Dầu đảo chiều sau 2 phiên tăng mạnh
- Kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc nhảy vọt
- OPEC có thể thảo luận về kế hoạch “đóng băng” sản lượng tại cuộc họp tháng 6/2016
Các hợp đồng dầu thô tương lai quay đầu giảm giá vào ngày thứ Năm sau khi tăng mạnh trong 2 phiên giao dịch trước và lập đỉnh mới trong năm 2016 trong ngày thứ Tư, MarketWatch đưa tin.
Các chuyên viên giao dịch đo lường các tác động trái chiều đối với thị trường dầu. Cụ thể, dữ liệu cho thấy kim ngạch nhập khẩu dầu từ Trung Quốc nhảy vọt trong tháng trước và sản lượng dầu tại Mỹ giảm trong tuần gần nhất, qua đó góp phần hỗ trợ giá dầu. Tuy nhiên, dự trữ dầu thô tại Mỹ tiếp tục tăng cao. Điều này đã tác động tiêu cực đến giá dầu.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 6 trên sàn Nymex rớt 1 USD (tương ứng 2.3%) xuống 43.18 USD/thùng. Được biết, hợp đồng này đã vọt 7% trong 2 ngày vừa qua, đồng thời khép phiên ngày thứ Tư tại mức cao nhất trong năm 2016.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 6 trên sàn London hạ 1.27 USD (tương ứng 2.8%) xuống 44.53 USD/thùng.
Kim ngạch nhập khẩu dầu từ Trung Quốc tăng 21.6% so với cùng kỳ năm ngoái lên 7.7 triệu thùng/ngày, mức cao kỷ lục thứ 2, nhờ nhu cầu dự trữ từ Chính phủ nước này. Điều đó đã xoa dịu nỗi lo sợ nhu cầu từ quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ 2 trên thế giới đang suy yếu.
Hôm thứ Tư, dữ liệu chỉ ra dự trữ dầu vọt 2.1 triệu thùng trong tuần trước và tiếp tục tiến sát các mức cao kỷ lục. Tuy nhiên, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cũng cho biết sản lượng dầu nội địa lao dốc 6 tuần liền xuống 8.95 triệu thùng. Trong tháng 4/2015, sản lượng dầu tại Mỹ chạm đỉnh tại mức 9.7 triệu thùng/ngày.
Các dấu hiệu cho thấy sản lượng đang sụt giảm đã gia tăng tâm lý lạc quan trong nhiều tuần qua. Động lực chính đem lại đà tăng cho giá dầu trong 2 ngày qua xuất phát từ 3 ngày đình công của công nhân dầu mỏ ở Kuwait, ngay cả khi thỏa thuận bất thành giữa các nhà sản xuất trong và ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) trong cuộc họp ở Doha vào ngày Chủ nhật.
Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, hợp đồng xăng giao tháng 5 tiến 1 xu lên 1.516 USD/gallon nhưng hợp đồng dầu sưởi giao tháng 5 lùi 3.2 xu (tương ứng 2.4%) xuống 1.30 USD/gallon.
Trong khi đó, hợp đồng khí thiên nhiên tương lai gần như đi ngang sau khi báo cáo của EIA, được công bố trong ngày thứ Năm, chỉ ra nguồn cung nhiên liệu này nhảy vọt 7 tỷ feet khối trong tuần kết thúc ngày 15/04/2016, cao hơn con số dự báo tăng 2 tỷ feet khối từ các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò của Platts.
Hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 5 hạ 0.1% xuống 2.068 USD/MMBtu sau khi tích tắc giảm sút do dữ liệu nguồn cung. Được biết, trước khi dữ liệu nguồn cung được công bố, hợp đồng này dao động ở mức 2.075 USD/MMBtu./.
|