quả quản trị của mình.
Kế hoạch lãi 40 tỷ và bài toán cạnh tranh, sản lượng của 2 miền
Bằng các biên pháp quản lý chi phí, tăng sản lượng, kế hoạch 2016 của ASP được cổ đông thông qua với doanh thu 1,411 tỷ đồng, tăng 6%; lợi nhuận sau thuế 40 tỷ, mức cao nhất kể từ khi niêm yết (2008); cổ tức 2016 sẽ tùy thuộc vào kết quả lợi nhuận thực tế đạt được.
Cùng với đó, ASP sẽ gia tăng sản lượng gas dân dụng (gas bình) 13% so với năm 2015, lên 56,894 tấn; ngược lại giảm gas bán buôn (gas bồn) 3%, xuống 28,410 tấn.
Năm 2015, Công ty điều chỉnh hệ thống phân phối, sàng lọc đại lý để tập trung trọng điểm tại TP.HCM, miền Tây và Đông Nam Bộ. Thực hiện bao tiêu sản phẩm LPG của nhà máy lọc dầu Đông Phương-Cần Thơ nhằm đảm bảo nguồn cung và gia tăng thị phần tại đồng bằng sông Cửu Long. Công ty có 2 sản phầm tại miền Nam là “Gia đình gas” và tại miền Bắc là “Giadinh gas”.
Tuy nhiên, miền Bắc trong năm qua đối mặt với sự cạnh tranh không lành mạnh trong bối cảnh giá gas liên tục giảm, cơ cấu nhân sự thay đổi và đòi hỏi thời gian thích nghi. Trong khi đó, phía Nam không đạt kế hoạch sản lượng, khó khăn dồn vào 6 tháng cuối năm khi Công ty thay đổi chính sách phân phối và bộ máy kinh doanh, kỳ vọng sẽ bù đắp cho phía Bắc nhưng kết quả phản ứng ngược lại.
Rút kinh nghiệm, ASP xác định phía Bắc thời điểm này đang chịu sự cạnh tranh khốc liệt, mục tiêu trong năm nay là hòa vốn và phát triển được thị trường. Với miền Nam, cuối năm 2015 ASP đã tổ chức lại nhân sự, gia tăng tiếp thị, xác định việc mở rộng quan hệ với khách hàng không còn là nhiệm vụ của Công ty nữa mà còn đối với đại lý phân phối. Kỳ vọng, phía Nam sẽ đóng góp lợi nhuận chính cho ASP trong năm 2016.
Với giải pháp chủ yếu cả 2 miền (được áp dụng từ cuối năm 2015) là cắt giảm chí phí, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả công việc và phát triển nhanh sản lượng. Qua đó, miền Bắc ghi nhận trong tháng 1 đạt sản lượng 1,912 tấn; tháng 2 là 1,700 tấn; tháng 3 là 2,500 tấn và trung bình đạt 2,100 tấn/tháng trong quý 1/2016. Miền Nam tháng 1 đạt sản lượng trên 2,500 tấn; tháng 2 đạt 2,466 tấn, tháng 3 đạt 3,059 tấn - đây là sản lượng kỷ lục kể từ khi thành lập công ty và đang trên đà phát triển tốt, ông Loan chia sẻ.
Giải pháp tăng sản lượng là quan trọng nhất. Ông Loan giải thích, biên lợi nhuận ngành kinh doanh của ASP là rất thấp, khác với các doanh nghiệp được Nhà nước bao tiêu, ASP phải tự vận hành tất cả các khâu bán hàng, chiết nạp…, chi phí nhân công và đầu tư không hề nhỏ. ASP giảm chi chí ở nhiều khâu bằng nhiều cách, ông Loan dẫn chứng, với hệ thống gas Bình Minh, ASP sẽ giảm điểm bán hàng một nửa còn khoảng 59, tăng công suất nhân viên, giảm chi phí thuê nạp. Trước mắt, quý 1/2016, chi phí nhân lực tăng (do có tháng Tết khiến việc bán hàng không ngừng nghỉ, lương nhân viên trả gấp 3 và thêm các phụ cấp khác) trong khi giá cả sụt mạnh. Thiệt hại tồn kho trong 2 tháng đầu năm phía Nam là trên 5 tỷ đồng và công ty lỗ 3.5 tỷ đồng. Dự kiến tháng 4 cả sản lượng, lợi nhuận và quản trị sẽ tốt hơn. Mục tiêu lợi nhuận 40 tỷ đồng cho cả năm của Công ty sẽ hoàn toàn có thể đạt được, ông Loan khẳng định.
Kết thúc đại hội, cổ đông thông qua tất cả các tờ trình, trong đó có việc bầu bổ sung ông Kentaro Jimba vào HĐQT thay thế ông Yoshinori Yoshida. Hiện ông Jimba đang là Giám đốc Giadinh gas ở phía Bắc, ông cam kết mục tiêu của thị trường ngoài Bắc sẽ không còn lỗ và thời gian ngắn nhất sẽ có lợi nhuận.
Ngoài ra, Ban kiểm soát của ASP sẽ được đổi thành Ban kiểm toán nội bộ để tăng hiệu quả kiểm soát và minh bạch tài chính cho Công ty thời gian tới.
Với khoản nợ khó đòi gần 16 tỷ đồng của CTCP Năng lượng Vinabenny, Ban lãnh đạo ASP sẽ cố gắng thu hồi trong năm 2016. Ngoài ra, việc cổ phiếu giảm trong thời gian qua là do tình hình kinh doanh không được thuận lợi và Công ty chưa công bố thông tin kịp thời đến nhà đầu tư. Thời gian tới, khi hiệu quả kinh doanh cải thiện thì thị giá cổ phiếu sẽ thay đổi, Công ty sẽ không can thiệp gì đến giá cổ phiếu.
Diễn biến cổ phiếu ASP trong 12 tháng qua
Kết thúc phiên 08/04, giá cổ phiếu ASP ở mức 3,900 đồng/cp
|
|