5 năm tăng trưởng liên tục, đường đi có luôn trải hoa hồng cho Nhựa Bình Minh?
Lãi ròng bất ngờ nhảy vọt trong năm 2015 và bỏ xa nhiều doanh nghiệp niêm yết khác, Nhựa Bình Minh (HOSE: BMP) còn có một quá khứ hoành tráng là sự tăng trưởng liên tục trong 5 năm liền. Để đạt được kết quả này BMP đã thực hiện ra sao? Liệu đường đi có luôn được trải đầy hoa hồng?
Năm 2015, lợi nhuận sau thuế của BMP đã lên trên mốc 519 tỷ đồng, tăng trưởng 38% so với năm trước. Đây là mức lãi cao nhất từ khi niêm yết đến nay của BMP và cũng bỏ rất xa đối thủ lớn nhất trong ngành nhựa niêm yết là NTP (366 tỷ đồng). Ngoài ra, BMP cũng nằm trong số ít doanh nghiệp liên tục tăng trưởng đều trong 5 năm qua với mức lãi ròng đạt được năm sau cao hơn năm trước.
Lãi ròng của BMP (Đvt: Tỷ đồng)
|
Chia sẻ với người viết, bà Nguyễn Thị Kim Yến – Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc cho biết, thành công của BMP đến từ những điều đơn giản như chính sách kinh doanh linh hoạt dựa trên đảm bảo về chất lượng, xem lợi ích của những đối tác như là lợi ích của mình. Người dùng sử dụng sản phẩm BMP cũng hoàn toàn yên tâm vì họ có thể sử dụng sản phẩm lâu bền, đó là yếu tố đó khiến thương hiệu BMP ngày càng nổi tiếng hơn và vì vậy hiệu quả hoạt động kinh doanh của Công ty ngày càng vững chắc hơn. Đồng thời, việc đội ngũ nhân viên trong Công ty luôn tin tưởng vào dàn lãnh đạo và cổ đông bên ngoài cũng hoàn toàn tin tưởng yên tâm gửi đồng vốn là sức mạnh riêng của BMP.
Làm người khổng lồ sẽ càng áp lực
Nói về bước đi trong tương lai, bà Yến cho biết trong năm 2016, BMP sẽ gặp một số khó khăn về giá nguyên vật liệu và yếu tố cạnh tranh trong ngành. Năm 2015, giá nguyên vật liệu chỉ ở mức thấp nhưng đầu năm nay giá nguyên vật liệu đã tăng lên từ 10-12%, việc đến 70% giá thành của BMP được cấu thành bởi nguyên vật liệu thì đây sẽ là một gánh nặng không nhỏ. Bên cạnh đó, nguyên vật liệu chính của BMP là PVC - sản phẩm của ngành hóa dầu nhưng giá dầu mỏ hiện nay không phải là giá trị thực của sản phẩm. Giá dầu mỏ hiện tại bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác, bao gồm cả yếu tố chính trị quốc tế, giá lên nhanh nhưng cũng có thể leo dốc nhanh chóng.
Mặt khác, BMP cũng có những khó khăn riêng. Hiện nay Công ty đã trở thành một người khổng lồ, mà người khổng lồ thường hay di chuyển khó khăn. Lợi nhuận sau thuế năm 2015 của BMP đã vượt trên ngưỡng 500 tỷ đồng trong khi lãi ròng của các doanh nghiệp cùng ngành là dưới 500 hoặc dưới 450. Nếu năm 2016, BMP công bố thông tin chỉ lời có 500 tỷ thì chắc chắn sẽ gây sốc đối với nhà đầu tư. Họ sẽ hỏi phần chênh lệch đi đâu rồi? Đó chính là điều khó khăn khi một doanh nghiệp đã lên tới một đỉnh nào đó thì sẽ không được phép thụt lùi. Như vậy chính những thành công của BMP đã quay trở lại gây áp lực và trách nhiệm lớn cho ban điều hành.
“Có lần tôi tranh luận với SCIC về việc giao kế hoạch cho Công ty thì tôi nhận được câu trả lời: thế mới là Bình Minh”, bà Yến chia sẻ.
Thêm vào đó, một khó khăn khác đối với BMP là tốc độ tăng trưởng nguồn nhân lực không theo kịp với quy mô Công ty và bị thiếu hụt nguồn nhân lực. Các công ty săn đầu người nhắm vào BMP để lôi kéo chất xám và chính sách của Nhà nước cũng gây khó khăn nhất định cho doanh nghiệp, đặc biệt là chính sách thuế.
Trong những năm gần đây, BMP liên tục tăng vốn chủ sở hữu, từ hơn 1,000 tỷ đồng lên gấp đôi là 2,015 tỷ đồng trong năm 2015. Bà Yến cho biết mặc dù trong năm 2016, BMP chưa có ý định tăng vốn nhưng tại ĐHĐCĐ vào tháng 4 sẽ có những bước tái cơ cấu toàn Công ty.
Hiệu quả doanh nghiệp mới là yếu tố quan trọng
Về câu chuyện Tổng Công ty Đầu tư Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC) thoái vốn khỏi BMP, bà Yến nhận định đây là một chủ trương của Nhà nước về việc rút chân ra khỏi các doanh nghiệp vào thời điểm thích hợp chứ không có nghĩa là rút ngay lập tức. Tùy theo điều kiện khách quan mà SCIC sẽ quyết định thoái hay không thoái và không chắc trong năm 2016 có thể thực hiện được.
Thế nhưng, trong trường hợp SCIC thoái vốn thì chủ trương của BMP xem cổ đông nào cũng có giá trị như nhau. Có nhiều dạng cổ đông như quỹ đầu tư tài chính thì điều họ quan tâm chỉ là lợi nhuận, còn cổ đông chiến lược thì họ quan tâm đến lợi ích và mục tiêu lâu dài. Và dù cho là ông chủ nào thì cuối cùng hiệu quả của doanh nghiệp cũng sẽ được đặt lên hàng đầu.
“Mình có thể bỏ tiền ra mua một miếng đất hoặc là căn nhà nát để xây nhà, còn nếu mình đã bỏ tiền ra mua một căn biệt thự đẹp, không những đẹp mà còn nổi tiếng thì liệu mình có đập nát căn biệt thự đó để xây lại hay không, chắc là không. Chính vì vậy, tôi hoàn toàn tin tưởng vào tương lai của BMP dù có thay đổi ông chủ nào đi chăng nữa”, bà Yến bày tỏ./.
|