Thứ Năm, 17/03/2016 16:59

Vì sao giá dầu vẫn khó “bứt”?

OPEC và các nước ngoài khối dự kiến sẽ tổ chức một phiên họp chung nhằm tìm giải pháp mới trong bối cảnh giá dầu liên tục lao dốc. Tuy nhiên, theo nhận định của giới quan sát, phiên họp này khó có thể diễn ra vì Iran vẫn chưa sẵn sàng đóng băng sản lượng. Nếu vậy, giá dầu có thể vẫn chưa có cơ hội phục hồi?

 

Dự báo giá dầu thô của Worldbank từ năm 2015 đến 2025 (đơn vị tính: USD/ thùng)

Dù trước đó, người ta rất mong chờ cuộc gặp mở rộng của OPEC, nhưng việc một quan chức cao cấp của Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố Tehran phải giành lại thị phần đã mất trên thị trường dầu thô toàn cầu trước khi tham gia bất kỳ thỏa thuận nào về việc hạn chế nguồn cung đã như dội một gáo nước lạnh vào thị trường dầu mỏ sau mấy ngày “ngóc đầu” tăng trở lại.

Iran quyết “bơm” dầu vào thị trường

Thực ra việc OPEC khó có thể nhóm họp mở rộng đã được giới phân tích nhận định từ trước, là bởi vì mấu chốt vấn đề vẫn là Iran trước sau vẫn khăng khăng không chịu giảm một giọt sản lượng nào. Thậm chí, trong cuộc trả lời phỏng vấn CNN cách đây không lâu, Thứ trưởng Dầu mỏ Iran – Amir Hossein Zamaninia cho biết vẫn giữ kế hoạch tăng sản xuất thêm 1 triệu thùng dầu/ ngày, đạt mức sản lượng 4,7 triệu thùng/ngày trong năm 2017. “Iran không phải là nguồn cơn của sự biến động hiện tại. Chúng tôi sẽ không tự trừng phạt mình lần nữa, sau khi đã thoát các lệnh cấm vận quốc tế” – ông cho biết.

Ông Amir Hossein Zamaninia cũng nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn tăng sản xuất lên mức trước khi bị trừng phạt. Khi đó, chúng ta có thể ngồi lại với nhau và bàn bạc chiến lược cho tương lai”.

Thực ra cũng khó có thể trách được Iran, bởi thực tế là nước này đã phải chịu một thời gian dài cấm vận, dù dầu có nhiều nhưng không thể bán được nên kinh tế gặp rất nhiều khó khăn. Đến nay, sau khi được dỡ bỏ cấm vận, dù gặp đúng lúc giá dầu thế giới đang lao dốc thảm hại, song có còn hơn không, Iran luôn tuyên bố sẽ đẩy mạnh khai thác để lấy lại những gì mình đã phải chịu đứng bây lâu nay. Cho nên, việc ông Thứ trưởng dầu mỏ Iran trả lời CNN như trên cũng không phải là điều khiến giới quan sát ngạc nhiên.

Điều đáng nói là dù Iran đã vậy, nhưng ngay bản thân OPEC cũng không chịu giảm sản lượng, dù Nga đã đôi ba lần đánh tiếng sẽ ngồi với OPEC để bàn về việc giảm sản lượng. Nhưng có vẻ như các nước OPEC cũng không chịu giảm sản lượng do nguồn thu từ dầu vẫn được xem là nguồn thu chính của các nước này.

Trong khi đó, mối thâm thù giữa Iran và Arabia Saudi – nước được xem là có sản lượng lớn trong khối OPEC đã khiến cho tình hình giá dầu thế giới càng trở lên nóng bỏng và phức tạp. Vì vậy, giá dầu đang chịu sự chi phối lớn từ những xung đột chính trị. Mặt khác, Arabia Saudi cũng quyết không giảm sản lượng để bảo vệ thị phần đã càng đẩy giá dầu xuống sâu.

Mặc dù Arabia Saudi tuyên bố sẵn sàng cắt giảm nếu các nước khác cũng cắt giảm. Tuy nhiên, nếu nhìn những động thái này của Arabia Saudi rõ ràng đang ám chỉ Iran. Nhưng với việc quan chức Iran tuyên bố không cắt giảm sản lượng thì rõ ràng Arabia Saudi khó có thể tự mình hành động.

Trả lời báo giới gần đây, Phó chủ tịch Cty nghiên cứu IHS Daniel Yergin nói rằng, Saudi Arabia luôn nói sẽ không tự cắt giảm sản lượng một mình, mà sẽ chỉ cắt giảm nếu các nước xuất khẩu dầu lớn khác cũng làm như vậy. Họ sẽ không chịu đòn thay cho người khác.

Trước đó dù đã có những đồn đoán về việc Nga sẽ bắt tay OPEC để “cứu” thị trường dầu mỏ thế giới, nhưng đến nay có thể khẳng định rằng chuyện này sẽ rất khó bởi ngay bản thân kinh tế Nga cũng đang rất khó khăn và nguồn thu từ dầu đối với Nga cũng không hề nhỏ, dù cho giá dầu có giảm.

Giá dầu mỏ có thể phải đợi đến năm 2017 mới phục hồi trở lại song ở mức chậm do nguồn cung dư thừa so với nhu cầu.

Giá dầu sẽ đi về đâu?

Rõ ràng, thị trường giá dầu chưa bao giờ khủng hoảng và phức tạp như hiện nay, đó là sự đan xen giữa giá cả thị trường và tình địa chính trị trên thế giới. Nhìn một cách tổng thể thì giá dầu chưa bao giờ chịu sự chi phối chính trị như hiện nay.

Trong một báo cáo mới nhất mà Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố hôm cuối tuần trước cho thấy, giá dầu dù vẫn đang “lình xình” nhưng IEA cho rằng đã chạm đáy và sẽ phục hồi trong một vài tuần tới đây dù cho diễn biến tình hình địa chính trị thể giới vẫn có vẻ như vẫn chưa thực sự có lợi.

Theo IEA, dù Iran vẫn tuyên bố không giảm sản lượng, nhưng các nước XK dầu hàng đầu thế giới như Saudi Arabia, Venezuela, Qatar và Nga đã nhất trí “đóng băng” sản lượng khai thác để hạn chế nguồn cung trên thị trường. Đây được coi là hành động phối hợp đầu tiên của các nhà sản xuất dầu chủ chốt với mục tiêu đẩy “giá vàng đen” lên 50USD/thùng. Dù vậy, IEA cho rằng thỏa thuận trên sẽ khó có thể khiến giá dầu giảm được ngay trong những tháng tới do việc “đóng băng” này không làm vơi đi ngay được nguồn cung đang dư thừa trên khắp thế giới.

“Giá dầu mỏ có thể phải đợi đến năm 2017 mới phục hồi trở lại song ở mức chậm do nguồn cung dư thừa so với nhu cầu” – Báo cáo của IEA chỉ rõ.

Quốc Anh

diễn đàn doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   Dầu vọt gần 6% sau lịch trình nâng lãi suất mới của Fed (17/03/2016)

>   OPEC và các nhà sản xuất dầu lớn họp về bình ổn giá dầu (16/03/2016)

>   Đại diện Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga sắp thăm Việt Nam (16/03/2016)

>   PVN không muốn bao tiêu sản phẩm Nghi Sơn vì chất lượng dầu (16/03/2016)

>   Dầu trượt xuống mức thấp nhất trong hơn 1 tuần (16/03/2016)

>   Đến lượt Bộ Tài chính lên tiếng về chênh lệch thuế xăng dầu (15/03/2016)

>   Đến năm 2018, cung xăng dầu sẽ vượt cầu (15/03/2016)

>   Dầu xóa gần 50% đà tăng của tuần trước (15/03/2016)

>   Bộ Công Thương lên tiếng về chênh lệch trong cách tính thuế xăng dầu (14/03/2016)

>   Người dùng "gánh hộ” thuế xăng dầu: Ai tạo ra chênh lệch? (14/03/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật