Hà Nội cần 252 ngàn tỷ cho 52 công trình trọng điểm
Trong giai đoạn 2016-2020, Hà Nội dự kiến sẽ triển khai đầu tư 52 công trình trọng điểm. Trong đó bao gồm 11 công trình chuyển tiếp và 41 dự án mới với nhu cầu vốn 251,830 tỷ đồng.
Trong 52 dự án này sẽ có 32 dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách, 13 dự án BT và 7 dự án BOT.
Theo danh mục các dự án thì có 11 dự án được chuyển tiếp của giai đoạn 2011-2015 với số vốn gần 90,170 tỷ đồng. Trong đó có tuyến đường sắt đô thị tuyến số 2 đoạn Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo dài 11.5 km với nhu cầu vốn là 39,200 tỷ đồng; tuyến đường sắt đô thị thí điểm đoạn Nhổn – Ga Hà Nội dài 12.5 km vốn hơn 29,341 tỷ đồng; dự án xử lý nước thải Yên Xá của thành phố phục vụ 270,000 m2/ngày đêm vốn 14,394 tỷ đồng.
Lĩnh vực văn hóa xã hội có 4 dự án với tổng vốn ước 1,480 tỷ đồng. Lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn có 2 dự án với vốn 4,880 tỷ đồng. Lĩnh vực khoa học công nghệ và thông tin truyền thông có 1 dự án trung tâm giao dịch công nghệ thường xuyên Hà Nội 575 tỷ đồng.
Trong khi đó, dự án mới giai đoạn 2016-2020 có nhu cầu vốn khoảng 22,822 tỷ đồng. Một số dự án đáng chú ý như, dự án xây dựng vành đai 2 đoạn Vĩnh Tuy-Chợ Mới-Ngã Tư Vọng có nhu cầu vốn 1,700 tỷ đồng; mở rộng đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch-Nam Thăng Long (phần dưới đất) 2,800 tỷ đồng; công viên Nhân Chính 13.2 ha với vốn 298 tỷ đồng; đường vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu – Voi Phục vốn 6,200 tỷ đồng; cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 vốn 2,500 tỷ đồng;…
Các dự án theo hình thức BT có nhu cầu vốn khoảng 93,538 tỷ đồng, đáng chú ý như đường trên cao của vành đai 2 đoạn Vĩnh Tuy-Ngã Tư Sở của chủ đầu tư Tập đoàn Vingroup (VIC) với nhu cầu vốn 5,600 tỷ đồng; Công viên CVI của tập đoàn Indochina Capital 938 tỷ đồng; hầm chui Trần Hưng Đạo qua sông Hồng 7,000 tỷ đồng; cầu Tứ Liên 12,000 tỷ đồng.
Dự án BOT có nhu cầu vốn 45,300 tỷ đồng. Đáng chú ý như cầu Thượng Cát 16,000 tỷ đồng; cầu Đuống 2 và đường nối đến tỉnh Bắc Ninh 6,000 tỷ đồng.
Qua đó, UBND thành phố Hà Nội giao nhiệm vụ lập, trình thẩm định phê duyệt chủ trương đầu tư hoặc lập hồ sơ đề xuất dự án. Cụ thể:
- Đối với dự án sử dụng vốn ngân sách, UBND giao cho Sở Giao thông Vận tải hoàn thiện trình ngay chủ trương đầu tư 6 dự án cấp bách chống ùn tắc giao thông trước 31/03/2016.
- Đối với dự án dự kiến đầu tư theo hình thức PPP được yêu cầu giao cho Sở Giao thông Vận tải và Ban Quản lý dự án (QLDA) trọng điểm Đô thị Hà Nội là cơ quan dự kiến ký hợp đồng hoàn thiện hồ sơ đề xuất 5 dự án BT, 1 dự án BOT để kêu gọi nhà đầu tư tham gia.
- Ngoài ra, Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng được yêu cầu thành lập bộ phận chuyên môn trực tiếp giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến thẩm định chủ trương đầu tư, thẩm định hồ sơ đề xuất dự án và các thủ tục pháp lý khác có liên quan các công trình trọng điểm, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đảm bảo tiến độ trước 30/04/2016 theo quy định.
- Đồng thời, tham mưu trình UBND thành phố ban hành Quyết định thành lập Ban chỉ đạo các công trình trọng điểm của thành phố giai đoạn 2016-2020, báo cáo UBND thành phố trong tháng 3/2016.
- Sở Tài chính cũng được yêu cầu phối hợp với Sở KH & ĐT đảm bảo cân đối đủ nguồn vốn cho các dự án ngân sách theo tiến độ. Triển khai việc phát hành trái phiếu xây dựng Thủ đô đã được HĐND thông qua. Ngoài ra, phối hợp với các đơn vị liên quan định giá tài sản công của thành phố không cần thiết nhà nước quản lý để tổ chức đấu giá tạo nguồn vốn bổ sung cho các công trình trọng điểm.
- UBND cũng yêu cầu Sở Xây dựng chủ trì thống kê tính toán nhu cầu nhà tái định cư cho các dự án trọng điểm, đề xuất triển khai việc xây dựng nhà tái định cư theo hướng linh hoạt, xã hội hóa và báo cáo trong tháng 4/2016.
- Sở Quy hoạch Kiến trúc chủ trì, phối hợp Sở Tài nguyên & Môi trường, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, Sở Kế hoạch & Đầu tư, UBND các quận huyện có công trình đi qua rà soát quỹ đất đối ứng từng vị trí cụ thể để ưu tiên cho đối ứng các dự án BT, báo cáo thành phố trong tháng 4/2016.
- Các chủ đầu tư cũng được yêu cầu rà soát đẩy nhanh tiến độ các dự án đang triển khai, định kỳ ngày 5 hàng tháng gửi báo cáo tiến độ về Ban chỉ đạo để thành phố kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn.
- Các đơn vị được giao nhiệm vụ lập, trình phê duyệt chủ trường đầu tư hoặc hồ sơ đề xuất dự án khẩn trưởng trình duyệt chủ trương đầu tư trước 10/04/2016.
- Các chủ đầu tư phải xây dựng tiến độ triển khai dự án cụ thể, xác định các mốc thời gian hoàn thành các công việc, hạng mục và dự án gửi UBND thành phố theo dõi thực hiện./.
|