Thứ Sáu, 08/04/2016 09:23

[Bài cập nhật]

ĐHĐCĐ ACB: Ước lãi 400 tỷ trong quý 1

Sáng 08/04, Ngân hàng TMCP Á Châu (HNX: ACB) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2016 đã thông qua kế hoạch lãi trước thuế 1,503 tỷ đồng, tăng 14% so với năm trước. Trong quý 1/2016, ACB đạt lợi nhuận 400 tỷ đồng, đại diện Ngân hàng cho biết việc thực hiện kế hoạch 2016 là trong tầm tay.

* 12h15: Đại hội thông qua tất cả các tờ trình.

* 11h35: Đại diện NHNN phát biểu.

Về một số vấn đề tồn đọng của ACB. Trong quá trình tái cơ cấu, các vấn đề trong 2015 chưa giải quyết được và phải đặt tiếp cho năm sau. ACB cần phải kiên quyết xử lý các vấn đề này và cho Ngân hàng cơ chế xử lý các khoản tiền gửi đến năm 2019-2020.

Về cổ tức, NHNN cũng khuyến khích chia bằng cổ phiếu.

* 10h30: Đại hội thảo luận.

Ước lãi 400 tỷ đồng trong quý 1

Kết quả kinh doanh quý 1/2016 của ACB?

Tính đến cuối quý 1/2016, tăng trưởng tín dụng của ACB đạt 6% (tính đến 07/04 là tăng trưởng 7.2%), huy động tăng 5%. Ngân hàng trích lập dự phòng 200 tỷ đồng, đây là khoản tạm trích để ổn định bảng cân đối kế toán, nếu xử lý được nợ xấu sẽ hoàn nhập vào kết quả kinh doanh.

Lợi nhuận ước tính đạt 400 tỷ đồng.

Đại diện ACB cho biết việc thực hiện kế hoạch 2016 là trong tầm tay.

ACB đã bán nợ bao nhiêu cho VAMC?

Từ năm 2014-2015, ACB đã bán nợ xấu cho VAMC hơn 2,200 tỷ đồng, tuy nhiện đã thu về hơn 400 tỷ đồng.

Trong năm 2016, ACB không có kế hoạch bán nợ xấu cho VAMC do có thể kiểm soát được nợ và tự xử lý nợ xấu.

Đã trích lập ngàn tỷ cho nợ nhóm 6 công ty

Trích lập dự phòng cho nợ của nhóm 6 công ty là bao nhiêu?

ACB đã tiên liệu kế hoạch xấu nhất khi trích lập dự phòng 1,000 tỷ cho nợ của nhóm 6 công ty này, trong đó trích lập 200 tỷ đồng trong quý 1/2016. ACB đánh giá có khả năng thu phần lớn khoản nợ này và có thể hoàn nhập dự phòng.

Kế hoạch trích lập dự phòng với các khoản tiền gửi tại các ngân hàng 0 đồng như thế nào?

Hiện ACB có hai khoản tiền gửi liên ngân hàng tại các ngân hàng 0 đồng là Ngân hàng Xây dựng (CB) và Ngân hàng Dầu khí Toàn Cầu (GPBank).

Trong đó, khoản tiền gửi tại Ngân hàng CB là 400 tỷ đồng, từ quý 4/2015 hai bên đã cơ cấu lại thời hạn cho khoản tiền gửi này là 5 năm, mỗi năm trả 1/5, với lãi suất 2%. Khoản tiền gửi này được đảm bảo bằng trụ sở của Ngân hàng CB với giá trị tài sản đảm bảo được đánh giá là hơn 400 tỷ đồng. ACB có trích lập dự phòng khoản tiền gửi này trong năm 2015 là 176 tỷ cho khoản nợ. Nếu đến quý 2/2016, khoản này trở lại nợ nhóm 1 thì ACB sẽ hoàn nhập dự phòng.

Còn khoản tiền gửi tại GPBank là 772 tỷ đồng, ACB đã mua tài sản để gán nợ, tính đến ngày hôm qua (07/04), ACB đã mua nợ hơn 500 tỷ đồng, chuyển nợ từ không sinh lời tốt sang sinh lời tốt, với lãi suất 7.2%.

Năm 2016, ACB sẽ tất toán các khoản tiền gửi không sinh lời và chuyển thành tài sản sinh lời tốt.

Mục đích phát hành trái phiếu của ACB là gì?

ACB có kế hoạch phát hành trái phiếu vốn cấp 2 là 2,000 tỷ đồng để bổ sung vốn chủ sở hữu và chuẩn bị bước đệm dự phòng cho những tác động khi áp dụng chính thức Basel 2 vào tháng 2/2017.

Tỷ lệ an toàn vốn hiện nay của ACB theo Basel 2 là bao nhiêu?

Tỷ lệ an toàn vốn hiện nay của ACB theo Basel 2 là 8%.

Lỗ từ hoạt động đầu tư trong năm 2015 của ACB là do đâu?

Khoản lỗ này là do kỹ thuật hạch toán kế toán. Trong đó, đầu tư trái phiếu Chính phủ có mức sinh lời 521 tỷ đồng, trái phiếu doanh nghiệp phải trích lập dự phòng cho nhóm 6 công ty, cổ phiếu (đầu tư chứng khoán) gồm 2 danh mục đầu tư chiến lược từ năm 2010 là DPM và Xi măng Bút Sơn. Với DPM, ACB đã được chia cổ tức, nhìn ở góc độ tài chính thì khoản đầu tư này không lỗ, tuy nhiên phải hạch toán kế toán dự phòng rủi ro 96 tỷ. Còn khoản đầu tư vào Xi măng Bút Sơn trích lập 176 tỷ đồng.

Chia sẻ về việc trích lập các khoản dự phòng này, ACB cho biết Ngân hàng sẽ chuyển các khoản đầu tư chiến lược sang sẵn sàng để bán nên phải thực hiện việc trích lập.

Vì sao Standard Chartered rút người ra khỏi HĐQT ACB? Standard Chartered sẽ tiếp tục đầu tư hay rút vốn ra khỏi Ngân hàng?

Mục tiêu khi đầu tư vào ACB của Standard Chartered là sẽ đưa các chuyên gia vào HĐQT và Ban điều hành ACB. Sau khi cung cấp nhân sự, Standard Chartered sẽ cùng điều hành và chuyển giao kỹ năng lại cho ACB.

Như vậy, Standard Chartered đã từng bước đào tạo người thay thế chuyên gia biệt phái của mình, Standard Chartered nhận thấy năng lực của ACB đã phát triển mạnh, quyết định rút người và công tác chuyển giao nhân sự xem như đã hoàn thành.

Hiện cổ đông nước ngoài tại ACB có 3 đơn vị là Standard Chartered, Connaught Investors Ltd và Dragon Financial Holdings Ltd. Trong đó Connaught Investors Ltd và Dragon Financial Holdings Ltd đã đầu tư từ 1997, Standard Chartered đầu tư từ năm 2005.

Standard Chartered khẳng định tiếp tục là đối tác chiến lược đầu tư bền vững vào ACB.

Kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2016 là 18%, chi tiết các mảng hoạt động như thế nào? ACB đã đầu tư bao nhiêu cho kỹ thuật số và hạ tầng?

ACB đặt kế hoạch tăng trưởng tín dụng các mảng cụ thể gồm cá nhân 25%, doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) 15%, doanh nghiệp lớn (chọn lọc và cơ cấu lại) 5%.

Về đầu tư vào kỹ thuật số và hạ tầng, ACB đã bỏ tiền đầu tư từ năm 2014 (nâng cấp core banking) đến nay là 400 tỷ đồng.

Kế hoạch lập công ty tài chính tiêu dùng của ACB đã làm đến đâu?

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm trước, ACB đã thông qua phương án thành lập/mua lại công ty tài chính và hiện vẫn tiếp tục triển khai kế hoạch này. Trong năm 2015, ACB dự định mua lại công ty tài chính nhưng những công ty trong tầm ngắm có hoạt động không khả quan và có thể gây lỗ ảnh hưởng đến Ngân hàng.

ACB đang cân nhắc và chọn thời điểm phù hợp về việc thành lập công ty tài chính tiêu dùng mới vì NHNN đã ban hành thông tư cho phép thành lập công ty tài chính.

Đại diện ACB cũng cho biết thêm, hoạt động cho vay tiêu dùng tại Ngân hàng đang sinh lời tốt, dư nợ hiện khoảng 18,000 tỷ đồng, ACB sẽ chuyển khoản này qua coogn ty tài chính tiêu dùng quản lý sau khi thành lập xong.

1,600 tỷ đồng xử lý nợ quá khứ

* 10h20: Ông Trần Hùng Huy – Chủ tịch HĐQT chia sẻ, năm 2015 là năm thứ ba trong chiến lược 5 năm của Ngân hàng. ACB đã cải thiện khả năng sinh lời, hệ thống kinh doanh phát huy hiệu quả hơn sau khi sắp xếp lại.

Tuy nhiên, ACB lẽ ra làm tốt hơn trong 2015 nếu không hài hòa vấn đề xử lý tồn đọng trong quá khứ, Ngân hàng đạt xấp xỉ 3,000 tỷ lợi nhuận thuần túy từ hoạt động kinh doanh, như vậy ACB đã dùng hơn 1,600 tỷ đồng để xử lý nợ quá khứ.

Định hướng 2016 ACB sẽ tiếp tục tập trung sâu hơn phân phúc ngân hàng bán lẻ.

* 09h15: Đại diện ACB trình bày báo cáo của HĐQT và Ban điều hành

* 09h05: Đại hội khai mạc với sự tham dự của các cổ đông đại diện tỷ lệ 71% cổ phần có quyền biểu quyết.

Trước thềm Đại hội

Ngân hàng ACB đặt chỉ tiêu năm 2016 với tổng tài sản tăng 18%, đạt 237,000 tỷ đồng. Tín dụng của Ngân hàng tăng trưởng tối đa hạn mức NHNN cho phép, dự kiến khoảng 18%; vốn huy động từ tiền gửi khách hàng cũng tăng trưởng ở mức 18%. Tỷ lệ nợ xấu duy trì dưới 3%. Lợi nhuận trước thuế của ACB trong năm 2016 dự kiến 1,503 tỷ đồng, tăng 14% so với năm trước.

ACB sẽ trình cổ đông kế hoạch chia cổ tức 2016 bằng cổ phiếu tỷ lệ 10:1 thông qua phát hành cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận giữ lại. Tính đến thời điểm cuối tháng 3/2016, cổ đông lớn của ACB gồm có Standard Chartered sở hữu 15% vốn, Connaught Investors Ltd 7.26% và Dragon Financial Holdings Ltd 6.81%.

Tính đến cuối năm 2015, huy động vốn của ACB đạt 175,000 tỷ đồng, tăng 13% so với đầu năm; dư nợ cho vay tăng 15% lên 134,000 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh từ 2.17% xuống 1.32%. ACB cho biết quỹ dự phòng đạt 87% trên tổng quy mô nợ xấu.

Lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng năm 2015 đạt 1,314 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2014 và đạt 100% kế hoạch năm 2015. Riêng trong quý 4/2015, ACB đạt lợi nhuận trước thuế hơn 220 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt ACB báo lỗ thuần từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư hơn 993 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lãi 65 tỷ đồng.

Cuối năm 2015 vừa qua, NHNN đã phê duyệt điều chỉnh phương án cơ cấu lại ACB giai đoạn 2013-2015. Theo đó, NHNN đã chấp thuận cho ACB chuyển nhượng các trái phiếu và bất động sản cho Ngân hàng Dầu khi Toàn cầu (GPBank) để cấn trừ khoản tiền gửi 772 tỷ đồng (thoái toàn bộ lãi dự thu 125.5 tỷ đồng); điều chỉnh kỳ hạn thu hồi khoản tiền gửi 400 tỷ đồng tại Ngân hàng Xây dựng (CB) và lãi liên quan; phê duyệt việc phân loại nợ, điều chỉnh kế hoạch thu hồi nợ và trích lập dự phòng của nhóm 6 công ty. Còn về khoản tiền gửi 719 tỷ đồng tại Ngân hàng Công thương – VietinBank (CTG), ACB đã sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro đối với khoản tiền gửi không có khả năng thu hồi này.

Ngoài ra, ông Julian Fong Loong Choon – Thành viên HĐQT ACB (đến từ Standard Chartered Bank) đã có thư từ nhiệm chức danh Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2013 – 2017 vào ngày 22/07/2015, và ACB sẽ trình ĐHĐCĐ thông qua vấn đề này./.

Các tin tức khác

>   HHG: Nghị quyết HĐQT thông qua thời gian, địa điểm tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2016 (08/04/2016)

>   DNP: Giấy chứng nhận Đăng ký doanh nghiệp Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Nước DNP Tiền Giang. (08/04/2016)

>   HAT: Nghị quyết HĐQT (08/04/2016)

>   DNP: Thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (08/04/2016)

>   DL1: Góp 8 tỷ đồng vào Phú Thành Gia Pleiku (08/04/2016)

>   IVS: Ngày đăng ký cuối cùng trả cổ tức bằng tiền mặt (08/04/2016)

>   Báo cáo thường niên năm 2015 (08/04/2016)

>   Vàng bạc đá quý Sài Gòn đặt kế hoạch lãi 99 tỷ, thoái vốn và M&A nhiều đơn vị (08/04/2016)

>   ACB: Báo cáo thường niên 2015 (08/04/2016)

>   TET: Báo cáo thường niên 2015 (08/04/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật