Thứ Bảy, 19/03/2016 09:01

Những triển vọng và trở ngại đầu tư tại Việt Nam

Grant Thornton vừa công bố kế quả khảo sát về xu hướng đầu tư tư nhân ở Việt Nam, theo đó, 86% ý kiến phản hồi kỳ vọng rằng hoạt động đầu tư sẽ tăng trong vòng 12 tháng tới. Trong cuộc khảo sát này, ngành Bán lẻ và Thực phẩm & Đồ uống (F&B) đang được xem là hai ngành hấp dẫn nhất của đầu tư tư nhân.

Cụ thể, 86% ý kiến phản hồi dự báo mức độ đầu tư sẽ tăng trong 12 tháng tới. Mặc dù kết quả không thay đổi so với quý 2/ 2015, số người có nhận định “Tăng mạnh” đã tăng từ 7% đến 11%.

Triển vọng tích cực này có được do nhiều cải thiện đã thực hiện trong thời gian qua, bao gồm hai thay đổi quan trọng về pháp lý khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân tham gia vào các dự án cơ sở hạ tầng của chính phủ và tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong các công ty niêm yết, hiệp định thương mại tự do AEC và TPP. Đặc biệt với 2 hiệp định thương mại này, theo đánh giá của Phòng Thương mại Hoa Kỳ, Việt Nam là nước đứng thứ 2 trong số các thành viên AEC và đứng đầu trong số các thành viên TPP về khả năng nhận được thêm các khoản đầu tư sau khi ký kết.

Liên quan đến hiệp định AEC, Việt Nam kỳ vọng sẽ thu hút được nhiều FDI hơn trên cơ sở là AEC sẽ loại bỏ các hàng rào phi thuế quan, giảm thuế đến 0% đối với trên 90% các mặt hàng hiện đang chịu thuế, và mức giảm sẽ còn được tiếp tục đối với những mặt hàng khác từ nay đến năm 20181. Liên quan đến TPP, việc tham gia sẽ giúp Việt Nam hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như làm tăng khối lượng thương mại với các nền kinh tế lớn như Nhật Bản và Hoa Kỳ.

Về mức độ hấp dẫn đầu tư của Việt Nam so với các nước láng giềng khác, Việt Nam được xếp thứ 2 với 25% ý kiến từ những người tham gia khảo sát. Vị trí hàng đầu vẫn thuộc về Myanmar, đất nước vẫn được coi là điểm đến đầu tư mới, đặc biệt sau cuộc tổng tuyển cử thành công mà Đảng dân chủ cuối cùng đã giành lại được quyền kiểm soát chính phủ từ quân đội.

Thứ hạng này cũng tương đồng với kết quả Khảo sát triển vọng kinh doanh Đông Nam Á năm 2016 được thực hiện bởi Phòng Thương mại Hoa Kỳ. Theo đó, đối với Việt Nam, triển vọng tích cực cho việc thu hút đầu tư là do có nguồn lực lao động chi phí thấp, an ninh cho các công dân cùng sự ổn định của hệ thống chính trị và Chính phủ điều hành. Trong báo cáo khảo sát này, “Việt Nam” đứng thứ 3, trong khi Myanmar và Indonesia lần lượt đứng thứ nhất và thứ 2.

Nguồn: Grant Thornton

Tuy nhiên Grant Thornton cũng chỉ ra những trở ngại lớn trong đầu tư. Cụ thể, môi trường kinh doanh dường như chưa được cải thiện nhiều vì “Tham nhũng”, “Quan liêu” và “Thay đổi liên tục trong chính sách kinh tế” tiếp tục là trở ngại được xếp thứ nhất, thứ 2 và thứ 4 với tỷ lệ chọn lần lượt là 92%, 90% và 82%.

Nhiều năm qua, hành lang pháp lý luôn được xem là thiếu rõ ràng, việc thực thi thường phụ thuộc nhiều vào các Nghị định và Thông tư hướng dẫn cấp Bộ. Bất cập này là nguyên nhân của việc hiểu và hành xử thiếu nhất quán  giữa các ban ngành, gây tốn kém thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, cũng như tạo cơ hội cho tham nhũng.

Chính phủ đã có những nỗ lực trong việc phát hành những văn bản luật và các quy định khác nhau nhằm mục đích cải thiện môi trường kinh doanh. Hiện đã có một số cải thiện nhất định trong thủ tục hành chính như giảm thời gian đăng ký công ty mới hoặc thanh toán thuế. Tuy nhiên, những cải thiện đó vẫn còn chưa đủ. Áp lực về nhu cầu cải cách triệt để trong luật pháp ngày càng tăng vì nay Việt Nam đã trở thành một phần của cộng động kinh tế khu vực và toàn cầu.

Trong số những trở ngại đầu tư chủ yếu còn có yếu tố “Chiến lược dài hạn của Ban Giám đốc” xếp hạng đồng hạng thứ 2, với 90% lựa chọn. Các doanh nghiệp nội địa, đặc biệt là các công ty tư nhân được cho là thường chú trọng vào các hoạt động ngắn hạn, việc thiếu các kế hoạch phát triển trung và dài hạn là hiện tượng tương đối phổ biến. Kế hoạch trung - dài hạn thường thể hiện định hướng hoạt động của doanh nghiệp cũng như cho thấy cam kết của Ban Giám đốc đối với các cổ đông hoặc những nhà đầu tư tiềm năng. Không có những kế hoạch này, nhà đầu tư sẽ thấy khó trong việc tìm hiểu chi tiết về đường hướng của doanh nghiệp và tầm nhìn của đội ngũ lãnh đạo.

Nguồn: Grant Thornton

Bán lẻ, thực phầm và đồ uống là ngành hấp dẫn đầu tư nhất

Ngành “Bán lẻ”, ngành “Thực phẩm và đồ uống” được xem là hai ngành hấp dẫn nhất đối với các giao dịch đầu tư tư nhân, được chọn lần lượt bởi 51% và 41% người tham gia.Việt Nam hiện đang được xem như là một trong những thị trường tiêu dùng triển vọng nhất châu Á1, nhờ vào lợi thế dân số đông, thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh và sự gia tăng của quá trình đô thị hóa.

Nguồn: Grant Thornton

Theo A.T.Kearney, một công ty tư vấn toàn cầu uy tín có trụ sở tại Chicago, Việt Nam là quốc gia có ngành bán lẻ được xếp thứ 28 trên thế giới xét về độ hấp dẫn. Mặc dù đã và đang phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây (9% năm 20151), ngành này vẫn được xem là chỉ đang trong bước đầu của giai đoạn phát triển khi mà các kênh phân phối hiện đại chỉ chiếm khoảng 20%2, một mức tương đối thấp so với các nước trong khu vực. Dân số đông cùng với sự gia tăng tầng lớp trung lưu và tốc độ đô thị hóa nhanh đang làm thay đổi thói quen mua sắm. Đây sẽ là nền tảng thúc đẩy tăng trưởng, dự báo đạt mức tăng trưởng kép 13%/năm trong giai đoạn 2015 - 2018. Chính những nhân tố này đã thu hút các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước như Berli Jucker (Thái Lan), Aeon (Nhật Bản), Vincom (Việt Nam), tạo nên một sự cạnh tranh quyết liệt trong ngành này. Cùng với việc mở rộng cửa đầu tư trong ngành “Bán lẻ” theo cam kết WTO, dự kiến sẽ tiếp tục có nhiều các giao dịch đầu tư tư nhân ở ngành này trong năm 2016.

Với cùng nhân tố thúc đẩy như ngành Bán lẻ, nhu cầu cho ngành Thực phẩm và Đồ uống cũng đang tăng nhanh. Mức thu nhập khả dụng của người dân ngày càng cao đã tạo ra nhu cầu đa dạng cho các mặt hàng từ bình dân đến cao cấp, cùng với những thay đổi trong phong cách sống và xu hướng ăn uống ở ngoài nhất là ở các thành phố lớn, dự báo tốc độ tăng trưởng của phân ngành nước giải khát và thực phẩm chế biến sẵn/đồ ăn nhanh sẽ tăng lần lượt trong khoảng 7-11% và 3-9%/năm trong giai đoạn 2015 - 2020. Với chỉ số giá tiêu dùng còn thấp, thuế và phí đang trên đà giảm, dự báo các mặt hàng Thực phẩm và Đồ uống sẽ có mức giá hợp lý hơn cho đa số người dân. Hiện tại, các nhà sản xuất trong và ngoài nước đang mở rộng sản xuất và đưa ra nhiều sản phẩm mới. Cùng với số lượng kênh bán lẻ thực phẩm gia tăng, ngành Thực phẩm và Đồ uống đang hứa hẹn sẽ phát triển nhanh chóng để đáp ứng nhu cầu tăng nhanh của người tiêu dùng.

Được lựa chọn bởi 39% người tham gia, ngành Vận tải và kho vận đứng thứ ba trong danh sách các nhóm ngành hấp dẫn nhất. Đây là sự gia tăng đột biến khi mức lựa chọn chỉ là 12% trong kỳ khảo sát quý 2/2015. Trong năm 2016, các nhà đầu tư đang mong đợi sẽ có nhiều giao dịch thoái vốn ở trong khối doanh nghiệp nhà nước quản lý cảng biển lớn như Cảng Sài Gòn, Vinalines v.v…

Đứng thứ tư là ngành Y tế và dược phẩm với 35% người tham gia đánh giá ngành này rất hấp dẫn. Điều kiện sống được cải thiện và mức thu nhập khả dụng cao hơn tạo điều kiện cho người dân chi tiêu nhiều hơn cho các dịch vụ y tế. Song chất lượng dịch vụ nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của người tiêu dùng. Thực tế này cho thấy đang có nhiều cơ hội tốt để đầu tư vào lĩnh vực này.

Một điều đáng chú ý là ngành Dầu mỏ, khí đốt và khoáng sản rơi xuống vị trí cuối cùng trong danh mục này, phản ánh những khủng hoảng diễn ra trong ngành như dư thừa nguồn cung, giá dầu sụt giảm và chi phí hoạt động lớn, mà sẽ cần thời gian rất lâu mới có thể hồi phục được./.

Các tin tức khác

>   Chủ tịch Quốc hội Pháp: Nỗ lực cân bằng cán cân thương mại Pháp-Việt (18/03/2016)

>   Xây dựng ngành Than thành ngành công nghiệp phát triển (18/03/2016)

>   Hiện tượng El Nino sẽ ‘đủ lông đủ cánh’ trong tháng này (18/03/2016)

>   Ngành sản xuất ximăng Việt Nam trước sức ép “hàng ngoại” (18/03/2016)

>   Apple đầu tư: TP.HCM mong, Bình Dương mời, Bắc Ninh xốn xang (18/03/2016)

>   Sẽ có quy định pháp lý riêng cho cảng khu vực Cái Mép-Thị Vải (18/03/2016)

>   Không thuê Trung Quốc tư vấn quy hoạch đảo Lý Sơn (18/03/2016)

>   Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (18/03/2016)

>   Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (17/03/2016)

>   Quy định chặt chẽ việc quản lý, sử dụng ODA (17/03/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật