Người dân bớt gửi ngoại tệ tại ngân hàng
Sau khi lãi suất tiền gửi đô la Mỹ về 0% từ ngày 17-12 đối với cả cá nhân và tổ chức đã có sự dịch chuyển trong tiền gửi của người dân, theo hướng chuyển ngoại tệ thành tiền đồng và gửi lại vào ngân hàng, theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM.
Lượng ngoại tệ huy động qua hệ thống ngân hàng trên địa bàn TPHCM trong 5 tháng qua. (Đơn vị: tỉ đồng)
|
Trao đổi với TBKTSG Online, ông Minh cho biết tiền gửi ngoại tệ của cá nhân tại TPHCM đã bắt đầu giảm từ tháng 10 năm ngoái, chỉ tăng trong tháng 2 và tiếp tục giảm cho đến nay. Huy động ngoại tệ đến tháng 10-2015 của cá nhân giảm 1% so với tháng 9, còn tương đương 77.000 tỉ đồng. Đến cuối tháng 2-2016, tổng huy động ngoại tệ của cá nhân chỉ còn tương đương 73.280 tỉ đồng.
Theo ông Minh, vào cuối năm 2015, tỷ giá biến động mạnh nên đã có hiện tượng doanh nghiệp găm đô la Mỹ khiến cho tiền gửi ngoại tệ của doanh nghiệp tăng, sau đó giảm trở lại. Hiện tượng tăng đột biến tiền gửi ngoại tệ của cá nhân diễn ra vào tháng 2, khi lượng ngoại tệ do kiều hối gửi về tăng lên, nhưng từ sau tết đến nay, con số này tiếp tục sụt giảm.
Còn tại một ngân hàng lớn ở TPHCM, Phó Tổng giám đốc phụ trách ngoại hối cho biết lượng huy động ngoại tệ từ cá nhân và cả doanh nghiệp có giảm từ sau lần hạ lãi suất đô la Mỹ của cá nhân về 0,25% vào tháng 9, còn đến khi lãi suất về 0% thì mức giảm đã mạnh hơn. Việc này đã gây ảnh hưởng đến nguồn cung đô la Mỹ của ngân hàng. Vì thế trong thời gian qua, ngân hàng đã phải liên hệ với các tổ chức nước ngoài để vay ngoại tệ với chi phí cao hơn. Cụ thể, nếu tính cả chi phí lãi vay và chi phí khác, mức lãi suất mà ngân hàng vay lên đến khoảng 2%.
Ông Minh cũng cho hay, ngày 17-12 khi lãi suất ngoại tệ về 0%, 60% khoản gửi đến thời gian đáo hạn tại các ngân hàng ở TPHCM đã được chuyển thành tiền đồng. Sự chênh lệch đến 5 điểm phần trăm lãi suất giữa ngoại tệ và tiền đồng, cùng với sự thay đổi trong chính sách tỷ giá (tỷ giá sẽ lên xuống hàng ngày, tham chiếu theo tỷ giá trung tâm do NHNN công bố) đã khiến đô la Mỹ bớt hấp dẫn hơn.
Từ đầu năm đến nay, tỷ giá khá ổn định ở mức 22.330 đồng/đô la Mỹ bán ra tại các ngân hàng, nghĩa là thấp hơn khoảng 25 đồng/đô la so với trước ngày 4-1, khi tỷ giá được áp dụng theo cách điều hành mới.
Trên cả nước, theo số liệu của Vụ Chính sách tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 2-2016, huy động vốn bằng ngoại tệ giảm gần 4%, còn tín dụng ngoại tệ giảm 5,6% so với cuối năm 2015.
Trong khi đó, tại hội thảo công bố báo cáo tài chính năm 2015 và chỉ dẫn cảnh báo do Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia tổ chức mới đây, một số diễn giả lại cho rằng hiện tượng găm giữ ngoại tệ của người dân đang tăng lên, và mức tăng cao nhất là trong 4 tháng cuối năm 2015.
Thảo Nguyên
tbktsg
|