Chủ Nhật, 27/03/2016 08:50

Thông tin các TCTD phá sản tăng cao: Dễ gây nhầm lẫn

Báo cáo thống kê chuyên đề tình hình hoạt động DN của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ KH&ĐT) cho biết, số DN hoàn tất thủ tục giải thể những tháng đầu năm 2016 tăng cao. Đặc biệt, lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và y tế là 2 lĩnh vực có số DN giải thể, phá sản tăng mạnh nhất trong 2 tháng đầu năm.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc phá sản hay giải thể các tổ chức tín dụng (TCTD) không dễ dàng trong điều kiện hiện nay.

Theo đó, số DN hoàn tất thủ tục giải thể trong 02 tháng đầu năm 2016 của cả nước là 2.195 DN, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước.

Mổ xẻ nguyên nhân

Số lượng DN giải thể phần lớn là những DN có quy mô vốn đăng ký nhỏ dưới 10 tỷ đồng là 2.051 DN, chiếm tỷ lệ 93,4% . Những ngành, lĩnh vực có số DN giải thể tăng so với cùng kỳ năm 2015 như: Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội có 16 DN, tăng 300%; Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm có 23 DN, tăng 91,7%; Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản có 111 DN, tăng 88,1%;… Theo ông Hồ Sỹ Hùng, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký Kinh doanh (Bộ KH&ĐT) thì có nhiều nguyên nhân khiến DN đóng cửa. Khách quan là do kinh tế thế giới suy giảm, trong khi kinh tế VN phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu nên DN Việt gặp khó khăn, nhưng nguyên nhân chính là sự yếu kém trong năng lực nội tại của DN Việt, đặc biệt là các DNVVN. Số lượng DN giải thể, tạm ngừng hoạt động phần lớn là những DN có quy mô vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng cho thấy các DNVVN của VN có sức chống chọi kém với khó khăn thấp hơn hẳn so với những DN có quy mô lớn. Đặc biệt vì có quy mô nhỏ nên tâm lý của các ông chủ cũng dễ dàng buông xuôi khi gặp khó khăn hơn so với các DN lớn – ông Hùng nhận định.

Ở một góc độ khác, số lượng, DN hoạt động trên 3 năm có số lượng giải thể nhiều hơn so với DN mới thành lập. Cụ thể, số lượng DN giải thể có vòng đời hoạt động trong vòng 01 năm chiếm 4,3%; số DN hoạt động 02 năm, chiếm 19,5%; DN hoạt động từ 03 năm trở lên chiếm 76,2%. Tại sao? Có thể một trong những nguyên nhân chính như nhận định của nhiều chuyên gia là nhiều DN nhỏ thường dùng chiêu giải thể sau 3 năm hoạt động để tránh thuế, rồi sau đó lại thành lập một DN tương tự để hoạt động. Hiện số lượng các DN nhỏ và siêu nhỏ sống nhờ lách thuế kiểu này cũng không hề nhỏ.

Không dễ phá sản các TCTD

Cùng với việc Luật DN năm 2014 có hiệu lực từ ngày 1/1/2015, Luật Phá sản 2014 có hiệu lực. Luật đã đưa ra cơ chế mới cho giải thể và phá sản (TCTD) mà theo đó việc nộp đơn mở thủ tục giải thế phá sản ngân hàng chỉ thực hiện khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có một trong những văn bản như: văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt; văn bản chấm dứt áp dụng biện pháp phục hồi khả năng thanh toán; văn bản không áp dụng biện pháp phục hồi khả năng thanh toán…

Giải thể hay phá sản như số liệu công bố chỉ là các tổ chức quỹ tín dụng nhỏ, các chi nhánh giao dịch, không phải là các TCTD lớn.

Quy định trên là bắt buộc, tránh trường hợp ngân hàng nộp đơn phá sản khi chưa thực sự lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán, từ đó gây tâm lý hoang mang, ảnh hưởng toàn hệ thống tín dụng nói chung. Trên thực tế, việc cung ứng tín dụng quá khả năng cho phép đối với một hay nhiều khách hàng, dẫn đến nợ xấu, không trả được, ngân hàng thường lấy tiền huy động của người sau trả cho người trước đến hạn. Ngắn gọn là huy động gối đầu. Nếu tiền huy động vào không kịp để trả cho các khoản tiền gửi đến hạn, ngân hàng mất khả năng chi trả và tình trạng mất thanh khoản xuất hiện.

Để cứu nguy, NHNN đặt ngân hàng đó vào tình trạng kiểm soát đặc biệt với sự hiện diện thường trực của tổ giám sát bao gồm các chuyên viên thanh tra NHNN. Hoạt động chính của các ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt lúc này là thu nợ, trả các khoản vay đến hạn (ưu tiên cho người gửi tiền là dân cư). Mọi động thái rút tiền ra, chuyển tiền qua lại nhất nhất đều phải qua sự kiểm soát chặt chẽ của tổ giám sát…. Quan trọng hơn, dù có cho phá sản ngân hàng hay không thì một bài học lớn từ các nước đi trước là NHNN phải kiểm soát chặt chẽ các khoản ra vào của một ngân hàng đã nằm trong danh sách giám sát, thậm chí phải phong tỏa tài sản.

Ông Cấn Văn Lực – Chuyên gia ngân hàng cho rằng, ở VN khó xảy ra chuyện phá sản ngân hàng. VN vẫn sẽ tập trung giảm số lượng ngân hàng yếu kém bằng cách hợp nhất và sáp nhập, thay vì cho phá sản. Và theo ông, quá trình này sẽ diễn ra chậm chạp, bởi các ngân hàng vẫn có tâm lý chờ đợi Nhà nước rót vốn, thay vì bán mình với giá rẻ.

Thực tế, trong thời gian qua, NHNN vẫn còn một biện pháp cuối cùng trước khi cho phá sản, đó là quốc hữu hóa. Trên thực tế, cho đến nay NHNN đã sử dụng biện pháp này với GP Bank và OcenBank và có lẽ không ít ông chủ ngân hàng vẫn trông chờ cơ hội được cứu vớt.

Do vậy, việc giải thể phá sản ngân hàng, vì thế, có thể sẽ không dễ nhìn thấy như việc phá sản một DN thông thường. Có thể khẳng định, giải thể hay phá sản như số liệu công bố chỉ là các tổ chức quỹ tín dụng nhỏ, các chi nhánh giao dịch, không phải là các TCTD lớn và với việc công bố số liệu không chuẩn dễ gây nhầm lẫn, tạo dư luận không tốt – chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu bình luận…

Hà Phương

dđdn

Các tin tức khác

>   Tăng trưởng tín dụng đạt 1,54% trong quý I (27/03/2016)

>   Không dễ đánh tráo lãi suất (26/03/2016)

>   Tiền đang chảy đi đâu? (26/03/2016)

>   Vượt hạn mức gói 30.000 tỷ, cho vay tiếp hay ngừng? (25/03/2016)

>   Thống đốc: Khuyến khích các ngân hàng cho vay theo chuỗi liên kết (24/03/2016)

>   ACB đặt kế hoạch lãi trước thuế 2016 hơn 1,500 tỷ đồng, chia cổ tức bằng cổ phiếu (24/03/2016)

>   Ngân hàng đang mạnh tay gom trái phiếu chính phủ (24/03/2016)

>   Bức tranh ngân hàng Việt Nam 10 năm qua: Bất ổn tự tạo! (24/03/2016)

>   Hà Nội: Tín dụng tháng 3 tăng trưởng 1.2% (23/03/2016)

>   NHNN sẽ xem xét gia hạn giải ngân tái cấp vốn gói 30,000 tỷ đồng (23/03/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật