Trái phiếu đảm bảo thanh khoản CII có gì hấp dẫn?
Tại buổi gặp mặt nhà đầu tư sáng ngày 14/03, CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TPHCM (HOSE: CII) đã đưa ra kế hoạch phát hành 700 tỷ đồng trái phiếu đảm bảo thanh khoản, đây là một sản phẩm tài chính mới trên thị trường tài chính Việt Nam hiện nay.
Buổi tiếp xúc nhà đầu tư diễn ra sáng ngày 14/03
|
Cụ thể, trình bày tại buổi họp mặt, ông Lê Quốc Bình cho biết CII Holdings hoặc CII B&R (LGC) sẽ thực hiện phát hành khoảng 700 tỷ đồng trái phiếu đảm bảo thanh khoản vào quý 2/2016. Thời hạn trái phiếu 2-7 năm với lãi dự kiến là lãi tiền gửi 12 tháng + 1%, kỳ hạn trả lãi là 3 tháng/lần.
Đây là loại trái phiếu được bảo lãnh tính thanh khoản bởi ngân hàng thương mại. Theo ông Bình, phương án phát hành trái phiếu đảm bảo thanh khoản hướng đến hai nhóm đối tượng là nhà đầu tư nhỏ và các doanh nghiệp đang có dòng tiền nhàn rỗi tạm thời. Lợi ích đem lại cho nhà đầu tư tham gia mua là có thể hưởng lợi tức cao hơn lãi tiền gửi tiết kiệm và có thể bán bất cứ lúc nào do đã có ngân hàng thương mại đảm bảo mua lại với lãi suất xác định trước (khác với lãi suất tiết kiệm hiện nay là có kỳ hạn). Đối với CII thì sẽ huy động được nguồn vốn rẻ hơn vốn vay. Mặt khác CII cũng có cam kết là các ngân hàng đảm bảo thanh khoản không được quyền nắm giữ trái phiếu và phải bán khi nhà đầu tư muốn mua.
Trước mắt CII hợp tác với Chứng khoán Sài Gòn (HOSE: SSI) để thực hiện giao dịch loại trái phiếu này, bởi hiện giao dịch trái phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) rất chậm, trong khi CII muốn đặt lệnh giao dịch trái phiếu này cũng như mua bán cổ phiếu. Vì thế, CII sẽ cân nhắc đưa loại trái phiếu này niêm yết trên HOSE trong tương lai, ông Bình cho biết.
Tính đến hiện tại, CII đã nhận được sự đồng ý tham gia bảo lãnh thanh khoản của một số ngân hàng và kỳ vọng rằng quý 3 có thể thực hiện thành công việc phát hành 700 tỷ đồng trái phiếu đảm bảo thanh khoản. Đây là bước thử nghiệm, nếu thành công CII dự kiến sẽ chuyển toàn bộ dư nợ vay (tính đến hiện tại khoảng 10,000 tỷ đồng và sẽ tăng thêm để đầu tư dự án) thành trái phiếu đảm bảo thanh khoản.
Tăng cường M&A dự án BOT/BT và doanh nghiệp nước
Về định hướng kinh doanh trong 3 năm tiếp theo (2016-2018), CII đặt mục tiêu doanh thu đạt 2,876 tỷ năm 2016 và cán mốc 5,579 tỷ đồng năm 2018; lãi ròng cổ đông công ty mẹ đạt 848 tỷ đồng năm 2016 và 1,257 tỷ năm 2018; EPS đã pha loãng từ 3,176 đồng tăng lên 4,708 đồng; duy trì chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ tối thiểu 16%/năm.
Năm 2016, doanh thu cầu đường dự kiến tăng trưởng 18% khi có thêm doanh thu từ dự án Phan Rang 2 (hoàn thành xây dựng và thông xe từ cuối năm 2015). Doanh thu mảng nước dự kiến tăng trưởng 53% khi dự án mạng lưới nước Củ Chi bắt đầu hoạt động. Doanh thu mảng xây lắp dự kiến tăng 26%, chủ yếu đến từ việc đẩy mạnh thi công dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và dự án Hạ tầng Thủ Thiêm. Còn dự án bất động sản Thủ Thiêm sẽ bắt đầu đóng góp doanh thu và lợi nhuận từ năm nay.
Chưa hết quý đầu năm nhưng ông Bình cho biết tính toán sơ bộ thì Công ty chắc chắn hoàn thành 100% kế hoạch lợi nhuận 2016 và 70% kế hoạch lợi nhuận năm 2017. Cụ thể, trong các tháng đầu năm CII đã ghi nhận lợi nhuận 430 tỷ từ việc chuyển nhượng cp LGC cho Metro Pacific Tollways Corporation (MPTC) và 150 tỷ từ bán Công ty TNHH Trường Thuận Phát (TTP); nếu hoạt động ở các đơn vị con ổn định thì sẽ thu 170 tỷ từ CII B&R, 120 tỷ từ CII E&C và một phần từ SII. Ngoài ra, CII vẫn đang thực hiện một số thương vụ quan trọng kỳ vọng sẽ đem về khoảng 200 tỷ đồng ngoài kế hoạch.
Về định hướng phát triển, CII sẽ tập trung hoàn thiện các dự án hiện hữu, đặc biệt là khai thác quỹ đất Thủ Thiêm; dừng phát triển các dự án mới có quy mô nhỏ, thay vào đó là thâu tóm các dự án BOT/BT đã thi công xây dựng xong và đang đưa vào khai thác thu phí hoàn vốn; nghiên cứu phát triển các dự án đường trên cao tại TPHCM và các tuyến đường cao tốc theo hình thức PPP có sự tham gia hỗ trợ của Nhà nước, lựa chọn những dự án quy mô từ 10,000 tỷ trở lên; đẩy mạnh việc mua lại các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực nước bao gồm nhà máy nước, mạng phân phối và xử lý nước thải.
Biến NBB thành CII Land tắc ở đâu?
Để hoàn thiện mảnh ghép cuối cùng CII Land trong 5 mảnh ghép của CII Holdings, HĐQT CII đã đưa ra phương án mua 40 – 50% vốn CTCP Năm Bảy Bảy (HOSE: NBB), song đến nay vẫn chưa xong. Nguyên nhân được ông Bình chia sẻ là do nhà đầu tư nước ngoài của NBB không đồng thuận. CII sẽ hợp tác với NBB theo hình thức rót vốn vào dự án mà CII muốn thực hiện.
Ông Bình cho biết CII vẫn sẽ theo đuổi phương án này, đồng thời thành lập Công ty TNHH MTV Bắc Thủ Thiêm để thực hiện các dự án hiện tại tạo nền tảng cho CII Land. Đây cũng là Công ty mà CII dự định chuyển toàn bộ mảng kinh doanh bất động sản để giảm ngành nghề kinh doanh mở đường cho nới room ngoại lên 100% (con đường nới room của CII bị tắc là do lĩnh vực bất động sản không được phép nới room).
Theo kế hoạch năm 2016, CII sẽ thành lập CII Land với vốn điều lệ 1,000 tỷ đồng (CII sở hữu 51%) và niêm yết trên HOSE. Hiện CII có các dự án bất động sản quan trọng là dự án Diamond Riverside, dự án 152 Điện Biên Phủ và dự án chiến lược khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm có tổng mức đầu tư 10,000 tỷ đồng, dự kiến khởi công trong quý 3/2016. Ông Bình cho biết CII vẫn còn chưa chọn được phương án nào để thực hiện. Điều này phát sinh bởi CII đang xúc tiến hợp tác với nhà đầu tư khác để đổi đất lấy hạ tầng, vị trí đất cũng đẹp không kém với Thủ Thiêm. Nếu thương vụ này xong thì CII sẽ có quỹ đất khá lớn vượt quá năng lực tài chính Công ty vì vậy có thể sẽ phải bán bớt một phần để tập trung phát triển phần còn lại. Hai phương án còn lại là xây nhà bán thực hiện hóa lợi nhuận ngay hoặc xây nhà cho thuê, qua đó khi người dùng hài lòng thì sẽ bán với giá cao hơn nữa (phương án này phải xem năng lực tài chính của CII đến đâu).
“Hiện lô 3.1 trong dự án Thủ Thiêm đã hoàn thiện phần thiết kết, CII đã thực hiện bán thử nghiệm để thăm dò thị trường và kết quả là cầu vượt cung rất lớn” – ông Bình cho biết./.
|