[Bài cập nhật]
Vượt CJ, Anco trở thành cổ đông chiến lược của Vissan
Sáng ngày 24/03, Vissan đã tổ chức buổi chào bán đấu giá 11.33 triệu cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược. Mức giá khởi điểm chào bán cho nhà đầu tư chiến lược sẽ là 80,100 đồng/cp, tương ứng với mức giá đấu thành công bình quân tại phiên IPO diễn ra vào ngày 07/03 vừa qua.
Trong danh sách này, ba nhà đầu tư được chấp thuận bao gồm CTCP Việt - Pháp Sản xuất Thức ăn gia súc (Proconco), CTCP Dinh dưỡng Nông nghiệp Quốc tế (Anco) và Tập đoàn CJ CheilJedang.
Đại diện các bên tham gia đấu giá Anco, Proconco và Tập đoàn CJ CheilJedang
|
Theo đó, Anco đã chính thức vượt qua Proconco và CJ để trở thành nhà đầu tư chiến lược khi đưa ra mức giá cao nhất là 126,000 đồng/cp. Còn Proconco đặt mức giá 125,000 đồng/cp và CJ đưa ra mức giá 120,000 đồng/cp.
Như vậy, với mức giá đưa ra, Anco đã phải chi ra gần 1,428 tỷ đồng để sở hữu toàn bộ 11.33 triệu cp Vissan chào bán cho nhà đầu tư chiến lược đợt này.
Sau đợt chào bán này, cơ cấu cổ đông của Vissan gồm Nhà nước giữ 65% vốn, Anco giữ 14%, các cổ đông bên ngoài khác chiếm 14% và còn lại 7% sẽ dành cho cán bộ công nhân viên và tổ chức công đoàn của công ty, tương đương vốn điều lệ 809 tỷ đồng.
Toàn bộ số tiền thu về từ hơn 2,500 tỷ đồng từ đợt IPO (hơn 900 tỷ) và đợt chào bán cho nhà đầu tư chiến lược (hơn 1,400 tỷ đồng) sẽ do Nhà nước thu về, Vissan sẽ giữ lại vốn điều lệ hoạt động của mình.
Cùng với sự tham gia của nhà đầu tư chiến lược, ông Văn Đức Mười - Tổng giám đốc Vissan cho biết Anco có hệ thống trang trại rộng lớn sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động chăn nuôi của Vissan.
Về kế hoạch hoạt động của Vissan, ông Lê Tùng - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty thương mại Sài Gòn (Satra - đơn vị nắm 65% vốn của Vissan) cho biết hiện Công ty đang triển khai xây dựng nhà máy thực phẩm tại Long An với tổng vốn đầu tư 80 triệu USD với quy mô hiện đại nhất Đông Nam Á.
Nhà đầu tư chuẩn bị bỏ phiếu đấu giá vào thùng phiếu
|
Trước đó, đã có nhiều thông tin nghi ngờ về việc đáp ứng tiêu chí nhà đầu tư chiến lược của Tập đoàn CJ. Đặc biệt là với điều kiện về năng lực tài chính có quy định hệ số tổng số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu tại thời điểm 30/09/2015 không vượt quá 1.5 lần. Tuy nhiên, tỷ lệ này của CJ CheilJedang Corporation vào cuối tháng 9/2015 không đáp ứng được quy định nếu tính toán theo số liệu báo cáo hợp nhất chưa kiểm toán (ở mức 1.61 lần); trường hợp tính riêng công ty mẹ (do Bloomberg cung cấp) thì tỷ lệ này ở mức 1.15 lần, đáp ứng được tiêu chí lựa chọn.
Toàn cảnh buổi đấu giá sáng ngày 24/03
|
Chia sẻ tại buổi đấu giá, ông Lê Tùng cho biết tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của CJ theo báo cáo kiểm toán là 1.15 lần, đáp ứng tiêu chí đề ra. Theo đó, cả ba tổ chức Proconco, Anco, Tập đoàn CJ đều được tham gia đấu giá để chọn ra nhà đầu tư chiến lược của Vissan.
Trong đợt IPO của Vissan ngày 07/03/2016 vừa qua diễn ra đầy kịch tính khi tổng khối lượng đăng ký tham giá đấu giá gấp 5.6 lần khối lượng chào bán ra công chúng (11.3 triệu cp), và giá đấu thành công bình quân đạt 80,053 đồng/cổ phần, gấp gần 5 lần giá khởi điểm (17,000 đồng/cổ phần), giá trúng thấp nhất là 67,000 đồng/cp. Trong đó, theo thông tin từ báo chí, công ty con của Tập đoàn CJ – nhà đầu tư bỏ giá cao nhất 102,000 đồng/cp để gom về 4.18% vốn Vissan trong đợt IPO này.
Ngày 29/04 tới, Vissan sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên lần đầu./.
|